1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đắk Nông:

Chặt hạ hàng ngàn cây thông dọc con đường đẹp nhất Tây Nguyên

Đặng Dương

(Dân trí) - Gần 7.000 cây thông được chặt hạ lần này là số cây chết do bị bệnh hoặc bị đầu độc, nằm dọc hai bên quốc lộ 14 và quốc lộ 28 đoạn qua tỉnh Đắk Nông.

Ngày 27/5, Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh này vừa đồng ý giao cho các đơn vị chủ rừng chặt hạ 6.704 cây thông chết dọc các tuyến quốc lộ 14 và quốc lộ 28 để bảo đảm an toàn và chuẩn bị mặt bằng trồng lại rừng theo quy định.

Chặt hạ hàng ngàn cây thông dọc con đường đẹp nhất Tây Nguyên - 1

Những mảng rừng chết trắng dọc quốc lộ 28 đoạn qua huyện Đắk G'Long.

Theo thống kê có khoảng gần 9.500 cây thông chết, khô mục dọc tuyến quốc lộ 14 và quốc lộ 28, trữ lượng khoảng 3.547 m3. Trong đó, có khoảng 2.700 cây nằm trong các vụ án hình sự đang chờ cơ quan chức năng điều tra, hơn 6.700 cây còn lại nằm ngoài hiện trường các vụ án hình sự.

Diện tích thông được phép chặt hạ do UBND huyện Đắk Song, UBND huyện Đắk G'Long, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý. Hầu hết các cây thông chết nằm rải rác, phân bố không tập trung.

Tỉnh Đắk Nông yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện phân loại, lập phương án xử lý lâm sản thu được và trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định pháp luật.

Các cơ quan, đơn vị tuyệt đối không để người dân lấn chiếm đất. Nếu để đất bị lấn chiếm, Chủ tịch UBND huyện Đắk Song, Đắk G'Long, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Chặt hạ hàng ngàn cây thông dọc con đường đẹp nhất Tây Nguyên - 2

Phần lớn số thông chặt hạ lần này đều bị đầu độc bằng thuốc diệt cỏ trước đó.

Đối với số thông nằm trong khu vực hiện trường các vụ án hình sự, tỉnh Đắk Nông giao các cơ quan, đơn vị liên quan làm việc với cơ quan công an để thống nhất phương án xử lý theo quy định.

Trước đó, Dân trí đã thông tin, nhiều năm qua dọc hai tuyến quốc lộ 14 và 28, đoạn qua tỉnh Đắk Nông liên tục xảy ra tình trạng đầu độc, bức tử rừng thông để lấn chiếm đất mặt đường. Một phần nguyên nhân là do buông lỏng quản lý và có sự "tiếp tay" của cán bộ địa phương.

Sau khi tỉnh Đắk Nông quyết liệt vào cuộc, một số đối tượng phá rừng thông bị xử lý hình sự thì tình trạng mới không tái diễn. Tuy nhiên, nhiều cánh rừng thông dọc hai quốc lộ trên đã chết khô, không còn khả năng cứu chữa.