1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chàng thượng úy công an và câu chuyện cứu người khẩn cấp

Trần Thanh

(Dân trí) - Thấy anh Vũ đang bị trọng thương, máu miệng và mũi trào ra gây cản trở đường hô hấp, Thượng úy Nguyễn Danh Tùng đã không ngại sớ cứu, khai thông đường thở cho nạn nhân.

Giây phút sinh tử

Khoảng 22h ngày 29 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thượng úy Nguyễn Danh Tùng, cán bộ Công an xã Cách Linh (huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) và chỉ huy đang trực tại đơn vị thì có tin báo một người dân gặp tai nạn giao thông trên địa bàn. 

Lúc này, Thượng úy Tùng vội vã báo cáo chỉ huy và đi trước tới hiện trường. Đến nơi, nạn nhân là một người đàn ông đã bất tỉnh, xung quanh hiện trường có vài người dân đang đứng theo dõi, mọi người đều lúng túng, chưa biết nên làm gì.

Chàng thượng úy công an và câu chuyện cứu người khẩn cấp - 1

Hình ảnh Thượng úy Tùng hút máu giúp nạn nhân khai thông đường thở, thoát cơn nguy kịch (Ảnh: Công an cung cấp).

Bằng kinh nghiệm trong công tác, anh Tùng thấy nạn nhân gặp đa chấn thương nặng, vẫn còn mạch đập và nhịp thở, tuy nhiên máu trào ra từ mũi và miệng nạn nhân rất nhiều, cản trở hô hấp, nếu không khai thông kịp thời thì nạn nhân sẽ tử vong.

"Khi đó trong tay tôi không có dụng cụ nào có thể sử dụng, xe cấp cứu thì còn khá lâu mới tới được, nạn nhân thì thở ngày càng yếu, chỉ còn cách thông đường thở cho nạn nhân", anh Tùng kể.

Anh Tùng cho hay, hoàn cảnh khẩn cấp lúc đó khiến anh phải suy nghĩ thật nhanh và bằng mọi cách cứu, giữ được tính mạng cho người gặp nạn.

Chàng thượng úy công an và câu chuyện cứu người khẩn cấp - 2

Thượng úy Nguyễn Danh Tùng (Ảnh: Lê Nam).

Tôi nhìn nạn nhân, mắt vẫn nhắm nghiền, khuôn mặt do chấn thương đã sưng phù lên hết cả, chẳng đoán được là bao nhiêu tuổi, hơi thở thì ngày càng gấp và ngắn hơn, máu vẫn trào ra ở mũi và miệng. Lúc đó tôi đã quyết định dùng miệng mình hút hết máu và dịch trong mũi nạn nhân ra ngoài", Thượng úy Tùng chia sẻ.

Theo vị cán bộ công an xã, cứ khoảng 15-20 giây, hễ thấy hơi thở nạn nhân có tiếng khọt khẹt do sặc máu là anh lại cúi xuống hút ra, liên tục cho đến khi xe cấp cứu tới hiện trường. 

"Sau đó tôi về đến đơn vị, lúc này đã quá nửa đêm. Tôi từ từ rửa sạch những vết máu đỏ còn dính trên mặt và tay mình, thầm mong người bị tai nạn vừa rồi sẽ được an toàn", Thiếu úy Tùng nói.

Chàng lính cứu hỏa từ Thủ đô lên biên giới làm công an xã

Sinh năm 1993 tại Hà Nội, trúng tuyển vào trường Đại học Phòng cháy chữa cháy vào năm 2011, chàng thanh niên 18 tuổi Nguyễn Danh Tùng chính thức được đứng vào hàng ngũ lực lượng CAND, khoác lên mình màu áo xanh đầy tự hào.

Trải qua 5 năm học tập, khi ra trường anh được điều động công tác tại Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an).

Chàng thượng úy công an và câu chuyện cứu người khẩn cấp - 3

Là một người con của Thủ đô, Thượng úy Tùng sẵn sàng lên đường công tác và cống hiến sức lực của mình để đảm bảo trật tự an ninh tại một xã vùng biên của tỉnh Cao Bằng (Ảnh: Lê Nam).

Là một trong những người trẻ tuổi nhất đơn vị, lại chưa lập gia đình riêng, khi Bộ Công an có chương trình tăng cường các cán bộ trẻ, đang công tác tại các cơ quan cấp Bộ đến các xã biên giới trên cả nước, anh Tùng đã xung phong lên đường công tác.

Tháng 11/2023, Thượng úy Nguyễn Danh Tùng chính thức được điều động đến nhận công tác tại một xã biên giới thuộc tỉnh Cao Bằng.

Nơi vị Thượng úy trẻ nhận công tác là xã Cách Linh, huyện Quảng Hòa, một xã có địa bàn rất rộng, dân cư rải rác, thưa thớt chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, có nhiều thôn, xóm vùng sâu, vùng xa nên tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn rất nhiều phức tạp.

Khó khăn là vậy, nhưng anh Tùng luôn nhận được sự quan tâm, động viên rất lớn của những người đồng đội và nhân dân tại Cao Bằng.

Trung tá Bùi Trung Bắc, Trưởng Công an xã Cách Linh chia sẻ: "Mặc dù công tác xa nhà, đến nhận công tác tại mảnh đất vùng biên nhưng trong đơn vị, Thượng úy Tùng luôn phát huy tinh thần làm việc nghiêm túc, nhiệt tình.

Ngoài ra, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, mặc dù được ưu tiên không phải trực Tết do nhà xa, nhưng Thượng úy Tùng đã tự đề đạt với chỉ huy cho mình trực Tết như tất cả mọi người", Trung tá Bắc chia sẻ.

Cũng theo Trưởng Công an xã Cách Linh, hành động cứu giúp người bị nạn của Thượng úy Tùng đã thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm "lúc dân cần, lúc dân khó, có công an".

Chàng thượng úy công an và câu chuyện cứu người khẩn cấp - 4

Vị cán bộ công an xã trẻ, xuất phát từ một người lính cứu hỏa (Ảnh: Lê Nam).

Nhớ lại lần cứu người hôm 29 Tết, Thượng úy Nguyễn Danh Tùng cho biết, khi nạn nhân tỉnh lại, gia đình họ rất cảm kích trước hành động cứu người của anh, gia đình nạn nhân cũng gửi thư cảm ơn đến vị Thượng úy trẻ.

"Bản thân tôi cảm thấy rất vui và xúc động khi nhận được nhiều lời động viên, thán phục từ người dân. Hình ảnh cứu người của tôi sau đó còn được lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội.

Bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ rằng việc làm ấy của mình sẽ được khen ngợi nhiều như vậy. Tôi nghĩ đó chỉ là một hành động rất cần thiết của một chiến sĩ công an, khi đang cố gắng bảo vệ tính mạng của nhân dân mà thôi", Thượng úy Tùng khiêm tốn nói.

Ghi nhận, đánh giá cao hành động cứu người kịp thời của Thượng úy Tùng, ngày 26/2, lãnh đạo Bộ Công an đã tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an cho Thượng úy Nguyễn Danh Tùng về thành tích xuất sắc trong công tác cứu nạn cứu hộ, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

                                                                                                                Ngọc Ánh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm