1. Dòng sự kiện:
  2. Người hùng cứu tài xế gặp nạn ở cầu Phú Mỹ
  3. Hóa đơn nước hơn 57 triệu đồng/tháng

Cây dừa giúp Bến Tre thu về 500 triệu USD mỗi năm

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Theo chuyên gia, khả năng lưu giữ CO2 rất lớn của cây dừa Bến Tre có thể trở thành một loại hàng hóa để bán trên thị trường tín chỉ carbon quốc tế, tiềm năng mang về giá trị không nhỏ.

Ngày 16/8, UBND tỉnh Bến Tre, Bộ Khoa học và Công nghệ và Đại học Cần Thơ đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học ngành dừa với chủ đề "Bến Tre phát triển xanh và bền vững hướng tới net zero".

Tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, tỉnh hiện có khoảng 79.000ha vườn dừa. Người dân và doanh nghiệp của Bến Tre đang sản xuất trên 200 sản phẩm từ dừa, đem lại giá trị hàng hóa gần 500 triệu USD mỗi năm. Sản phẩm từ dừa của Bến Tre đang được bán rộng rãi khắp cả nước và xuất khẩu ra 90 quốc gia, với thị trường ngày càng mở rộng.

Cây dừa giúp Bến Tre thu về 500 triệu USD mỗi năm - 1

Ký kết hợp tác về đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2024-2025 giữa UBND tỉnh Bến Tre với Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Cần Thơ, Đại học Quốc gia TPHCM (Ảnh: CTV).

Ông Tam bày tỏ mong muốn thông qua hội thảo, các bộ ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các địa phương phát triển bền vững cây dừa, trong đó có tiềm năng tham gia thị trường tín chỉ carbon.

Trao đổi tại hội thảo, PGS.TS. Trần Trung Tính - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, cây dừa có sức sống tốt, chịu hạn mặn. Vì là cây lâu năm, sinh khối lớn nên dừa cũng có khả năng lưu giữ carbon rất lớn, đóng góp vào mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Các đồ vật làm từ dừa mang tính hữu cơ cũng có thể thay thế đồ nhựa, giảm ô nhiễm môi trường.

Các chuyên gia của Trường Đại học Cần Thơ cho biết, qua nghiên cứu ước tính mỗi hecta vườn dừa ở Bến Tre có thể lưu giữ 25-75 tấn CO2. Với diện tích khoảng 79.000ha, vườn dừa Bến Tre đang lưu giữ 1,9-5,8 triệu tấn CO2.

Cây dừa giúp Bến Tre thu về 500 triệu USD mỗi năm - 2

Hiện thu nhập chính của người trồng dừa vẫn đến từ bán trái (Ảnh: Nguyễn Cường).

Nhóm chuyên gia cũng cho biết, Việt Nam đã có một dự án giao dịch tín chỉ carbon thành công với giá 5 USD/tín chỉ. Dự án này đã bán hơn 10 triệu tín chỉ carbon từ khả năng lưu giữ CO2 của vùng rừng Bắc Trung Bộ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đàm phán một dự án bán tín chỉ carbon khác với giá tối thiểu 10 USD/tín chỉ. Dự kiến sau khi thỏa thuận thành công, khoảng 5,15 triệu tín chỉ carbon từ khả năng lưu trữ CO2 của vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ sẽ mang về ít nhất 51,5 triệu USD.

Ông Trần Trung Tính nhận định, nếu khả năng lưu giữ carbon của vườn dừa Bến Tre có thể mang bán sẽ đưa về lợi ích rất lớn cho nông dân.

Đến năm 2023, diện tích dừa cả nước đạt khoảng 196.800ha, tập trung tại các tỉnh duyên hải miền Trung và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Các tỉnh có diện tích trồng dừa lớn gồm: Bến Tre 79.120ha, Trà Vinh gần 27.400ha, Tiền Giang gần 22.500ha, Vĩnh Long gần 10.800ha, Bình Định hơn 9.000ha…