Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:
Chậm tiêm vắc xin phòng Covid-19 sẽ khiến Việt Nam "thất thế", giảm hấp dẫn
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị thẳng thắn nhìn nhận, triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 chậm phần nào khiến Việt Nam bị… thất thế, những tiềm năng có được lại rơi vào nước khác.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu vấn đề này tại phiên họp thứ 47 của UB Kinh tế của Quốc hội, diễn ra hôm nay, 24/6/2021. Phiên họp thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, để phục vụ cho kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa mới sắp diễn ra.
Cụ thể, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội đề cập, dịch bệnh Covid-19 lần bùng phát thứ 4 "có yếu tố phức tạp, nhạy cảm mới và đặt ra những tình huống mới".
Bộ trưởng nêu con số khái quát, từ quý I/202 đến nay đã có 9,1 triệu người Việt Nam bị tác động bởi dịch bệnh, trong đó 540.000 người đã rơi vào tình trạng mất việc và thiếu việc làm. 19,2% cơ sở sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp; 21% hợp tác xã, liên doanh bị ảnh hưởng.
Vấn đề cần quan tâm hơn, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là đợt dịch thứ 4 này bắt đầu chuyển hướng sang cộng đồng mạnh hơn, tác động trực tiếp đến các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Có 60.000 người lao động trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang, 40.000 lao động ở Bắc Ninh và 23.000 người lao động ở TPHCM, Bình Dương bị ảnh hưởng.
Có đến 5.840 công nhân đã trở thành F0, 37.496 công nhân là F1 và 5.900 doanh nghiệp đã phải rút khỏi thị trường.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH nhấn mạnh, ông báo cáo các con số này để các đại biểu Quốc hội thấy tác động của dịch bệnh trong lần bùng phát thứ 4 rất phức tạp.
Trước tình hình đó, vị tư lệnh ngành Lao động cho biết, ông thấy có 2 vấn đề nổi lên.
Thứ nhất là, trong khi các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc có phục hồi, nhất là sau khi tiêm vắc xin, thì nếu để chậm việc vắc xin, phần nào đó sẽ khiến cho những tiềm năng có được của Việt Nam bị… thất thế.
"Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận như vậy. Tiềm năng của Việt Nam thành ra lại rơi vào một số nước khác" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tâm tư.
Điều này phần nào được minh chứng ở báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của Chính phủ. Cụ thể, số dự án FDI cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần giảm trên 50%.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cảnh báo, điều đó cho thấy sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu suy giảm.
Ông Dung cũng nhận định, khu vực kinh tế bị ảnh hưởng "lớn nhất, sớm nhất, nặng nhất, phức tạp nhất" là dịch vụ, du lịch, thương mại và vận tải. "Lực lượng lao động của khu vực này hiện đang khó khăn nhất. Nếu không có giải pháp hỗ trợ, họ khó có thể trụ vững được, bởi nguồn tiết kiệm của họ đến giờ không còn nữa. Tôi xin nói thẳng như vậy", ông Dung thông tin.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, phòng dịch là cơ bản, nhưng giải pháp căn cơ, bền vững nhất vẫn phải là vắc xin.
"Khi nào dân số cơ bản được tiêm vắc xin thì mới có miễn dịch cộng đồng, mới chung sống với dịch được. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UB Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến, Chính phủ đang tập trung cao độ để vận động các nguồn lực cho việc tiêm vắc xin. Khả năng đến cuối năm nay tỷ lệ tiêm chủng Việt Nam đạt được cũng cơ bản" - Bộ trưởng LĐ-TB&XH nói.
Ông Dung cũng chia sẻ, "khó khăn nhất, lo lắng nhất" của ông hiện nay là dịch đi vào khu công nghiệp. Vừa qua, Bắc Ninh, Bắc Giang bùng dịch, cả nước phải dồn toàn lực chi viện, giờ tới TPHCM và Bình Dương.
Trước tình thế ngặt nghèo này, Chính phủ đã chính thức giao Bộ KH-ĐT tổng kết toàn bộ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người dân, người lao động trong phòng chống dịch và đề ra chính sách toàn diện hơn. Trong trước mắt, Chính phủ yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu đề xuất một số chính sách cấp bách trước mắt để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động và người sử dụng lao động, tập trung vào 3 nhóm chính.
Nhóm thứ nhất là các chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội.
Nhóm thứ hai là hỗ trợ trực tiếp nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sâu bởi dịch bệnh, không có khả năng lao động và không có khả năng phục hồi, đặc biệt là những người phải nghỉ việc, ngừng việc, giãn việc do yêu cầu của cấp thẩm quyền.
Nhóm thứ ba là chính sách hỗ trợ tín dụng để doanh nghiệp trả lương, phục hồi sản xuất để đón đơn hàng khi quay trở lại.
"Cụ thể đó là những chính sách gì, hỗ trợ, triển khai theo nguyên tắc gì thì ngày mai chúng tôi báo cáo cấp có thẩm quyền, sau đó báo cáo Thường vụ Quốc hội cho ý kiến rồi Chính phủ sẽ quyết định chính thức" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày.