1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cây di sản ở đền Voi Phục: Sau vinh danh từ 9 chỉ còn 4

9 cây muỗm cổ đền Voi Phục có tuổi thọ hơn 700 năm được gắn biển cây di sản vào dịp 1000 năm Thăng Long hiện đang chết dần chết mòn.

Đền Voi Phục (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) được biết đến là một trong Tứ trấn Thăng Long, trấn giữ phía Tây thành. Trong đền có 9 cây muỗm đại cổ thụ hơn 700 năm tuổi, gắn liền với việc xây dựng ngôi đền Voi Phục từ thời nhà Lý. Năm 2010, đúng vào dịp Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, thành phố Hà Nội đã chính thức gắn biển, đưa 9 cây muỗm tại đền vào danh sách Cây di sản Việt Nam.

 

Cây di sản ở đền Voi Phục: Sau vinh danh từ 9 chỉ còn 4

Đền Voi Phục (Thụy Khuê, Hà Nội) - nơi có 9 cây muỗm cổ hơn 700 năm tuổi. Nhìn từ bên ngoài, bóng cây xanh thưa thớt, trơ trọi ra 3 thân cây chết khô

 

Được công nhận là cây di sản có nghĩa là cây sẽ được bảo vệ, chăm sóc, không bị chặt hạ hay đem bán. Tuy vậy, chỉ chưa đầy 4 năm sau khi được gắn biển, 9 cây muỗm cổ đền Voi Phục hiện chỉ có 4 cây còn sống.

 

Nếu như trước đây, đền Voi Phục rợp bóng xanh của 9 cây muỗm cổ thì bây giờ, ngoài 2 cây muỗm chết từ tháng 8/2012 vì bị sâu ăn rỗng ruột đã được cưa đi, đền hiện chỉ còn 4 cây xanh lá. 3 cây muỗm đã chết cách đây vài tháng vì căn bệnh tương tự, do chưa được hạ bỏ nên cả 3 thân cây khô vẫn đứng sừng sững ở 3 góc của sân đền.

 

Cây muỗm đại thụ chỉ còn thân khô trơ trụi
Cây muỗm đại thụ chỉ còn thân khô trơ trụi

 

Trên thân của 3 cây đã chết chi chít những lỗ tròn to bằng đầu ngón tay là vết sâu đục khoét. Những mảng vỏ khô mục nát chực rời khỏi thân cây. Cành cây trơ trụi, khẳng khiu trơ trọi trong gió đông. Điều đáng buồn là ở những cây muỗm vẫn còn đang xanh lá cũng bắt đầu có dấu hiệu sâu đục khoét khi xuất hiện một vài lỗ tròn giống như những cây đã chết.

 

Cây muỗm đại thụ chỉ còn thân khô trơ trụi
Những lỗ tròn bằng đầu ngón tay do sâu đục khoét chi chít trên thân cây. Vỏ cây khô mục chỉ chực bong khỏi thân

 

Cụ Nguyễn Văn Tùng (81 tuổi), đã có 27 năm làm Trưởng ban quản lý di tích này cho biết: “9 cây muỗm cổ thụ ở đây đã có gần 1000 năm tuổi. Những cây còn xanh lá đang ngày một ít dần. Sau khi hạ bỏ 2 cây chết hồi cuối năm 2012, một năm sau đó, tháng 8/2013, chúng tôi lại mất đi thêm 3 cây nữa vì không chống chọi được lại với thời gian và sâu bệnh. Cây cứ rụng lá, chết khô dần. Tổng cộng 5 cây muỗm cổ đã không còn”.

 

Hình ảnh đáng buồn là trước một cây muỗm đã chết là tấm biển công nhận Cây di sản Việt Nam
Hình ảnh đáng buồn là trước một cây muỗm đã chết là tấm biển công nhận Cây di sản Việt Nam

 

Cụ Tùng cho biết thêm, ngay sau khi phát hiện những cây muỗm cổ bị nhiễm bệnh, lãnh đạo Viện Lâm nghiệp cùng các chuyên gia nước ngoài đến xem xét cụ thể để tìm phương án cứu cây. Nỗ lực “chữa bệnh”, bơm thuốc cho cây xem ra không hiệu quả vì những cây muỗm cổ cứ đang chết dần chết mòn.

 

Di tích lịch sử đã xếp hạng với 2 thân cây muỗm khô
Di tích lịch sử đã xếp hạng với 2 thân cây muỗm khô

 

Là người gắn bó với đền Voi Phục và những cây muỗm cổ đã gần 30 năm, cụ Tùng buồn rầu khi trong tháng tới đây sẽ phải cưa bỏ 3 cây muỗm đã chết khô trong sân đền. Cụ Tùng chỉ hy vọng Nhà nước có cơ chế để bảo vệ những cây muỗm cổ còn lại ở đền Voi Phục này, tránh tình trạng sâu bệnh tàn phá cây và nhất là tình trạng vinh danh xong rồi để đó.

 

Theo Hà Phương
VOV online