1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Chàng phi công trẻ dang dở ước mơ chinh phục bầu trời

(Dân trí) - Anh Nguyễn Văn Tùng - chàng học viên phi công người Thanh Hóa ngồi trên chiếc máy bay EC-130 T2 bị rơi tại Bà Rịa - Vũng Tàu - tử nạn khi mới bước sang tuổi 25. Sự ra đi của anh khiến người thân, bạn bè khóc cạn nước mắt...

Mấy ngày nay, căn nhà số 08 phường Trường Thi, TP Thanh Hoá luôn chật kín người thân, bạn bè, hàng xóm đến chia buồn cùng gia đình Trung úy Nguyễn Văn Tùng (SN 1991 – một trong 3 chiến sĩ hy sinh trong vụ máy bay trực thăng EC -130 T2 số hiệu VN- 8632 gặp nạn).

Sự ra đi của chàng phi công trẻ Nguyễn Văn Tùng khiến người thân bạn bè vô cùng đau xót
Sự ra đi của chàng phi công trẻ Nguyễn Văn Tùng khiến người thân bạn bè vô cùng đau xót

Không khí đau buồn bao trùm không chỉ căn nhà của anh mà cả khu phố nơi anh ở, ai nấy đều tiếc thương chàng phi công trẻ tuổi đã hy sinh khi ước mơ chinh phục bầu trời còn dang dở.

Ngày 19/10, căn cứ ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Hà Tiến Dũng, Tư lệnh Binh đoàn 18 đã ký Quyết định số 832/QĐT-IG ngày 19/10/2016, truy thăng quân hàm từ Đại úy lên Thiếu tá cho anh Dương Lê Minh; Quyết định Số 833/QĐT-IG ngày 19/10/2016, truy thăng quân hàm từ Trung úy lên Thượng úy cho 2 anh Đặng Đình Duy và Nguyễn Văn Tùng. Lễ truy điệu 3 chiến sĩ phi công được tổ chức từ 07 giờ 00 phút ngày 21/10/2016 tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 4, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngay khi nhận hung tin máy bay gặp nạn, bố mẹ Tùng đã bay vào Vũng Tàu để cùng tìm kiếm con. Cả gia đình bấu víu tia hy vọng mong manh, mong phép màu sẽ đến với 3 phi công trên máy bay. Khi công tác tìm kiếm hoàn thành, thi thể các anh được đưa xuống núi, người thân mới vỡ òa nỗi đau.

Nhắc về đứa cháu tội nghiệp của mình, bà Trịnh Thị Huyền (bác gái của Trung uý Tùng) không ngăn được những giọt nước mắt. Bà cho biết Tùng là đứa ngoan và học giỏi. Khi Tùng thi đậu vào Học viện Phòng không không quân tại Nha Trang, gia đình đã vô cùng tự hào.

Bà Huyền cũng cho biết, Trung úy Tùng là con trai út trong nhà, trước Tùng còn có chị gái. Dù là con trai nhưng Tùng luôn sống rất tình cảm và quan tâm đến mọi người trong gia đình. Bởi thế sự ra đi của anh khiến nỗi đau của bố mẹ và người thân quá lớn.

“Mất mát lớn lao của gia đình không có gì bù đắp được, dù gia đình quá đau xót vì cháu đã hy sinh nhưng cũng rất tự hào về cháu mình…” – bà Huyền rưng rưng.

Chị Nguyễn Hồng Tuyến (chị họ anh Tùng) cho biết: Sau khi tốt nghiệp Khoa Phi công quân sự của Trường Học viện Phòng không không quân, Tùng được phân công công tác tại Tổng công ty trực thăng Việt Nam. Dù công việc bận rộn nhưng mỗi lần về phép Tùng đều tranh thủ đến thăm anh em họ hàng. Đặc biệt, Tùng rất yêu quý bà ngoại (năm nay đã 94 tuổi). Lần nào về là Tùng mua quà, đến bóp vai, bóp chân cho bà, mong bà sống lâu để bế bồng cháu chắt.


Chàng trai quê Thanh Hóa ra đi khi ước mơ chinh phục bầu trời còn dang dở.

Chàng trai quê Thanh Hóa ra đi khi ước mơ chinh phục bầu trời còn dang dở.

Trước đó, lúc 7h40 ngày 18/10, máy bay trực thăng EC-130 T2 số hiệu VN 8632 của Trung tâm huấn luyện Tổng công ty trực thăng VN (Binh đoàn 18, Bộ Quốc Phòng) cất cánh từ sân bay Vũng Tàu để thực hiện bay huấn luyện.

Đến 8h3 phút cùng ngày, máy bay mất liên lạc, vị trí mất liên lạc thể hiện trên tiêu đồ ở khu vực núi Dinh (thuộc địa bàn huyện Tân Thành và TP Bà Rịa). Ngay sau đó, các đơn vị chức năng đã vào cuộc tìm kiếm và xác định vị trí máy bay gặp nạn tại khe núi Bao Quang (nằm trong dãy núi Dinh, thuộc địa phận xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành).

Sau gần 2 ngày băng rừng, vượt địa hình hiểm trở, đến chiều 19/10, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy xác máy bay gặp nạn và thi thể 3 phi công. 15h30 chiều 19/10, thi thể 3 phi công được đưa về TPHCM.

Nguyễn Thùy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm