1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Tĩnh:

"Chảo lửa, túi bom" năm xưa đón niềm vui trong những ngày tháng 8

(Dân trí) - Nằm trên tuyến đường Đông Trường Sơn, là vị trí trọng điểm nhất trong các vị trí trọng điểm ở Hà Tĩnh chi viện cho miền Nam ruột thịt, bến phà Địa Lợi (xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) từng là nơi “chảo lửa, túi bom” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Để bảo tồn những giá trị gắn với lịch sử, bến phà Địa Lợi vừa được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh, đồng thời củng cố hồ sơ để được cấp di tích lịch sử quốc gia.

Bến phà Địa Lợi được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Lúc đó, bến phà được xây dựng và lát thủ công bằng gỗ lim, trụ dưới chống bằng cây chàng phày (là một loài trong phân họ tre). Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, bến phà được giao cho Ty Giao thông Vận tải tỉnh Hà Tĩnh quản lý.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bến phà Địa Lợi là nơi chuyên chở hàng đoàn người và hàng hóa phục vụ các chiến trường ở Bắc Bộ, Điện Biên Phủ, Trung Lào. Từ năm 1965-1966, bến phà Địa Lợi được giao cho đơn vị C8, Binh đoàn 559 thuộc Bộ đội Trường Sơn quản lý. Đến lúc đó, phà được làm lại bằng cầu phao, phía trên lát gỗ với hơn 10 nhịp chiều dài từ bờ bắc sang bờ nam khoảng 450m - 500m, rộng hơn 4m.

Nơi “chảo lửa, túi bom”

​Do địa thế độc đạo hiểm yếu, không có đường tránh, đường xế, chỉ tập trung vào một cụm đường chính nên không quân Mỹ ngày đêm ráo riết tập trung hỏa lực mạnh biến địa điểm bến phà Địa Lợi thành "chảo lửa, túi bom", "tọa độ chết" hòng cắt đứt con đường chi viện cho miền Nam ruột thịt của quân và dân ta.

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn trong thời gian lâu nhất (1967 - 1975), người chỉ đạo sát sao hậu cần tiền phương nhận xét về vị trí đặc biệt của bến phà Địa Lợi như sau: "Trong tập đoàn trọng điểm Linh Cảm, Đồng Lộc, Khe Giao, Địa Lợi, Lộc Yên huyện Hương Khê, Bộ Tư lệnh Trường Sơn gọi là tập đoàn trọng điểm do Binh trạm 9 phụ trách trong đó các điểm đều ác liệt cả. Nhưng điểm ác liệt nhất là Địa Lợi nó được coi là “yết hầu của yết hầu”. Tại sao đây là điểm ác liệt nhất vì đây là điểm vượt sông, là điểm địch đánh kịch liệt cả đêm, cả ngày. Đồng Lộc là một điểm trên mặt bằng, xử lý dễ. Phà Linh Cảm vượt sông nhưng đến ba nơi vượt, một là Bến Thủy, hai là Linh Cảm, ba là lên chỗ Hương Sơn. Ba điểm vượt nên nó đánh không tập trung, còn Địa Lợi chỉ một điểm thôi nên nó tập trung".

Phà Địa Lợi trong thời chiến tranh chống Mỹ (Ảnh tư liệu)
Phà Địa Lợi trong thời chiến tranh chống Mỹ (Ảnh tư liệu)

​Từ năm 1965 đến tháng 01 năm 1973 trên tuyến Hương Khê dài 40 km, địch đánh phá rất ác liệt. Chúng đã ném xuống đây hàng chục ngàn tấn bom từ trường, bom nổ chậm, bom cắt, rocket, bom bi các loại... Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho huyện Hương Khê thành lập đại đội chủ lực lấy từ các chiến sĩ thanh niên xung phong đảm bảo giao thông trên tuyến đường này.

Lúc đó, ông Nguyễn Đình Lý là Đại đội trưởng Đại đội chủ lực đảm bảo giao thông huyện Hương Khê từ đường 21 đến ngầm La Khê giáp Quảng Bình (trong đó địa điểm phà Địa Lợi là nơi ác liệt nhất, trở thành yết hầu trọng điểm của tập đoàn trọng điểm bị oanh tạc dữ dội của đế quốc Mỹ) cùng chiến đấu, bảo vệ bến phà Địa Lợi còn có bộ đội công binh, thanh niên xung phong Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Bình và các tỉnh khác, dân quân tự vệ, công an, nhân dân huyện Hương Khê.

Khẩu hiệu lúc đó là “quyết tử cho Địa Lợi quyết sinh”. Ban ngày, lực lượng đại đội dấu phà đến một nơi bí mật, san lấp hố bom, giải phóng mặt bằng hai bên mố phà, ban đêm ghép phà lại hướng dẫn cho người, phương tiện, xe cộ qua phà, có đêm thông qua 600-700 chiếc xe.

Ông Phan Văn Quý (nguyên Phó Bí thư, Chủ tịch Uỷ Ban nhân dân huyện Hương Khê, từng được giao nhiệm vụ Trưởng phòng giao thông Hương Khê trong thời kỳ chống Mỹ) cho biết, nhiệm vụ đảm bảo giao thông thời kỳ ấy là nhiệm vụ trung tâm, cấp bách nhất của Đảng bộ và nhân dân huyện Hương Khê nhằm đảm bảo thông đường thông xe để bộ đội và các lực lượng vận tải hàng hóa đi vào chiến trường miền Nam.

“Đã có 17 đồng chí trong Đại đội giao thông chủ lực đã hy sinh tại đây, gần 100 người cùng với dân quân, du kích xã Hương Thủy và các xã lân cận được điều động đến tu sửa phà khi bị bom đánh” – ông Quý nhớ lại.

