1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chất thải rắn đang đầu độc môi trường đô thị

(Dân trí) - Thực trạng chất thải rắn phát sinh ở các khu đô thị, khu công nghiệp và cả ở vùng nông thôn ngày càng gia tăng và phức tạp. Hậu quả của việc quản lý chất thải độc hại không đúng cách sự hủy hoại môi trường và sức khoẻ của người dân.

Hiện trạng, những tác động tiêu cực của chất thải rắn đối với môi trường và các giải pháp tổng thể quản lý loại chất thải nguy hại này là những vấn đề chính của Báo cáo môi trường Quốc gia năm 2011 được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố chiều 7/8.

Ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết,  những năm qua tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ với sự hình thành, phát triển của các ngành nghề sản xuất, sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, sản xuất phát triển đã đi kèm với đó là nỗi lo về môi trường, đặc biệt vấn đề chất thải rắn như chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải nông nghiệp, chất thải y tế, chất thải xây dựng, chất thải nguy hại, v.v…

Báo cáo đã chỉ rõ thực trạng chất thải rắn phát sinh ở các khu đô thị, khu công nghiệp và cả ở vùng nông thôn ngày càng gia tăng và phức tạp, lượng phát sinh trung bình khoảng 10% mỗi năm. Theo nguồn gốc phát sinh, khoảng 46% chất thải rắn từ đô thị, 17% từ sản xuất công nghiệp, còn lại là từ nông thôn, làng nghề và y tế.

Dự báo, đến năm 2015, tỷ trọng này sẽ còn tiếp tục tăng lên tương ứng với con số 51% và 22%, lượng chất thải nguy hại chiếm từ 18-25% lượng chất thải rắn phát sinh tại mỗi khu vực.

Làng nghề thu gom, tái chế chì tại Hà Nội
Làng nghề thu gom, tái chế chì tại Hà Nội  đang đứng trước nguy cơ giảm tuổi thọ vì ô nhiễm môi trường.

Theo đó là thực trạng chất thải rắn phát sinh ở các khu đô thị, khu công nghiệp và cả ở vùng nông thôn ngày càng gia tăng và phức tạp. Hậu quả cua việc quản lý chất thải rắn không tốt, không đúng cách, đã gây tác động xấu tới môi trường, sức khoẻ.  Trong khi vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy chất thải rắn đã và đang trở thành một bài toán khó đối với Việt Nam.

Cũng theo báo cáo, dù công tác quản lý chất thải rắn đã từng bước thay đổi nhưng tỷ lệ thu gom hiện nay đã tăng đáng kể, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Bởi phần lớn chất thải rắn chưa được phân loại tại nguồn, thu gom lẫn lộn, việc tái chế, xử lý chưa khoa học, còn manh mún.
 
Trước thực trạng này, “Báo cáo môi trường quốc gia năm 2011” đã  tập trung vào những vấn đề “nóng” của xã hội, đó là: Thực trạng về chất thải rắn ở Việt Nam, sức ép của gia tăng dân số và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội làm cho lượng chất thải rắn vào môi trường ngày càng tăng. Hiện trạng chất thải rắn đô thị, nông nghiệp và nông thôn, công nghiệp, y tế (đặc biệt là vấn đề chất thải nguy hại). Các vấn đề liên quan đến công tác thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý đối với từng loại chất thải rắn.

Báo cáo cũng đưa ra đánh giá tổng quan tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra. Hậu quả của việc quản lý chất thải rắn không tốt, không đúng cách, xử lý không hợp vệ sinh gây tác động xấu tới môi trường đất, nước, không khí, tới sức khỏe cộng đồng.

Cuối cùng, báo cáo đưa ra những đánh giá về công tác quản lý chất thải rắn trong những năm qua, những kết quả đã đạt được cũng như những bất cập, khó khăn còn tồn tại. Từ đó đề xuất, kiến nghị tới Chính phủ, Quốc hội, các ngành và địa phương những giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý chất thải rắn, từng bước đạt được các mục tiêu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đến năm 2020.

Hiện Chính phủ đã đưa vấn đề quản lý chất thải rắn theo hướng bền vững là một trong bảy chương trình ưu tiên của chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia và là một nội dung thuộc lĩnh vực ưu tiên trong chính sách phát triển của Chương trình Nghị sự 21 – Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam.

Thanh Trầm