1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Cấu trúc đô thị “méo mó” là đồng minh của xe gắn máy

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, cấu trúc đô thị TPHCM “méo mó” do lịch sử để lại, quy hoạch thiếu tầm nhìn, thực hiện quy hoạch không đồng bộ, đã không phù hợp với việc phát triển giao thông công cộng. Cùng với đó, phát triển đô thị quá nóng vội, mang tính tự phát đã khiến kẹt xe tại TPHCM ngày càng nghiêm trọng.

Cấu trúc đô thị “méo mó” do lịch sử để lại

TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM - cho rằng bài toán giao thông không phải là bài toán riêng lẻ mà là bài toán chung về đô thị, phải “bắt đúng bệnh” của nó mới chữa được.


TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM

TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM

Với góc độ quy hoạch, ông Cương chia sẻ: “Căn bệnh lớn nhất của TPHCM là kiến trúc đô thị không phù hợp với xe ô tô, giao thông công cộng. Bởi vì phần lớn diện tích của TPHCM là phát triển tự phát từ thời chiến tranh, không theo quy hoạch. Phần lớn là cấu trúc đường hẻm, chỉ có một số khu vực trung tâm thành phố có cấu trúc bàn cờ, có đường ô tô. Những cấu trúc như thế không phù hợp cho giao thông công cộng mà trở thành đồng minh của xe gắn máy”.

Theo TS Cương, trước đây khu vực trung tâm gồm quận 1, 3 và cả khu Chợ Lớn được người Pháp quy hoạch cho khoảng hơn 1 triệu người, khá hoàn chỉnh.

“Tuy nhiên, khi chiến tranh xảy ra, người dân di tản về Sài Gòn làm đô thị phình to 1 cách tự phát. Giai đoạn này có quy hoạch nhưng do chiến tranh cũng không thực hiện được nhiều. Sau chiến tranh thì cũng không để ý nhiều đến quy hoạch nên tạo thành 1 cấu trúc đô thị méo mó như hiện nay”, ông Cương nói.

TS Cương phân tích, một trong những nguyên nhân gây kẹt xe của thành phố là do xây dựng theo quy hoạch tương lai – tức là chưa làm hạ tầng giao thông mà đã cho phép xây dựng các công trình cao tầng, khu chung cư, đó là sai lầm. “Người ta tới ở mà đường chưa có dẫn đến kẹt xe triệt để chứ không phải ùn tắc. Trong quản lý đô thị cần có sự cân đối giữa xây dựng công trình với phát triển giao thông”, ông Cương nói.

Đồng quan điểm, PGS – TSKH Nguyễn Trọng Hòa – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM - cho rằng có một nghịch lý đang xảy ra trong xây dựng, phát triển đô thị. Hiện giao thông phát triển không kịp với tốc độ phát triển đô thị.

PGS – TSKH Nguyễn Trọng Hòa – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM
PGS – TSKH Nguyễn Trọng Hòa – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM

“Phát triển trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở… phần lớn là vốn tư nhân đầu tư. Quy hoạch xong thì đầu tư còn giao thông thì vốn Nhà nước. Vốn hạn hẹp nên giao thông phát triển không kịp với đô thị. Đây là thực tế phải chấp nhận nhưng nó thể hiện sự quản lý yếu kém”, ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, đáng lẽ ra phát triển giao thông đến đâu thì cho phát triển đô thị đến đấy. Khu vực nào có khả năng làm hạ tầng tốt thì hãy phát triển mạnh đô thị. “Còn chúng ta thì quá nóng vội, cho quá nhiều dự án xây dựng phát triển trong lúc giao thông chưa hoàn thành. Giao thông chưa thay đổi bao nhiêu mà dự án mọc rất nhiều, dự án bất chấp mọc lên”, ông Hòa phân tích.

Quy hoạch “nửa vời”

Ông Hòa cho rằng những bất cập về mặt đô thị thể hiện sự yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành. Tầm nhìn quy hoạch thì có vấn đề. Giải tỏa đền bù làm đường không hợp lý. Khi quy hoạch xong rồi thì chỉ đạo điều hành thiếu kế hoạch dẫn đến quy hoạch “nửa vời”, không đồng bộ.

“Chẳng hạn vị trí quy hoạch được xây nhà 20 tầng thì cho xây chứ không biết là cho xây ở thời tương lai, khi giao thông công cộng có rồi, đường mở rộng. Quản lý là nhìn vấn đề tương lai và giải quyết vấn đề hiện tại chứ không phải làm như chúng ta hiện nay, phát triển như tự phát”, ông Hòa chia sẻ.

Hàng nghìn phương tiện chen chúc, phóng lên vỉa hè, di chuyển từng chút một trước khu vực bến xe miền Đông
Hàng nghìn phương tiện chen chúc, phóng lên vỉa hè, di chuyển từng chút một trước khu vực bến xe miền Đông

Theo TS Võ Kim Cương, phát triển giao thông đô thị phải đồng bộ về không gian và thời gian. Đồng bộ không gian nghĩa là phải đồng bộ giữa trục đường lớn và đường nhỏ. Quy định chỉ tiêu tỷ lệ đường giao thông (km đường/km2) là quy định cho từng loại đường như cao tốc, đường đô thị, đường dưới 12m…

“Hiện thành phố đang thiếu chỉ tiêu này. Thành phố nhiều đường hẻm mà tính nhập chung chỉ tiêu là không phù hợp, không thể giải tỏa được dòng xe lưu thông. Nhà quản lý không chia đường ra từng loại thì chưa thấy được tính đồng bộ về không gian và ý nghĩa của nó”, ông Cương nói.

TS Cương cho rằng đường Nguyễn Văn Linh cũng phải có nhiều tuyến đường dọc để giải tỏa dòng xe, chứ cứ dồn hết vào thì cũng sẽ kẹt. Trong giao thông vấn đề đồng bộ là rất quan trọng.

“Trong hạ tầng cũng như vậy. Giao thông đi trước một bước và mang tính quyết định. Hiện nay cấu trúc đô thị không đảm bảo phát triển giao thông công cộng. Bây giờ nếu lấy xe buýt thay cho xe máy thì cũng không có đường chạy. Xe máy chiếm chỗ nhiều hơn xe buýt nhưng đi xe máy nhanh hơn. Xe buýt không thể cạnh tranh được”, ông Cương nói.

Theo TS Võ Kim Cương, nếu không sửa đổi cách quản lý phát triển hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ, không theo kế hoạch, định hướng chưa rõ ràng và không có sự phối hợp tốt giữa quy hoạch, xây dựng và giao thông như hiện nay thì khó mà tái cấu trúc được đô thị phù hợp cho giao thông công cộng phát triển.

Quốc Anh