Ghi danh những anh hùng

Trong quá trình chiến đấu mặc cho mưa bom bão đạn, nhiều chiến sĩ vẫn kiên trì bám trụ bền bỉ "một tấc không đi, một ly không rời". Không ít chiến sĩ đã anh dũng hi sinh nhưng chẳng ai sợ chết để bảo vệ bến phà, đảm bảo giao thông thông suốt. Nhiều chiến sĩ trước lúc làm nhiệm vụ phá thủy lôi trên sông đã được đồng đội làm lễ truy điệu trước. Trong khi tiễn những người cảm tử này, không ai có dấu hiệu nhụt chí. Chia tay nhau trong không khí hân hoan như những người anh hùng.

Trong gian khó của chiến tranh tình cảm quân dân xung quanh bến phà Địa Lợi càng bền chặt, thắm thiết. Công tác dân vận được tăng cường. Bà con nhân dân tự nguyện phục vụ hậu cần với những việc làm hết sức đơn giản nhưng rất đỗi thương yêu làm dịu đi sự khốc liệt của chiến tranh.

​Một trong những người anh dũng bám trụ tại bến phà Địa Lợi thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ có ông Hồ Văn Minh (quê xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đã chiến đấu bảo vệ phà, người trực tiếp phá 280 quả bom các loại và bắt sống hai viên phi công Mỹ tại khu vực này.

Lễ đón nhận bằng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với bến phà Địa Lợi.
Lễ đón nhận bằng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với bến phà Địa Lợi.

Vào tháng 5 năm 1968, hai chiếc máy bay không quân Mỹ chấm tọa độ oanh tạc bến phà Địa Lợi. Bộ đội ta giương pháo bủa vây bắn trả quyết liệt và bắn cháy một chiếc máy bay. Hai tên phi công nhảy dù xuống bờ nam sông Ngàn Sâu. Ông Hồ Văn Minh đã có những nhận định đúng và kịp thời khống chế được hai tên phi công, bắt bọn chúng phải đầu hàng. Ông còn có công cứu phà gặp nạn.

Nhờ những chiến công xuất sắc, ông được tặng nhiều huân chương, huy hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước trong đó có Huân chương phá bom, Huân chương bắt sống phi công Mỹ. Ông cũng được vinh dự cử ra Hà Nội gặp Bác Hồ.

Ngoài ra còn có các tấm gương chiến đấu dũng cảm khác như Nguyễn Văn Thi, chiến sĩ công binh cảm tử (trước giờ rà phá bom từ trường, đơn vị làm lễ truy điệu sống nhưng ông đã chiến đấu dũng cảm và hoàn thành nhiệm vụ trở về); Nguyễn Thanh Việt, chiến sĩ công binh rà phá hàng trăm quả bom từ trường nổ chậm; Lê Thị Nuôi và Phan Khắc Hồ gánh hàng chục quả bom rơi giữa trục đường 15A cho xe thông tuyến; Lê Chắt nhặt từng quả bom bi bỏ vào nơi an toàn…

Bến phà Địa Lợi và những nhân vật, sự kiện lịch sử gắn liền với nó thời chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã đi vào trang sử vàng chói lọi của dân tộc, xứng đáng được thế hệ hôm nay và mai sau trân trọng và tôn vinh.

Di tích hôm nay

Phà Địa Lợi hôm nay không còn nữa, hai bên bờ sông bao vết thương tích ứa máu do bom đạn cũng đã lành lặn, nhưng trên bến sông ấy đã từng diễn ra những cuộc chiến đấu vô cùng oanh liệt, những gương hi sinh anh dũng và nhiều tấm gương tiêu biểu trong việc giữ phà, thông xe.

Bến phà Địa Lợi hôm nay
Bến phà Địa Lợi hôm nay

Bến phà Địa Lợi xứng đáng là một di tích lịch sử. Vì vậy, trên cơ sở lý lịch di tích lịch sử bến phà Địa Lợi (Bến phà A) đã được các ngành chuyên môn thẩm định và đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét xếp hạng di tích bến phà Địa Lợi là di tích lịch sử cấp tỉnh, ngày 20/3/2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra Quyết định số 70/QĐ-UBND, xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh cho bến phà Địa Lợi.

Bến phà Địa Lợi được cấp Bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh là cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Đây không chỉ là niềm vinh dự của nhân dân xã Hương Thủy mà là niềm tự hào của nhân dân huyện Hương Khê và tỉnh Hà Tĩnh nói chung.

Sáng ngày 18/8, hàng ngàn người dân xã Hương Thủy và huyện Hương Khê nói riêng cũng như toàn thể nhân dân Hà Tĩnh nói chung đều phấn khởi đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với bến phà Địa Lợi. Việc công nhận di tích không chỉ tôn vinh và khẳng định giá trị lịch sử mà còn ghi nhận sự đóng góp của Đảng, quân và dân nói chung, các anh hùng nói riêng đã cống hiến cho phà Địa Lợi năm xưa.

Bia di tích bến phà Địa Lợi được mở trong sáng ngày 18/8.
Bia di tích bến phà Địa Lợi được mở trong sáng ngày 18/8.

Phát biểu tại Lễ nhận bằng công nhận di tích lịch sử đối với phà Địa Lợi, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Hương Thủy cho biết, việc bến phà Địa Lợi được công nhận di tích đã khẳng định truyền thống cách mạng của nhân dân Hương Thủy trong cuộc đấu tranh xây dựng quê hương, là cơ sở pháp lý để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử trên cơ sở đó địa phương đang củng cố thêm hồ sơ để công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.

Bá Hải – Tiến Hiệp