1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Cầu thủng sàn, lắc lư... chờ sập

Tuyến quốc lộ 1A từ Cần Thơ về Cà Mau hiện có rất nhiều “cụ” cầu sắp sập. Mặt cầu xuất hiện nhiều ổ gà hoặc bị thủng sàn không chỉ mất an toàn giao thông mà còn gây thiệt hại lớn cho người dân, doanh nghiệp.

Khu vực 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau có rất nhiều nhà máy chế biến thủy sản chuyên cung cấp mặt hàng tôm đông lạnh cho thị trường ngoài nước. Để tiết kiệm thời gian, vận chuyển hàng hóa được nhiều trên tuyến đường huyết mạch quốc lộ 1A, hầu hết doanh nghiệp đều đầu tư xe tải lớn. Thế nhưng nhiều doanh nghiệp than mỗi năm họ phải mất tiền tỉ một cách oan uổng.

 

Tốn thời gian, mất tiền tỉ

 

Hiện nay ở Sóc Trăng có hai cầu rất yếu, tải trọng hạ chỉ còn 10 tấn. Đó là cầu Nhu Gia qua địa bàn xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên và cầu Phú Lộc ở huyện Thạnh Trị.

 

Ông Trần Tuấn Khanh - giám đốc Công ty chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Trang Khanh, thị xã Bạc Liêu - cho rằng đa số xe tải lớn nếu chỉ tính riêng xác xe đã lên đến 8 tấn. Thế nên muốn vận chuyển được một xe tôm nguyên liệu khoảng 8 tấn qua những cầu yếu như thế này doanh nghiệp phải điều thêm hai xe tham gia trung chuyển, vừa tốn thời gian vừa tốn tiền.

 

Quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã được nâng cấp hoàn chỉnh, nền đường đảm bảo cho xe có trọng tải hàng chục tấn lưu thông. Song các doanh nghiệp ở Cà Mau gặp nhiều khó khăn khi vận chuyển hàng hóa ra khỏi tỉnh vì ba chiếc cầu Vĩnh Mỹ, Chệt Niêu, Sư Son ở huyện Hòa Bình và Giá Rai (Bạc Liêu) có vốn đầu tư khoảng 30 tỉ đồng đang nằm... “đắp chiếu”.

 

Nguyên nhân do ba chiếc cầu này được thiết kế, xây dựng sát mé sông Bạc Liêu - Cà Mau nên đang thi công đã xảy ra hiện tượng sạt lở mố cầu làm tiền tỉ “trôi sông”.

 

Vụ sạt lở này xảy ra cách đây khoảng một năm nhưng Ban quản lý dự án 1 (PMU1 - Bộ Giao thông vận tải) và đơn vị thi công vẫn chưa tìm được cách khắc phục. Bởi thế các phương tiện vận chuyển hàng hóa phải vượt qua những chiếc cầu tạm bằng sắt chỉ chịu được tải trọng khoảng 8 tấn.

 

Hướng về Cần Thơ cũng có một chiếc cầu tạm, tải trọng chỉ đạt 8-10 tấn vừa được bắc qua sông Ba Rinh để thay thế “cụ” cầu Ba Rinh vừa được tháo dỡ vì sắp sập. Công trình xây dựng cầu mới hiện đang thi công với tiến độ rất chậm và đường dẫn vào cầu bên phía xã Đại Hải xuất hiện nhiều "ao nước" giữa đường làm khu vực này thường bị kẹt xe, mất thời gian của doanh nghiệp.

 

Cầu mới chưa biết khi nào hoàn thành

 

Với trên 1.600 lượt xe qua lại như hiện nay đã làm cầu Phú Lộc và cầu Nhu Gia ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Trên mặt cầu không chỉ xuất hiện nhiều ổ gà, bêtông nhựa nơi tiếp giáp nhau giữa các nhịp bong tróc rơi xuống sông mà vài ngày trước cả hai cầu này đều bị thủng sàn.

 

Để trẻ em không lọt xuống lỗ thủng trên cầu dẫn đến cái chết thương tâm như sự việc đã từng xảy ra ở cầu Nhu Gia vài tháng trước, mới đây Hạt Quản lý và sửa chữa đường bộ 19-2 đã dùng đan đậy lỗ thủng lại.

 

Ông Võ Hoàng Tuấn, hạt trưởng Hạt Quản lý và sửa chữa đường bộ 19-2, cho biết: “Biện pháp tiếp theo là đặt xuống một tấm thép rồi đắp bêtông nhựa lên trên để xe cộ lưu thông được dễ dàng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp chữa cháy nhằm đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian chờ xây dựng cầu mới”.

 

Ông Trần Anh Việt - giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Sóc Trăng - cho biết cầu Nhu Gia và cầu Phú Lộc đã được bàn giao cho chủ đầu tư là Ban quản lý dự án 18 (PMU18) và PMU18 cũng đã bàn giao trách nhiệm sửa chữa cho phía nhà thầu Trung Quốc. Theo ông Việt, dự án xây dựng cầu mới đang được nhà thầu triển khai nhưng do vướng đền bù nên chưa biết bao giờ mới hoàn thành.

 

Không riêng gì những cầu vừa nêu, dự án 16 cầu đoạn Cần Thơ - Cà Mau thuộc giai đoạn 3, đặc biệt là gói thầu xây dựng chín cầu sử dụng vốn vay của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản đang được PMU18 thương thảo chọn nhà thầu nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Bởi thế, nhiều khả năng cuối năm nay sẽ không khởi công được như dự kiến.

 

Theo Ngọc Diện

Tuổi Trẻ