1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chàng “lính mới” Trường Sa mổ thành công 4 ca ruột thừa

Một bác sĩ quân y vừa ra trường, được điều ra đảo đã mổ liền 4 ca ruột thừa khiến ngay cả những người trong ngành không khỏi kinh ngạc. Đó là trường hợp anh Nguyễn Quang Đạo, bác sĩ tại Đảo Phan Vinh, một đảo nổi trong Quần đảo Trường Sa.

Những ngày đầu tiên ra đảo (8/2005), Đạo đã gặp ngay ca khó - một ngư dân được người thân đưa vào đảo trong tình trạng đau bụng. Chàng bác sĩ trẻ phải xác định nhanh xem bệnh nhân bị gì, và trong thời gian rất ngắn anh khẳng định là viêm ruột thừa. Không còn cách nào khác, phải mổ ngay vì không kịp đưa vào đất liền hoặc qua Trường Sa lớn.

 

Với viêm ruột thừa thì bác sĩ chẩn đoán bao giờ cũng kèm theo giờ. Những trường hợp mới thì rất đơn giản nhưng những trường hợp đến muộn hoặc vỡ thì gây viêm toàn bộ ổ bụng xử trí khó khăn hơn rất nhiều. Có trường hợp ruột thừa ở trung ương hẳn hoi nhưng bác sĩ tìm mấy tiếng không ra.

 

Giữa mênh mông biển cả, việc mổ ca ruột thừa không hề đơn giản, một mình Đạo điều khiển người gây mê, người truyền dịch, rồi tự mổ trong điều kiện gây mê không được tốt. Ca mổ diễn ra mấy tiếng đồng hồ, trong sự hồi hộp của đồng đội.

 

Đạo mừng đến chảy nước mắt khi ca mổ đầu tiên thành công, anh nín thở chờ sự phục hồi của bệnh nhân. Ngày ngư dân được mổ có đủ sức khỏe quay lại làm việc trở thành ngày hội lớn của Đạo.

 

Cũng trong năm đó, Đạo gặp 3 ca ruột thừa nữa và anh đã có kinh nghiệm hơn nhiều. Tuy nhiên đến ca thứ ba thì gặp sự cố, bệnh nhân được đưa đến quá muộn và Đạo quyết định phải mổ càng nhanh càng tốt. Đạo nói: Ca này ở đất liền xác suất thành công đã không cao, tuy nhiên do thể lực của người đi biển quá tốt nên mới qua được.

 

Sau khi gặp Đạo, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Bình, Phó giám đốc Học viện Quân y, người trực tiếp kiểm tra y tế tại các đảo, bày tỏ sự trân trọng: “Tôi rất ấn tượng với Đạo vì làm trong ngành y nhiều năm, tôi biết rằng không phải bác sĩ nào mới ra trường cũng dám cầm dao rạch bụng bệnh nhân, thậm chí công tác 5-7 năm nhưng không say sưa tìm tòi thì chưa chắc đã làm nổi, ngay cả khi có các thầy đứng sau lưng.

 

Bác sĩ Đạo vừa ra trường được mấy tháng, trong điều kiện hiện nay - sinh viên nhận bằng bác sĩ khả năng còn yếu - đây là quyết tâm rất cao. Có thể có lý do khách quan, được tập huấn trước khi ra đảo nhưng cũng có thể là do không còn lựa chọn nào khác. Song, trong điều kiện như thế mà đồng chí ấy bình tĩnh cắt được ruột thừa, bệnh nhân trở lại làm việc bình thường thì quả thật là tôi cảm phục. Đây là lòng quả cảm, tự tin và bản lĩnh”.

 

Bác sĩ trẻ Nguyễn Quang Đạo tâm sự, nhận công tác tại đảo là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời anh. Vừa ra trường, tháng 10/2004, anh và người yêu quyết định cưới nhau để kịp trước khi anh ra đảo. Anh cho biết: “Hai vợ chồng cố kiếm một đứa con để vợ ở nhà khỏi buồn nhưng trời chưa cho”. Với anh, đó là nỗi canh cánh lớn nhất trong lòng khi công tác tại đảo, còn những chuyện gian khổ khác không thấm vào đâu.

 

Theo Phạm Tuấn

Vietnamnet