Câu “tiền” trên miệng cống
Ít ai ngờ rằng con gián vốn bị tống khứ ra khỏi nhà lại có thể sinh ra tiền. Bắt gián đã trở thành nghề cho thu nhập kha khá. Nhiều “thợ câu gián” gọi nôm na đây là nghề câu tiền trên miệng cống.
Nghề câu gián bắt nguồn từ những người đi... câu cá bông lau, cá lóc. Giống cá này thích ăn mồi sống và có mùi đặc trưng nào đó ví dụ như gián.
Anh Bình, nhà ở quận 11, TPHCM, được nhiều “đồng nghiệp” coi như “ông tổ” của nghề với thành tích 5 năm săn bắt gián. Đồ nghề của anh rất đơn giản, chỉ là những thanh gỗ dài 1,2 - 1,5 m, bé bằng hai ngón tay, trong đó 1/3 chiều dài “cần câu” được quấn vải có tẩm mật mía hoặc mật đường. Anh Bình có khoảng 30 cần câu cùng chiếc thùng đựng gián bằng gỗ bao lưới có thể chứa cả nghìn con.
Điểm "hành nghề" của anh Bình thường là những miệng cống gần Công viên Đầm Sen. Đây là “khu mỏ gián lộ thiên” có thể khai thác suốt năm mà không sợ cạn kiệt. Sau khi đã thả hết 30 cần câu vào miệng cống, đồng hồ đã chỉ đúng 23h30, anh Bình thong thả châm điếu thuốc, nói thì thào như sợ gián nghe thấy: “Đêm khuya ít dần tiếng xe, gián mới dám lên kiếm ăn nên phải đi vào giờ này. Đi sớm một chút ít bắt được lắm!”. Rồi anh thở dài: “Cực lắm, bon chen không nổi với thiên hạ phải ra đi câu gián bán cho đại gia…”.
Kế đó, anh lần lượt đi hết các miệng cống thả cần câu, rồi quay về kéo cần đầu tiên. Gần 10 chú gián ham ăn đang “đeo bám” vào lớp mật mía kia. Anh chộp lấy cần câu cho vào lồng, tuốt bao nylon đẩy lũ gián nằm gọn bên trong, miệng cười cười: “Chiều nào cũng vậy, trước khi đi là phải đến các chỗ bán mía, nước mía để xin đọt mía, bã mía về ép lấy nước làm mồi…”. Công việc cứ thế kéo dài đến 3h sáng, hai lồng gỗ sau xe anh đã lúc nhúc gián. Với giá 100 đồng một con, một đêm anh có thể kiếm gần 200.000 đồng.
Bản thân anh Bình là một thợ câu cá chuyên nghiệp với hơn 15 năm trong nghề. Nhiều lần người đi câu, xẻ thịt cá bông lau, phát hiện trong bụng cá có gián nên họ thử dùng gián để câu và thấy rất hiệu quả. Thấy vậy, anh Bình bắt thử gián và đem bán cho những người từng đi câu với mình. Cứ thế anh tìm được “đầu ra” ngày một nhiều. Chưa dừng lại ở đó, Bình còn nhận làm dịch vụ giao hàng tận nơi cho khách hàng ở các tỉnh, thành lân cận như: Long An, Tiền Giang...
Anh Tài cũng là người có thâm niên trong nghề câu gián. Vợ chồng anh ở trọ trong một con hẻm khá ngoằn ngoèo. Trước đây, anh từng bươn chải với rất nhiều nghề để sinh sống và nuôi cái tổ ấm nhỏ bé của mình. Nhận thấy nghề câu gián không cần vốn nhiều và có thể sống được nên anh làm thử một thời gian rồi gọi vợ cùng làm chung. Mỗi đêm anh, chị kiếm được khoảng hơn 100.000 đồng.
Anh Tài kể, lắm lúc cần câu bị chuột kéo vào cống thì còn phải thọc tay vào lôi ra nữa. Hôm nào cống ngập nước thì cánh tay ướt mem, hôi hám. "Tôi chỉ ước sao ngày nào cũng bắt được nhiều gián hơn để tăng thu nhập thôi”, Tài nói.
Theo VTC