1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chàng trai 13 năm sống trong hầm kín

Một thanh niên nặng chừng 70kg, không mảnh vải che thân, khuôn mặt nhợt nhạt với nụ cười vô hồn không bao giờ tắt, đôi chân bị co rút lúc nào cũng thò xuống cái rãnh hôi hám trong căn “hầm” được bố mẹ xây cho ngay bên hông nhà.

Đó là vết thương do “bóng ma” dioxin gây ra cho gia đình ông Nguyễn Văn Kim ở tổ 13, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình.

 

13 năm “bị” nhốt trong hầm

 

Ở ngay trung tâm thành phố Thái Bình, tổ 34, phường Kỳ Bá, có một thanh niên đã 13 năm “bị” nhốt trong chái nhà, không cửa sổ. Đó là Nguyễn Mạnh Hùng, năm nay 33 tuổi. Ngày nào Hùng cũng nói từ sáng đến tối, từ tối đến đêm. Bao nhiêu chăn màn, quần áo đưa vào Hùng đều cắn xé hết, khi lên cơn lại la hét khiến hàng xóm không ai ngủ được.

 

Ông Kim chậm rãi cởi nút buộc cửa của căn phòng dài 2m, rộng 3m. Đập vào mắt tôi là cảnh tượng một thanh niên không mặc quần áo, cười nói vô hồn, ngồi bệt trong góc phòng, hai chân để xuống rãnh nước. Căn hầm nhốt Hùng được bố trí rất kín đáo bên hông nhà, hôi hám khủng khiếp vì gia đình không tẩy uế kịp. Tất cả mọi sinh hoạt của Hùng đều diễn ra ở đây, nếu buộc cửa không chắc, Hùng sẽ bò ra ngoài lên nhà và chạy sang hàng xóm.

 

Người cha già buồn rầu lấy chiếc chăn mỏng đắp lên chỗ kín cho con trai, còn người con mắt ngơ ngác nhìn cha. Thăm con xong, ông buộc thật chặt cánh cửa bằng dây thép.

 
Chàng trai 13 năm sống trong hầm kín - 1
Người cha đã già yếu ngày ngày phải chăm sóc đứa con điên dại trong căn hầm kín. 
 

Theo lời ông Kim, căn bệnh thần kinh phân liệt - di chứng của chất độc da cam khiến tuổi thanh xuân của Hùng chôn chặt trong căn hầm chật chội, bẩn thỉu. Năm 1996, căn phòng sát phòng khách được ông bà ngăn đôi để... nhốt con. Nhưng sự phá phách của chàng trai tuổi đôi mươi, sự hôi hám khủng khiếp vì sau khi đại tiện, Hùng bôi lên tường, ném ra phòng khách làm cả nhà không sao chịu được. Vì vậy, năm 2001, gia đình chuyển Hùng ra cái phòng mới ngay bên hông nhà. “Đau khổ lắm, thương con lắm, nhưng không làm thế cũng chả có cách nào”, bà Oanh nghẹn ngào.

 

Không nhốt con có khi chết trước con

 

Từ khi biết con mang căn bệnh thần kinh phân liệt, hai vợ chồng ông bà phải cắt cử một người ở nhà trông con. Hễ sơ ý, Hùng lại lẻn đi. Nhiều đêm, đợi mọi người ngủ hết, Hùng giật khoá trốn đi. Ông Kim phải buộc vào cánh cửa mấy hòn đá để lỡ Hùng có trốn đi, cánh cửa kêu mọi người sẽ biết.

 

Ngày nào cũng phải đi tìm con, rồi thuê xích lô hay xe ôm chở về nếu tìm thấy nhưng dần người ta cũng sợ, không dám chở. Có ngày, Hùng đi từ sáng đến đêm không về. Không ít lần bố mẹ, họ hàng, làng xóm đi tìm Hùng cả đêm dọc bờ sông Trà Lý, lấy gậy khua khắp các ao trong làng vì sợ con ngã nước. Thất vọng trở về thì thấy con nằm co quắp sau nhà. Có lần Hùng lội xuống ao, lúc mọi người biết lôi lên thấy chỉ còn thoi thóp thở. “Lần đó tưởng cháu vĩnh viễn rời xa chúng tôi”, ông Kim kể.

 

“Nhìn chúng bạn bằng tuổi con giờ đã làm tiến sĩ, bằng nọ cấp kia, con mình thì Tết 1/6 người ta vẫn cho quà như một đứa trẻ. Lạy trời cho chúng tôi sức khoẻ để chăm con, chứ nếu chết trước con, việc vệ sinh hàng ngày không ai có thể làm thay được. Cũng dành dụm được ít tiền để sau này tôi khuất núi còn có tiền thuê người phục vụ con. Nhưng ai có thể bằng bố mẹ mình được chứ...”, bà Oanh nói đoạn, nước mắt tuôn trào.

Những tưởng nhốt con lại sẽ đỡ phiền lòng, ai ngờ, Hùng phá phách hơn trước. Hùng trèo qua cả cánh cửa ngăn đôi căn buồng để ra phòng khách. Thấy phòng bức bí, thiếu ánh sáng, ông Kim làm một cửa sổ thông gió, Hùng bẻ cả song sắt, giật cánh cửa. Căn buồng được xây kín mít lại, chỉ để duy nhất một cửa ra vào với cánh cửa chắc chắn. Mùa đông, cả nhà nằm trong chăn ấm đệm êm nhưng ngay phòng bên cạnh, đứa con rứt ruột đẻ ra không mặc gì, cứ la hét, gào thét, đạp cửa ầm ĩ. Bao nhiêu quần áo, chăn màn đưa vào Hùng đều cắn xé, vứt bừa bãi. “Không cầm được nước mắt, nhưng nếu không nhốt con sợ cơm cũng không có mà ăn, biết con lạnh nhưng nếu mình không lo cho mình sợ còn chết trước con...”, bà Oanh bật khóc.

