1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cầu xây mãi không xong

Ở TPHCM có cây cầu bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài hơn 100 m, thi công tám năm vẫn chưa xong. Lại có nơi làm mố cầu rồi bỏ từ năm này qua năm khác…

Đi đường vòng

 

Cầu Rạch Sông Sáng thuộc P.3, P.4 (Q.8) chỉ mới xây hai trụ cầu. Người dân ở đây nói hai bờ rạch chỉ cách nhau vài trăm mét mà muốn qua bờ bên kia phải đi đường vòng gần 3 km.

 

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Q.8 - chủ đầu tư dự án - cây cầu này nằm trong dự án đầu tư xây dựng đường nối Chánh Hưng - rạch Sông Sáng. Dự án nâng cấp, mở rộng hơn 1.600 m đường Tạ Quang Bửu và xây cầu mới qua rạch Sông Sáng với kinh phí gần 20 tỉ đồng; khởi công từ tháng 11/2001 và theo kế hoạch hoàn thành đầu năm 2003.

 

Tuy nhiên, đến nay phần đường còn vướng giải tỏa nên mới hoàn thành hơn 1 km. Trong khi đó theo thiết kế, cầu Rạch Sông Sáng dài 120 m mới làm xong hai trụ và một mố cầu phía P.4 cũng phải ngưng từ năm 2004 đến nay vì thay đổi phương pháp kỹ thuật.

 

Tương tự, dự án xây cầu Hoàng Hoa Thám (Q.Phú Nhuận - Q.1) dài 103,5 m, rộng 14 m bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã khởi công cách đây tám năm, đến nay chỉ mới xong... ba trụ cầu. Cách chiếc cầu dang dở này khoảng 150 m, người dân phải chen chúc qua cầu Trần Khánh Dư dài 53 m, rộng 4 m, cấm xe ba bánh lưu thông.

 

Nhiều người dân bức xúc: “Phải chi không có tiền xây cầu, còn xây cái trụ cầu xong để đó chơi, chịu sao nổi”. Theo kế hoạch, cầu Hoàng Hoa Thám lẽ ra đã hoàn thành vào thế kỷ trước.

 

Theo một cán bộ Sở GTCC TP, hiện nay đường Phan Xích Long đã được mở rộng nhưng quá ít xe lưu thông rất lãng phí vì cầu Hoàng Hoa Thám xây dở dang.

  

Từ 19 tỉ lên 119 tỉ đồng

 

Ở cầu Rạch Sông Sáng người ta bỏ phế các hạng mục đã thi công như để sắt thép ở mố cầu bị gỉ sét, bề mặt trụ cầu đóng rêu. Còn ở công trình cầu Hoàng Hoa Thám, các dầm cầu được đúc tại chỗ phơi mưa nắng tám năm qua. Theo cán bộ Sở GTCC TP, không bảo quản tốt các hạng mục thi công dở dang sẽ dẫn đến chất lượng công trình sụt giảm.

Ông Trần Phát Tấn - cán bộ kỹ thuật Ban quản lý dự án Q.8 - cho biết: “Việc xây cầu Rạch Sông Sáng gián đoạn hơn hai năm qua do phải đợi điều chỉnh thiết kế của toàn dự án. Dự kiến cầu sẽ khởi công lại trong ba tháng tới và hoàn thành sau tám tháng. Kinh phí sẽ tăng thêm 1,2 tỉ đồng”.

 

Còn ở cầu Hoàng Hoa Thám do nhiều đơn vị thi công trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đùn đẩy trách nhiệm bàn giao 400 m từ hai bên tim cầu cho chủ đầu tư dự án là Công ty Đầu tư phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) đến năm 2002 mới xong.

 

Tiếp đó, Sở GTCC kiến nghị UBND TPHCM điều chỉnh lộ giới để bảo đảm hành lang bảo vệ công trình giao thông đường bộ khiến vốn tăng lên vượt quá tổng mức đầu tư của dự án. Tháng 8/2006, Sở GTCC lại kiến nghị UBND cho nâng cao cầu để bảo đảm tĩnh không đường chui ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, bổ sung sàn giảm tải đường dẫn vào cầu, vì vậy việc khởi công lại công trình cũng chậm trễ.

 

Thế nhưng, vấn đề chính là chủ đầu tư dự án đã thiếu trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu. Một cán bộ Khu Quản lý giao thông đô thị (KQLGTĐT) số 1 TPHCM cho biết, chủ đầu tư đã không phối hợp chặt chẽ với UBND Q.1 để làm nhanh công tác đền bù giải tỏa cho 132 hộ dân nên công trình đình trệ.

 

Sau tám năm thi công tổng mức đầu tư dự án từ 19 tỉ đồng tăng lên 119 tỉ đồng. Sai lầm nhất là việc giao dự án cho một đơn vị xây dựng nhà ở không biết gì về công trình cầu đường.

 

Không xử lý được ai!

 

Ông Nguyễn Xuân Bảng - giám đốc KQLGTĐT số 1- nói cấp thẩm quyền đã có yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm nhưng sẽ không xử lý được ai, vì dự án cầu Hoàng Hoa Thám xây dựng kéo dài tám năm, từ lãnh đạo đến các cán bộ của chủ đầu tư dự án - Công ty đầu tư phát triển đô thị nay là Công ty cổ phần phát triển đô thị Bình Minh (Bộ Xây dựng) - đã thay đổi.

 

Tháng 6/2006, UBND TPHCM đã chấp thuận chuyển chủ đầu tư dự án từ Công ty cổ phần phát triển đô thị Bình Minh về KQLGTĐT số 1 và chuyển nguồn vốn đầu tư dự án từ công ty trên thành nguồn vốn ngân sách. Thế nhưng đến nay việc bàn giao dự án vẫn chưa hoàn thành vì KQLGTĐT số 1 cho biết còn phải chờ kết quả kiểm toán công trình. Do đó, sớm nhất đến quí 1/2007, cầu Hoàng Hoa Thám mới tái khởi công.

 

Theo Phương Thanh - Ngọc Ẩn

Tuổi Trẻ