1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chân dung một “thánh nhân biết tuốt”

(Dân trí) - Những ngày gần đây, chúng tôi nhận được rất nhiều thông tin về một “thánh nhân” có khả năng biết “tuốt tuồn tuột”: đọc vanh vách tiền vận hậu vận, cúng sao “nâng đời”, mở rộng đường công danh, học vấn cho bất kỳ ai. “Tiếng lành” đồn xa, ngày nào cũng có hàng trăm người từ các nơi đổ về “cậy” thầy, gây nhốn nháo cả một vùng quê.

Thầy bói biết “tuốt tuồn tuột”

 

Những thông tin ban đầu chúng tôi có được về vị “thánh nhân” này là “thầy” lên Lương, nhà ở xóm 7, thôn Hạ, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ngôi nhà kiêm địa điểm coi bói của “thầy” khá sập sệ, tường bao bằng gạch thô lở lói, cánh cổng sắt khép hờ,… nhưng bên trong lại nhốn nháo hàng chục người ở mọi lứa tuổi. Hàng chục xe máy chủ yếu mang biển 29, 89, 99, 16 dựng ngay ngắn trong góc sân.

 

Trung tâm của đám đông đó là người đàn ông chừng hơn 30 tuổi, dáng ẻo lả, đi lại tất bật hết trong nhà đến ngoài sân. Đã thành “quy tắc”, mỗi khi “thầy” từ trong nhà bước ra ngoài sân là có người đứng lên bê đồ lễ hộ “thầy”. Một cô gái ngồi cạnh tôi rỉ tai: “Chắc anh mới đến đây lần đầu. “Thầy” khái tính lắm, khách đến mà không chào hỏi gì hay có điều gì đó khiến “thầy” phật lòng là thầy cho “lượn” ngay. Hôm rồi, bọn em đến đúng lúc “thầy” chuẩn bị đồ rằm, thấy tụi em ngồi ghế nói chuyện trong khi người nhà của “thầy” đi đi lại lại quét sân, dọn đồ cúng, “thầy” đuổi thẳng cánh”.

 

Đến chừng 11 giờ, đám đông nhốn nháo hẳn lên khi “thầy” vẫy tay chỉ vào nhà. Người ta chen lấn nhau để có một chỗ đứng trong căn phòng hơn 10 m2. Người xem trước chưa kịp đứng lên, người sau đã đẩy ra ngoài để lấy chỗ. Cứ thế, dòng người lũ lượt chờ đến lượt mình trong hơi nóng hầm hập, mồ hôi vã thành giọt.

 

Một điều lạ (mà không lạ) là cứ 10 người đến xem thì có đến 9 người được “thầy” phán: “Bệnh tật như thế là vì đau âm”. Rồi “thầy” bày cách cho để giải hạn, cắt nghiệp chướng bằng cách bốc bát nhang bản mệnh, lễ tạ các “bà cô-ông cậu” có căn… với giá “hữu nghị” từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.

 

Đến 14 giờ, thấy tôi có vẻ sốt ruột, đứng lên ngồi xuống không yên, “thầy” thương tình vẫy tay: “Thằng cò (là tôi - PV), vào đây tao ưu tiên”. Vừa nhìn thấy mặt tôi, “thầy” chỉ thẳng mặt nói: “Cái thằng này trông thế mà có số hầu đồng đấy”. Tôi ngơ ngác chưa hiểu gì thì đã nghe xung quanh xôn xao: “Trông thế cơ mà, số thằng này sướng thế”. Sau đó, “thầy” tiếp tục phán: “Nhà thằng cò có bà mất đột ngột phải không?”, “Dạ không”, “Mày không biết đấy thôi. Thế vừa rồi nhà vừa mất con DD màu đỏ hay con Dream?”, “Dạ không”, “Cái thằng này mày chả biết cái gì, về kiểm tra lại đi”...

 

Thật ra chẳng phải riêng tôi, khách nào “thầy” cũng phán kiểu à ơi nước đôi, hỏi vài câu thăm dò phản ứng. Nếu thấy khách “không” liên tục thì bảo “tại không biết” rồi lảng sang vấn đề khác.

 

“Thầy” liên tục bận rộn như vậy đến tận cuối buổi chiều.

 

Dịch vụ ăn theo

 

Để phục vụ khách thập phương đến nhà “thầy” coi bói, quanh nhà “thầy”, hàng quán ăn uống, giải khát, nghỉ ngơi mọc lên như nấm. Ngay phía đối diện nhà “thầy” là một cửa hàng “dịch vụ tổng hợp” bao gồm trông giữ xe, ăn uống, giải khát kiêm luôn địa chỉ ngả lưng cho khách thập phương. Bà chủ quán không ngớt lời ca ngợi “thầy”: “Thầy coi giỏi lắm, lắm người tưởng chết đi sống lại rồi thế mà không hiểu “thầy” làm cách gì, lập bát nhang bản mệnh thế nào mà qua hết”. Hỏi về quá khứ của “thầy”, bà chủ quán lắc đầu: “Chắc “thầy” có người âm phù trợ!”.

 

Lạ một điều nữa là tài năng của “thầy” chỉ “linh nghiệm” với khách phương xa, chứ dân địa phương sống gần đó lại rất ít người đến xem.

 

Chính quyền: Quá tam… sáu bận lập biên bản

 

Để tìm hiểu rõ hơn về vị “thánh nhân biết tuốt”, chúng tôi tìm đến UBND xã Đông Dư, huyện Gia Lâm. Một cán bộ công an xã cho biết: “Thầy Lương tên thật là Nguyễn Duy Lương, sinh năm 1971, nghề nghiệp là làm ruộng. Sau một thời gian tham gia thu mua rau mùi ở địa phương, chẳng biết ông ta học ở đâu cái nghề coi bài tây mà cách đây khoảng 10 năm đã hành nghề bói toán mê tín, thậm chí rủ rê một số bà con nhẹ dạ bỏ bê công việc, tham gia cúng bái”.

 

Ông Nguyễn Hữu Nhật - phó Chủ tịch UBND xã Đông Dư - khẳng định: “Ngay từ ngày đầu khi ông Nguyễn Duy Lương hoạt động bói toán, chính quyền địa phương đã rất kiên quyết, liên tục tổ chức phục bắt quả tang, lập biên bản, yêu cầu viết cam kết chấm dứt hoạt động mê tín dị đoan. Chỉ riêng từ đầu năm 2006 đến nay, chính quyền xã đã 6 lần lập biên bản vi phạm đối với trường hợp này. Do mọi việc vẫn chỉ dừng lại ở việc lập biên bản vi phạm mà chưa bị xử lý nghiêm khắc nên ông Lương vẫn tỏ ra coi thường và tiếp tục hoạt động, gây bức xúc trong dư luận”.

 

Trong lúc chính quyền chưa có biện pháp xử lý mạnh tay, “thầy” Lương vẫn tiếp tục gây nhốn nháo cả một vùng với “trung tâm bói toán” của mình, tuyên truyền mê tín dị đoan và gây mất an ninh trật tự.

 

Phúc Hưng - Thái Sơn