1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Chàng ngơ” bắt trộm

(Dân trí) - Vừa dẫn đường, vừa giơ tay, miệng ú ớ chỉ về ngôi nhà có cây dừa phía trước, người thanh niên muốn báo rằng đã sắp đến nhà mình. Người dân làng Vĩnh Chân, huyện Hạ Hoà (Phú Thọ) quen gọi anh là “ếch”. “Ếch” ngu ngơ suốt ngày, bị câm điếc bẩm sinh nhưng đã từng lập công bắt trộm.

Hai anh em câm điếc bẩm sinh

 

Đang trên đường tìm đến nhà “ếch” thì gặp anh vừa đi nhặt cỏ lạc ngoài ruộng về. Vừa nhìn thấy ông giáo Thành, chủ nhiệm “Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật”, “ếch” nhận ra người quen nên đưa tay ra bắt và chỉ trỏ cười nói rất vui.

 

Bà Cù Thị Tấn, mẹ “ếch” năm nay đã gần 70, đang ngồi chẻ lạt trước hiên nhà. Thấy khách đến, bà tất tả chạy đi pha trà.

 

Vừa bước vào nhà, “ếch” đã chỉ lên tấm ảnh trên bàn thờ đang nghi ngút khói hương, vỗ vỗ tay vào tờ lịch tường có dòng chữ Đường sắt Việt Nam, đôi mắt trùng xuống đượm buồn. Bà Tấn giải thích: “Ông nhà, bố “ếch” làm trong ngành đường sắt mới mất”.

 

Ông Thành cho biết: “Nhà “ếch” có hai anh em thì đều bị câm điếc bẩm sinh. “Ếch” đến nhà cứu trợ được châm cứu, chữa trị khi mới hơn chục tuổi. Hai anh em “ếch” đều ngơ ngơ, suốt ngày lang thang, chạy nhảy ngoài đường. Giờ hai anh em mới biết đi làm đồng, thả được con trâu, nhặt được cỏ giúp bà Tấn”.

 

Nuốt nước mắt vào trong, bà Tấn nghẹn ngào: “Khổ lắm cô ơi! Giờ nhà ba miệng ăn, các cháu thế này biết lấy gì mà sống”. Rồi bà nhìn sang ông Thành cầu khẩn: “Ông xem nhà cứu trợ có việc gì cho các cháu làm với”. Tôi hỏi tuổi của “ếch”, bà Tấn lắc đầu: “Chắc khoảng ngoài 25 gì đấy. Lâu quá rồi tôi cũng không nhớ nổi. Các cháu bệnh tật thế này tôi cũng chỉ cố làm lụng nuôi các cháu. Con bé Oanh cũng ngoài hai mươi rồi mà chẳng biết gì”.

 

“Ếch” lúc ấy chạy xuống bếp bắc ấm nước mời khách.

 

“Chàng ếch” bắt trộm

 

Hai tay vòng lên trán thành hình vòng tròn, “ếch” say sưa kể cho ông  giáo Thành và tôi nghe về chiến công bắt trộm của mình. Tuần trước, khi đang đi làm đồng về, “ếch” gặp một một người vác một bao tải lớn. “Ếch” nhìn sang vệ đường thấy con trâu mẹ buộc ở bụi tre lồng lộn kêu. “Ếch” đoán ngay là trâu mẹ đang kêu mất con.

 

Người vác bao tải thấy cậu thanh niên liền vội vứt bao tải vào bụi cây lề đường rồi chạy mất. Chạy lại phía bao tải, “ếch” vỗ vỗ vào bao thấy động đậy nên hiểu rằng con bê con đang bị buộc trong đó. Ngay lập tức, “ếch” chạy về phía chủ nhà có con trâu mẹ để báo.

 

Ông Minh, chủ trâu, kể lại: “Lúc đó nhà tôi đang ăn cơm trưa. Thấy anh “ếch” cứ vòng tay chỉ ra phía bụi tre nơi có con trâu mẹ đang buộc, miệng muốn nói điều gì. Nhưng nhà tôi lại không hiểu ngôn ngữ của anh. Mãi sau nhìn thấy con trâu mẹ một mình tôi mới hiểu ý”. Sau đó, “ếch” lại chạy đến nhà anh công an xã, kéo tay anh đến chỗ con bê con bị vứt ở bụi cây.

 

Kể xong chiến công của mình, anh “ếch” cười rạng rỡ. Ông Thành quay sang tôi “khoe”: “Phải cám ơn nhà cứu trợ đã giúp các cháu tật nguyền và các nạn nhân nhiễm chất độc da cam có được những ý thức rất tốt. Các cháu đến nhà cứu trợ được chữa trị miễn phí. “Ếch” là một trong những trường hợp tạm gọi là thành công, trở thành người có ích cho cộng đồng”.

 

Lúc chia tay, anh bắt tay ông giáo Thành và tôi rồi lại chỉ vào ngôi nhà và bà Tấn. Ông Thành cười hồn hậu: “Ếch bảo nhớ quay lại nhà anh chơi đấy”.

 

Nguyễn Thuỷ