Anh hùng "bốn nhất"...
Được sự dẫn đường của ông Nguyễn Xuân Hợi nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Hương Thuỷ (Hương Khê, Hà Tĩnh), chúng tôi tìm đến nhà ông Hồ Văn Minh (SN 1932, ở xóm 9) - nhân chứng cuối cùng ở chiến trường phà Địa Lợi ác liệt, điểm giao thông huyết mạch nối từ Ngã ba Đồng Lộc theo con đường 15A chi viện cốt tử cho chiến trường miền Nam trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Nhà ông Minh nằm men bên sườn núi, lọt thỏm giữa vườn bưởi quả trĩu cành. Vừa bước tới cổng, một ông già lưng gù chống gậy ra đón. Ông dẫn chúng tôi vào nhà, pha ấm trà mời khách. Năm nay đã bước sang tuổi 78 song ông Minh vẫn còn minh mẫn, lanh lợi. Hớp xong ngụm trà nóng, ông lại chống gậy cuốc bộ dẫn chúng tôi đến thăm chứng tích oanh liệt một thời, cách nhà ông chừng 200m.
Những bước đi vững chãi của người anh hùng ở tuổi 78 trên đường ra thăm chứng tích phà Địa Lợi
Ông kể: “Mỗi lần ra đây tôi lại nhớ tới những trận đánh ác liệt của giặc Mỹ những năm 1967 - 1968. Ký ức mà tôi không thể nào quên là một ngày năm 1967, khi tôi và đồng đội chèo phà vừa ra giữa dòng thì bị trúng đạn rocket của máy bay Mỹ. Phà thủng một lỗ to khiến nước òng ọc chảy vào. Trong cơn nguy kịch, nếu không kịp xử lý phà và xe chở hàng sẽ chìm. Nhanh ý tôi đã cởi áo quần và lấy thân mình ra chèn kín vào lỗ thủng để hai chiếc xe hàng chở vũ khí đạn dược, thuốc men và lương thực qua phà an toàn”.
Sau đêm đó, ông Minh bị thương nặng, gãy mất 6 xương sườn, phải đi cấp cứu ở bệnh viện quân khu 4. “Lúc đó trời đang tối nhem. Vì nhiệm vụ bí mật nên ai cũng phải cẩn thận canh gác chứ không để lộ tín hiệu. Khi tôi phát hiện ra phà thủng cũng không dám gọi to mà chỉ ra hiệu bằng cách gõ nhẹ vào phà. Tôi cùng đồng chí trung đội trưởng dùng dây buộc vào thùng phuy kéo dọc bờ sông kích bom nổ. Nhưng vì bom ném xối xả nên chúng tôi không thoát khỏi bị những làn đạn dội liên hoàn. Lần đó tôi bị thương quá nặng và gãy mất 6 cái xương sườn” - ông Minh nhớ lại.
Tại bến phà Địa Lợi ông Minh hồi tưởng lại những năm tháng hào hùng chống giặc Mỹ xâm lược
Phà Địa Lợi là một điểm huyết mạch trên tuyến đường chi viện cho chiến trường miền Nam nên sau một thời gian điều trị, dù vết thương chưa khỏi hẳn ông Minh vẫn kiên quyết xin đơn vị tiếp tục ra phà làm nhiệm vụ. Không lâu sau đó, ông lại lập công khi bắt sống được một tên giặc lái khi hắn đang cố gắng thoát khỏi vòng vây pháo binh của ta.
“Lúc đó là 12h ngày 5/5/1968, khi pháo binh của ta bắn rơi một máy bay Mỹ thì tôi đang trực chiến ở phà. Phát hiện 2 tên phi công nhảy dù xuống bờ sông bên kia, tôi vội cầm dao bơi băng qua dòng nước dữ sâu hơn 20m đuổi theo chúng. Dù vết thương vẫn đau quặn nhưng tôi vẫn sang được bờ bên kia, rượt đuổi một tên giặc trên một bãi bồi lầy lội. Nó to cao nhưng mình quen với sông nước nên đuổi kịp dễ dàng. Tôi vượt lên trước, giơ cao cây dao sắc nhọn chĩa thắng vào người nó. Nó hoảng sợ giơ hai tay đầu hàng” - ông Minh tự hào nhớ lại kỳ tích của mình.
Với những chiến công oanh liệt đó, cuối năm 1968, ông vinh dự là một trong số 24 người được đi dự Đại hội Quyết thắng quân khu 4 và được Quân khu Ủy, Bộ tư lệnh quân khu 4 chọn làm đại diện anh hùng lực lượng vũ trang ra báo cáo tình hình chiến khu với Bác Hồ.
