1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thanh Hóa:

Cha của liệt sĩ Trường Sa khóc thương con đến mù mắt

(Dân trí) - Nhắc về người con trai đã hy sinh ở Trường Sa hơn 10 năm trước, người cha ấy nấc lên nghẹn ngào. Suốt buổi trò chuyện, ông không ngừng lau nước mắt. Ông cũng cho biết có lẽ khóc quá nhiều nên sau ngày con mất không lâu, một bên mắt ông đã bị mù.

Chúng tôi về thăm gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Thi (SN 1975, xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vào một ngày giữa tháng 7. Những ngày này, ông Nguyễn Văn Thọ, bà Nguyễn Thị Mỵ (bố mẹ liệt sĩ Thi) lại đau đáu nỗi nhớ con. Lúc nhớ con, ông Thọ lại ôm chiếc đài cát - xét nghe rồi trầm tư - đó là kỷ vật cuối cùng của con trai ông để lại.

Mở đầu cho câu chuyện về người con trai đã hy sinh ở Trường Sa của mình, ông Thọ cho biết con trai vừa kết nạp Đảng được 10 ngày thì hy sinh. Đó là vào ngày 14/4/2001, trong lúc cùng đồng đội đi làm nhiệm vụ thì chiếc ca nô bị lật, 2 đồng đội của anh thoát chết còn anh đã không qua khỏi.

Di ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Thi
Di ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Thi

“Tôi và bà nhà năm nay cũng gần 50 năm tuổi Đảng rồi. Việc cống hiến sức mình cho Tổ quốc tôi luôn ủng hộ con, vì thế khi con quyết định đi nhập ngũ tôi cũng đã động viên con cố gắng học tập, rèn luyện để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tôi luôn tin tưởng vào con trai mình. Vậy mà thương nó quá, mới vào Đảng được 10 ngày thì đã ra đi rồi” – ông Thọ nghẹn ngào.

Tấm bằng Tổ Quốc ghi công được treo trân trọng trong nhà
Tấm bằng Tổ Quốc ghi công được treo trân trọng trong nhà

Liệt sĩ Thi là con trai thứ 3 trong gia đình. Năm 1994, sau khi tốt nghiệp cấp III rồi thi Đại học không đậu, anh Thi quyết định nhập ngũ và được phiên chế vào Hải Quân. Trước đó, anh từng ở đảo Đá Tây, rồi đảo Phan Vinh và cuối cùng anh được lệnh về đảo Trường Sa đông. Nhiệm vụ của anh là làm công tác báo vụ.

Nước mắt người cha và hàng chục đêm không ngủ

Hơn 10 năm qua, dường như nỗi đau vẫn chưa thể nguôi ngoai trong trái tim người cha. Trong suốt cuộc trò chuyện, ông Thọ không ngừng đưa tay lau nước mắt, có lúc ông lại nấc lên nghẹn ngào làm đứt đoạn câu chuyện. Ông bảo cái giây phút chính thức nghe tin con hy sinh cho đến giờ vẫn ám ảnh ông. Ông đã ngất lịm đi khi biết đó là sự thật.

“Tin con trai hy sinh mãi đến gần 3 tháng sau khi làm thủ tục liệt sĩ cho con xong gia đình mới được báo. Thế nhưng, trước đó 2 tháng thì gia đình đã nghe người dân phong thanh bàn tán việc ở xã có 1 người hy sinh ở Trường Sa. Tôi giật mình, hoang mang vô cùng. Ngày đó ở xã có 4 người làm nhiệm vụ tại Trường Sa thì có 2 người đã trở về, chỉ còn con trai tôi và một người nữa. Tôi đã chạy đi khắp làng trên xóm dưới, nơi có nguồn tin để hỏi nhưng cũng không ai cho một thông tin chính xác. 

Gần 2 tháng trời vợ chồng tôi không ăn, không ngủ được chỉ mong có tin tức từ con nhưng vẫn bặt vô âm tín. Chúng tôi gắng gượng bước qua từng ngày với niềm tin bấu víu rằng chỉ là tin đồn. Nhưng cái niềm tin ấy đã không còn khi tôi tìm đến một người bạn của con ở xã bên có anh trai làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Họ gọi điện để hỏi thăm về con trai tôi thì mới hay con tôi đã hy sinh thật rồi. Nghe xong tôi đã ngất lịm. Khoảng 1 tháng sau đó thì chính thức có giấy báo tử của đơn vị nơi con trai tôi công tác” – ông Thọ nghẹn ngào.

Câu chuyện về con trai hy sinh trở nên đứt đoạn bởi tiếng nấc nghẹn ngào của người cha
Câu chuyện về con trai hy sinh trở nên đứt đoạn bởi tiếng nấc nghẹn ngào của người cha

Nhớ về con trai, ông kể: “Nó là đứa hiền lành, ngoan và cũng là đứa sống tình cảm nhất nhà. Dù ở xa và việc thư từ cũng như điện thoại ngày đó vô cùng khó khăn thế nhưng cứ vài ba tháng nó lại gửi thư về”.

7 năm nhập ngũ, hàng chục bức thư được anh Thi viết gửi cho ông bà. Ông bảo đã giữ lại hết mãi cho đến khi nhận hài cốt của anh, ông mới quyết định đốt đi. “Nếu cứ để lại thì đau lắm, lưu luyến lắm nên ảnh hay thư từ đều phải bỏ đi… Chỉ duy có cái đài cát- xét là tôi giữ lại. Lúc nhớ con tôi lại mang ra nghe” – người cha ấy thổn thức.

Cũng sau ngày con trai hy sinh, nỗi nhớ thương con khiến hàng chục đêm ông Thọ không ngủ, cứ nhớ đến con là nước mắt ông lại trào ra nghẹn ngào. Ông buồn rầu khi chia sẻ rằng có lẽ vì khóc quá nhiều nên một bên mắt phải của ông giờ đây đã không còn nhìn thấy gì nữa.

Hơn 10 năm trôi qua ông Thọ gìn giữ chiếc đài cát xét- kỷ vật của con trai như một báu vật
Hơn 10 năm trôi qua ông Thọ gìn giữ chiếc đài cát xét- kỷ vật của con trai như một báu vật

Cuộc điện thoại cuối cùng nó hứa sẽ trở về khi được nghỉ phép thế mà nó đi mãi không về… Nói đến đó, người cha ấy đưa khăn lên lau nước mắt rồi bảo “thôi thì con vì nhiệm vụ của Tổ quốc mà ra đi nên đau thì đau nhưng cũng rất tự hào”.

Đúng 10 năm sau ngày con trai hy sinh, ông mới được ra Trường Sa để được tận tay sờ lên nấm mộ của con rồi cùng đồng đội của con đưa con về quê. Ông bảo đó là tâm nguyện của vợ chồng ông, phải đưa bằng được con trở về với tổ tiên, với quê hương chứ để con nằm lại ngoài biển khơi như thế thì cô đơn lắm. Bởi thế mà bây giờ ông cũng thanh thản phần nào…

Nguyễn Thùy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm