1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phú Yên:

Cày xới, lật tung đất rừng khai thác diatomite trái phép

(Dân trí) - Mỗi ngày có hàng chục người dân ở xã An Xuân, huyện Tuy An (Phú Yên) bỏ hết công việc đồng áng, rủ nhau đi đào diatomite bán. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, gây thất thoát tài nguyên và mất đất sản xuất.

Sau một thời gian tạm lắng, nạn khai thác, vận chuyển diatomite trái phép trên địa bàn xã An Xuân lại bùng phát. Mặc dù chính quyền địa phương đã nỗ lực ngăn chặn nhưng hiện tình trạng này vẫn chưa chấm dứt, thậm chí có nguy cơ bùng phát khai thác tự do trên diện rộng.

Nhức nhối nạn khai thác diatomite

Theo tìm hiểu, bình quân mỗi ngày một người đi đào diatomite bán được trên 200.000 đồng, thu nhập cao hơn so với ở nhà làm ruộng. Chính vì vậy, mỗi ngày có cả vài chục đến hàng trăm người dân ở các thôn Xuân Lộc, Xuân Bình, xã An Xuân đổ xô đi đào diatomite để bán.

Người dân đổ xô đi đào diatomite bán ảnh hưởng đến môi trường, mất đất sản xuất, đất rừng...
Người dân đổ xô đi đào diatomite bán ảnh hưởng đến môi trường, mất đất sản xuất, đất rừng...

Có mặt trên khu đất thuộc cánh rừng trồng đã được người dân khai thác thuộc địa bàn thôn Xuân Lộc, trên con đường dài hơn 5 km, đất diatomite rơi vãi trắng mặt đường. Dọc hai bên đường, hàng chục ha đất sản xuất bị cày xới, lật tung, tạo ra những hầm hố, ao tù loang lổ. Tại hiện trường, có hơn 10 người dân đang hì hục cuốc đất, khai thác diatomite. Khi phát hiện phóng viên chụp hình, họ lặng lẽ rút vào rừng keo. Hàng nghìn bao tải loại 20kg đựng diatomite xếp thành từng dãy cao hơn 1,5 m, những đống diatomite mới được đào vun cao ngất ngưởng. Toàn cảnh khu đất rộng khoảng 4ha bị băm nát, ngổn ngang như bãi chiến trường.

Qua tìm hiểu, chỉ riêng địa bàn thôn Xuân Lộc, xã An Xuân đã có ít nhất 4 điểm khai thác diatomite tự phát. Mỗi điểm có hàng chục người dân ngang nhiên đào bới đất rừng, băm nhỏ diatomite bỏ vào bao tải, chỉ chờ xe tải đến chở đi tiêu thụ. Thậm chí họ còn sử dụng máy múc công suất lớn, ngang nhiên múc đất, tạo ra nhiều hố sâu hàng chục mét, cày xới tan hoang cả một góc rừng trồng.

Dựng chòi giữa rừng ngày đêm khai thác diatomite trái phép
Dựng chòi giữa rừng ngày đêm khai thác diatomite trái phép

Diatomite là loại đá trầm tích với thành phần chủ yếu là silic oxyt. Nó còn có tên là kizengua hay đất tảo silic.

 

Được dùng làm chất lọc, tẩy rửa trong công nghệ sản xuất bia, rượu, nước giải khát, dầu,... Dùng trong nuôi trồng thuỷ sản;  Làm chất phụ gia thuỷ lực cho xi măng hoặc làm nguyên liệu cho sản xuất vật liệu cách nhiệt,...
 
Mỏ quặng diatomite tại huyện Tuy An, Phú Yên có trữ lượng dự báo hơn 60 triệu tấn.
Bà Trang, trú ở thôn Xuân lộc, xã An Xuân đang loay hoay băm, bốc diatomite vào bao tải, e dè nói: “Mấy năm trở lại đây, người dân đổ xô nhau đi đào ruộng đào rẫy, lấy đất diatomite bán kiếm tiền, vì có lợi hơn nhiều so với làm ruộng. Bình quân mỗi ngày tôi đào được hơn 50 bao loại 20kg, bán tại chỗ với giá 4.000 đồng/bao cũng kiếm được khoảng 200.000 đồng. Toàn bộ khu vực này được nhiều người dân thuê lại của một chủ đất ở cùng thôn từ hơn một tháng nay. Sản phẩm khai thác, chúng tôi phải chia cho chủ đất một nửa”.

Cách khu vực bà Trang đang khai thác khoảng 100m có hai bãi khai thác diatomite khác rộng khoảng 3ha. Ông Nguyễn Văn Phân, một người làm thuê ở bãi khai thác cho hay: “Chủ đất thuê tôi với giá 2.500 đồng/bao, mỗi ngày đào được từ 70-90 bao. Diatomite có 3 loại (trắng, đen và đỏ). Loại đỏ có giá 8.000/bao, hai loại còn lại giá từ 4.000-6.000 đồng/bao loại 20kg. Mỗi ngày có từ 2-3 xe tải đến đây bốc hàng chở về thị trấn Chí Thạnh (Tuy An) và TP Tuy Hòa tiêu thụ”.
Theo ông Phân, trước đây khu vực này được người dân trồng mía nhưng sau đó phá bỏ để khai thác diatomite.

Chính quyền “bó tay”

Theo UBND xã An Xuân, tình trạng khai thác diatomite tự phát trái phép diễn ra từ năm 2006. Mặc dù chính quyền địa phương đã phối hợp với các ngành chức năng liên quan kiểm tra, vận động người dân cam kết không tham gia khai thác diatomite gây ảnh hưởng đến đất sản xuất, hủy hoại môi trường và thất thoát tài nguyên; đồng thời đề nghị các ngành chức năng có hướng xử lý hiệu quả, nhưng đến nay tình trạng này vẫn còn tiếp diễn.

Hiện trên địa bàn các thôn Xuân Lộc và Xuân Bình còn tồn tại 6 điểm khai thác diatomite với 27 hộ dân thường xuyên tham gia đào bới đất có độ sâu từ 2-4m. Trong đợt kiểm tra mới đây, các ngành chức năng phát hiện gần 850m3 diatomite dạng thô được chất thành đống chưa kịp đưa đi tiêu thụ.

Hàng tấn Diatomite được đóng vào bao tải chờ chuyển đi tiêu thụ
Hàng tấn Diatomite được đóng vào bao tải chờ chuyển đi tiêu thụ

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Văn Nhơn, Phó Chủ tịch UBND xã An Xuân cho biết, do diatomite nằm rải rác ở các thôn Xuân Hòa, Xuân Lộc và Xuân Bình. Các đối tượng này thường vân chuyển vào ban đêm nên lượng diatomite khai thác trái phép tuồn ra khỏi địa bàn, địa phương rất khó kiểm soát. Người dân chỉ khai thác nhỏ lẻ, tuy nhiên lúc cao điểm, có ngày diatomite tuồn ra khỏi địa bàn trái phép lên đến khoảng 10 tấn.

Theo ông Nguyễn Xuân Khiêm, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuy An (Phú Yên), cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, phòng đã nhiều lần phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền địa phương ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển diatomite trên địa bàn xã An Xuân, nhưng không mấy hiệu quả.

Ông Khiêm cho rằng, để ngăn chặn triệt để, các ngành chức năng của tỉnh Phú Yên cần phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, truy quét; đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất có sử dụng nguyên liệu đầu vào là diatomite không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đầu tháng 4 vừa qua, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Tuy An đã tiến hành kiểm tra tình hình khai thác, chế biến khoáng sản diatomite của Công ty cổ phần Khoáng sản Phú Yên (đơn vị được cấp phép khai thác tại xã An Xuân). Qua kiểm tra cho thấy, thời gian gần đây, Công ty cổ phần Khoáng sản Phú Yên không khai thác khoáng sản trong phạm vi đã được cấp phép, mà tự ý thỏa thuận thuê hơn 2.000 m2 đất của 2 hộ dân có đất liền kề để khai thác và đã khai thác được 3.000 m3 diatomite. Trong khi đó, quỹ đất đã được cấp để công ty quản lý, khai thác thì để cho người dân vào khai thác.

N. Sơn - D. Công