 

Con la hét, đập cửa hay vệ sinh bẩn thỉu cũng không vất vả bằng việc cho con ăn, tắm cho con. “Có lần nó túm tóc bà ấy xoáy rồi vặn, lôi kéo. Nghe tiếng kêu của bà ấy, tôi chạy vào thì Hùng lấy chân giẫm lên tóc mẹ còn hai tay ôm chặt lấy chân tôi. Người em trai phải dùng chăn trùm lên đầu, Hùng mới chịu buông tha chúng tôi”, ông Kim kể.

 

Từ lần đó, nếu lau rửa cho con, ông cũng chỉ dám buộc giẻ vào gậy và đứng ngoài lùa vào rồi dùng nước dội từ đầu đến cuối phòng. Bà Oanh đã nhiều lần bị con dùng chậu rửa mặt đầy nước úp vào mặt, hoặc đang cho ăn bất thình lình Hùng hất cả bát cơm hay cốc nước vào mặt. Bởi thế, ông bà đã sắm vài chục cái bát, cốc và chậu nhựa để Hùng không làm vỡ.

 

Vết thương không mảnh đạn

 

Ông Kim kể, năm 1966, ông lên đường nhập ngũ và tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở chiến trường Thừa Thiên - Huế. Năm 1975, ông phục viên về quê và lấy vợ. Một năm sau, ông bà sinh con trai đầu Nguyễn Mạnh Hùng rất kháu khỉnh.

 

Hùng cũng đi học như bao đứa trẻ bình thường khác. Lúc đầu, cũng chỉ là những biểu hiện như đau cột sống, đau đầu, trí nhớ không tốt. Học lớp 9, Hùng có những biểu hiện của người bị thần kinh. Cả lớp đang chăm chú nghe giảng bài, tự nhiên Hùng nhảy lên bục giảng, xưng là thầy giáo và nói huyên thuyên, Hiệu trưởng phải mời phụ huynh đến gặp và trao đổi về những “hành vi không bình thường” của Hùng.

 

Mẹ Hùng kể: Mùa đông ấy, Hùng nói có bạn gái ở Đông Hưng hứa hẹn yêu đương. Nhưng thực chất chả có cô gái nào, chỉ do Hùng hoang tưởng. Đêm đến, đợi mọi người đi ngủ, Hùng đạp xe đến nhà một người thân ở Đông Hưng và nói muốn ở chơi một thời gian. Gia đình đăng tải tìm con trên tivi và đài báo nhưng không có tin tức gì. Mấy tháng sau, gia đình người bạn thấy Hùng đi vệ sinh đầy ra nhà, nói năng huyên thuyên họ mới đến nhà báo tin.

 

Những ngày sau khi trở về nhà, Hùng lên cơn, kêu gào suốt ngày đêm khiến hàng xóm không sao ngủ được, gia đình không một ngày bình yên. Đem con đi hết các bệnh viện của Thái Bình đến Hà Nội chữa trị, nhưng mỗi lần đi là một lần thêm thất vọng. Khi bác sĩ nói Hùng bị di chứng chất độc da cam, ông Kim mới liên tưởng đến những cánh rừng trụi lá nơi ông từng đóng quân.

 

Hai chân Hùng càng ngày càng teo tóp lại, bị co rút dần. Ban đầu, Hùng kiễng đi bằng 10 đầu ngón chân, nhưng sau đó thì không đi được nữa. Bao nhiêu tiền của, gà lợn nuôi được đều dồn vào chữa bệnh cho con. Bà Oanh lễ hết đền nọ phủ kia nhưng cũng không kết quả gì. Năm 1999, ông bà quyết định ngăn đôi căn buồng “nhốt” con ngay cạnh phòng khách.

 

Một thời gian, căn hầm này được giữ bí mật, phần vì dư luận, phần vì để cậu em trai lấy được vợ. Thiên hạ đánh giá “đời cha ăn mặn đời con khát nước”, “ông bà cụ kị trước ăn ở thất đức, làm nhiều điều không tốt nên giờ con cháu phải gánh chịu”. Hàng xóm phàn nàn vì không ngủ được, khách đến nhà thấy mùi hôi hám khó chịu, có người sợ không dám đến chơi, người lại hỏi chua chát “sao anh chị để cho cháu bẩn thế”, “sao lại để cháu kêu gào, đi lang thang thế?”...

 

“Nào ai muốn thế đâu. Nghĩ lại thấy bố mẹ mình trước cũng tham gia cách mạng, cũng chẳng làm điều ác gì, còn có gần chục đứa cháu học đại học, cao đẳng. Thật là trăm phúc nhà vợ không bằng cái nợ nhà chồng”, mắt bà Oanh chảy dài khi nói đến những oan ức.

 

Mãi đến giữa năm 2008, khi Hùng nằm trong danh sách được hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam, tiếng ác dư luận mới nguội dần.

 

Theo Nguyễn Hạnh

Gia đình & Xã hội