Chánh Thanh tra Cục Đường bộ bị tố nhận tiền “chạy chức”
(Dân trí) - Ông Mai Văn Đức, Cục trưởng Đường bộ Việt Nam vừa ký văn bản kết luận về việc giải quyết tố cáo đối với ông Lê Ngọc Tiến, Chánh thanh tra Cục này. Theo kết luận, ông Tiến có dấu hiệu nhận tiền người được xem xét bổ nhiệm làm đội trưởng, đội phó.
Kết quả xác minh nội dung tố cáo ông Tiến đi ăn nhà hàng và nhận tiền của những người sắp được bổ nhiệm cho thấy, tháng 1/2009, ông Tiến đã trực tiếp cũng lãnh đạo Ban Thanh tra đường bộ I (TTĐB) xuống từng đội làm quy trình bỏ phiếu tín nhiệm.
Đầu tháng 6, ông Tiến lại đi ăn với một số người được đề nghị bổ nhiệm. Ngoài ra còn có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Tiến đã nhận tiền của một số đối tượng được đề nghị bổ nhiệm.
Sau đó, ông Tiến đã trực tiếp bổ nhiệm 3 đội trưởng và 8 đội phó. Tất cả các trường hợp trên được bổ nhiệm đều không thông qua trong tập thể lãnh đạo Thanh tra cục.
Tại kết luận của mình, Cục Đường bộ khẳng định, việc ông Tiến bổ nhiệm cán bộ không thông qua tập thể là trái với quy định của pháp luật. Cục Đường bộ sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc nhận tiền của ông Tiến cho CQĐT giải quyết và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Được biết, trước khi Cục Đường bộ có kết luận xác minh tố cáo, ông Tiến đã làm đơn với ý định xin nghỉ theo chế độ 32. Tuy nhiên, lá đơn trên đã không được chấp thuận với lý do ông Tiến không đủ điều kiện để được hưởng chính sách này.
Một lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, ngoài những vi phạm trên, ông Tiến còn vi phạm về quản lý hành chính và chi sai nguyên tắc. Do đó, Cục sẽ xem xét và xử lý nghiêm ông Tiến theo đúng quy định pháp luật.
Cụ thể, năm 2007, ông Nguyễn Minh Tuấn - nguyên đội trưởng Đội TTĐB I bị Ban TTĐB I kiến nghị Thanh tra cục xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, Thanh tra cục không có bất cứ hình thức xử lý kỷ luật nào đối với ông Tuấn, buộc Cục Đường bộ phải vào cuộc.
Ngày 9/10/2008, ông Lê Ngọc Tiến, Chánh thanh tra cục đã ra Quyết định kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc 1 năm (từ tháng 12/2008 - 12/2009) với ông Tuấn. Nhưng cùng ngày, ông Tiến lại ra thêm Quyết định 131/QĐ- TTr điều động và phân công ông Tuấn về giữ chức vụ Đội phó thanh tra I-02.
Đến tháng 1/2009, ông Tiến ra thêm một quyết định nữa là điều động ông Tuấn về đơn vị cũ để công tác, gây bất bình trong lực lượng thanh tra. Theo Cục Đường bộ, việc ông Tiến không xem xét kỷ luật ông Tuấn là có dấu hiệu bao che cho vi phạm.
Về nội dung tố cáo ông Tiến chi sai nguyên tắc hơn 600 triệu đồng, tự duyệt định biên, định mức chi ở cơ quan Thanh tra Cục cao hơn mức quy định, bản kết luận viết: năm 2008 Cục Đường bộ Việt Nam duyệt 289 định biên thanh tra, sau đó Thanh tra Cục giao chi tiết định biên cho các đơn vị trực thuộc.
Theo quy định, một định biên chỉ được 47,5 triệu đồng/năm nhưng Thanh tra Cục đã phân bổ mức định biên cho các đơn vị là 63,3 triệu đồng/năm (gấp 1,34 lần). Điều này dẫn tới số chênh lệch định mức kinh phí đã chi tại cơ quan Thanh tra Cục là hơn 333 triệu đồng.
Gửi đơn lên Bộ trưởng GTVT
Chiều ngày 10/12, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Tiến về vấn đề này. Ông Tiến khẳng định kết luận giải quyết đơn tố cáo dựa trên sự báo cáo thiếu khách quan và thiếu căn cứ pháp luật.
“Tôi đã gửi đơn khiếu nại lên Cục trưởng theo quy định của Luật khiếu nại tố cáo. Tuy nhiên, Cục trưởng Mai Văn Đức đã có quyết định bác bỏ khiếu nại của tôi. Dù sao tôi cũng chỉ còn 7 tháng nữa là nghỉ hưu theo chế độ một cách bình thường”, ông Tiến cho biết.
Cũng theo ông Tiến, ông phải chịu sức ép rất nặng nề về việc nghỉ hưu sớm hay ở lại công tác tiếp tục khi Cục chuyển thành Tổng cục Đường bộ. Ông cho rằng đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc dựa vào đơn tố cáo của ông Nguyễn Minh Sơn, công nhân thuộc Khu QLĐB II tại TP Hòa Bình.
Ngày 9/12, ông Lê Ngọc Tiến đã có văn bản gửi lên Bộ trưởng Giao thông Vận tải trình bày về sự việc. |
Phúc Hưng