“Được gặp Bác ai nấy cũng vỡ òa trong niềm vui sướng. Chúng tôi báo cáo thành tích xong, Bác dặn dò: các cháu chiến đấu giỏi và phải chiến đấu giỏi hơn nữa, trong lao động sản xuất phải chăm chỉ… Sau đó chúng tôi được chụp chung tấm hình lưu niệm với Bác. Đó là ký ức hạnh phúc nhất mà suốt đời này tôi không thể nào quên”.
Những chiến công chói lọi trên ngực người anh hùng
Những chiến công anh dũng của ông chưa dừng lại ở đó. Sau lần gặp Bác trở về, như được tiếp thêm sức mạnh, ông Minh càng xả thân vì Tổ quốc, không quản hy sinh. Chỉ trong vòng 4 năm (1968 – 1972) ông đã trực tiếp phá huỷ 280 quả bom các loại, đảm bảo cho phà Địa Lợi luôn thông tuyến an toàn.
Không chỉ chiến đấu giỏi, ông còn là tấm gương sản xuất giỏi, chăn nuôi giỏi, cung cấp hàng tấn lương thực, thực phẩm chi viện cho đồng bào miền Nam. Danh hiệu anh hùng "bốn nhất" Hồ Văn Minh nổi danh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Với thành tích này, ông được Nhà nước phong tặng 1 huân chương chiến công phá bom, 1 huân chương chiến công bắt giặc lái Mỹ, 1 huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng 2, 5 huy hiệu chiến sỹ thi đua, 1 huy hiệu của Bác tặng năm 1968 tại Phủ Chủ tịch và nhiều phần thưởng cao quý khác.
… và hai mong ước giản dị
Trở về đời thường, người chiến sỹ một thời oanh liệt năm xưa vẫn không quên những lời Bác dạy. Hòa bình lập lại, ông hăng hái tham gia vào các hoạt động xã hội. Từ năm 1975 - 1990, ông làm xã đội trưởng xã Hương Thủy và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giành nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Đã gần 40 năm tuổi Đảng nhưng lòng nhiệt huyết cách mạng vẫn sôi sục trong ông. Ông luôn hưởng ứng và tham gia tích cực các phong trào của địa phương, mẫu mực trong sinh hoạt hằng ngày.
Năm 2009, ông đem bức ảnh chụp với Bác Hồ - kỷ vật thiêng liêng nhất của đời mình - hiến tặng cho Bảo tàng Quân khu 4. “Tôi muốn giữ nó mãi mãi bên mình vì đó là kỷ vật mà tôi cả đời gìn giữ. Nhưng giờ Nhà nước cần mình hiến tặng coi như là làm cách mạng vậy” - ông Minh cho hay.
Đánh giá về ông Hồ Văn Minh, ông Nguyễn Xuân Hợi nhận xét: “Ông Hồ Văn Minh là người tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu anh dũng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đảng bộ và nhân dân xã Hương Thủy luôn tự hào về những chiến tích của ông. Ông Minh là một tấm gương tiểu biểu cho các thế hệ noi theo”.
Dạo bước trên bến phà mỗi buổi chiều đã trở thành thói quen của ông Minh
Bây giờ tuy tuổi đã già nhưng mỗi buổi chiều dù trời nắng hay mưa, người ta lại thấy hình ảnh ông già lưng gù chống chiếc gậy ra đứng bên bến phà Địa Lợi để tưởng nhớ về một thời hào hùng, oanh liệt, tưởng nhớ những đồng đội đã sát cánh cùng ông và vĩnh viễn nằm lại nơi đây. “Nhiều lúc ra đây, ký ức oanh liệt một thời như sống lại trong lòng tôi. Tôi may mắn là người cuối cùng còn sống sót. Nghĩ đến các anh tôi không thể cầm lòng” - ông Minh ngậm ngùi chia sẻ.
Khi được hỏi về mong ước cuối cùng trong cuộc đời mình, ông Minh bộc bạch: “Tôi muốn trước khi nhắm mắt xuôi tay được một lần ra thăm Lăng Bác, nhìn hình hài Người lần cuối mà không có điều kiện. Tôi cũng mong Nhà nước xây dựng một tấm bia tưởng niệm ghi lại những chiến công năm xưa bên bến phà Địa Lợi để giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau cũng như hương khói cho những đồng chí đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc”.
Bá Hải - Đặng Tài - Văn Dũng