1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Lâm Đồng:

Cầu "như răng sắp rụng", chính quyền vẫn mải... chờ nhau

(Dân trí) - Liên quan đến những cây cầu treo chực chờ... hất người xuống sông ở Lộc Ngãi (Bảo Lâm, Lâm Đồng), trong khi người dân mòn mỏi chờ một cây cầu an toàn thì chính quyền các cấp xã - huyện - tỉnh cứ gửi tờ trình rồi... chờ duyệt!

Trong tờ trình mới đây nhất, số 72/TTr-UBND gửi UBND huyện Bảo Lâm và Ban Phòng chống bão lụt huyện, lãnh đạo xã Lộc Ngãi nêu rõ, cầu treo thôn 2 và thôn 5 là hai cầu huyết mạch cho việc vận chuyển nông sản, người dân lưu thông qua cầu thường xuyên. Nhu cầu đi lại thật sự cần thiết.

Ngày 24/9 vừa qua, một trận mưa to, nước lũ tràn về kèm theo đó những cây ven suối ngã đổ ngăn cản dòng nước đã khiến cầu thôn 2 bị sụp trụ, gãy ván, rất nguy hiểm cho người dân tham gia giao thông. Qua xem xét toàn bộ ván, cây trụ cầu thôn 2, thôn 5 đều bị mục nát.
 
Cầu như răng sắp rụng, chính quyền vẫn mải... chờ nhau
Vị Chủ tịch xã cho biết ông cảm thấy buồn khi người dân của mình vẫn phải đi lại qua cây cầu treo xập xệ này

“Hiện nay UBND xã đã kiểm tra thấy mức độ nguy hiểm rất cao, có thể xảy ra tai nạn nguy hiểm đến tính mạng của người dân tham gia giao thông. Vì chiếc cầu độc đạo, nhu cầu đi lại, vận chuyển vật tư chăm sóc vườn chè, cà phê là cấp thiết”, ông Nguyễn Quang Sanh, Chủ tịch UBND xã Lộc Ngãi cho biết.

Trong khi đó, năm 2011, cây cầu Bằng Lăng đường Liên Hung – Đầm Ròn huyện Đam Rông được tỉnh Lâm Đồng đầu tư xây dựng nên UBND huyện Bảo Lâm có tờ trình xin 70m dàn bailey được tháo dỡ từ cầu Bằng Lăng để đem về thay thế 2 cây cầu treo tại xã Lộc Ngãi.

Trong công văn số 78/GTVT-KH của sở GTVT gửi UBND tỉnh Lâm Đồng thì Sở này chỉ đồng ý cho dàn bailey, còn mặt cầu thì địa phương tự bố trí kinh phí để đầu tư. Xét trên công văn này, ngày 18/7/2011, UBND tỉnh Lâm Đồng có công văn số 3751/UBND-GT đồng ý giao cho huyện Bảo Lâm dàn bailey của cầu Bằng Lăng để phục vụ công tác phòng chống lụt bão và tận dụng làm cầu giao thông nông thôn.
 
Bên dưới cây cầu mục là dòng nước chảy xiết
Bên dưới cây cầu mục là dòng nước chảy xiết

UBND xã Lộc Ngãi đã được nhận dàn sắt cũ này nhưng do lòng suối rộng, sâu, các dàn bailey nếu bắc qua thì cũng có nguy cơ trôi theo nước lũ. Cần phải có hai mố cầu ở đôi bờ và một mố trụ cầu ở giữa. Kinh phí để thi công những hạng mục này quá cao, UBND xã lại xin ý kiến của huyện. Huyện Bảo Lâm lại làm tờ trình lên tỉnh xin kinh phí nhưng đến nay vẫn... bặt vô âm tín.

Trong khi cây cầu treo hiện trạng đang bị nghiêng một bên, dàn bailey đem về chỉ như đống sắt để trước cổng UBND xã Lộc Ngãi. Còn người dân thì ngày ngày vẫn phải thót tim khi qua cây cầu quá cũ kỹ, nguy hiểm.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Vương Khả Kim, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết, tháng 3/2012, huyện có tờ trình gửi tỉnh xin kinh phí xây mố cầu để lắp đặt cầu sắt đường thôn 1,2 đi thôn 7 và thôn 4 đi thôn 5-12 xã Lộc Ngãi với tổng số tiền là 8,5 tỷ đồng. Thế nhưng, huyện không nhận được câu trả lời.

Mới đây, từ tờ trình của xã Lộc Ngãi về việc người dân thường bị rớt người, xe, nông sản xuống sông khi qua cầu yếu, huyện Bảo Lâm lại làm tờ trình lần 2 gửi lên tỉnh. Do vật tư xây dựng tăng chóng mặt nên kinh phí xây mố hai cây cầu ở xã Lộc Ngãi lên đến 12 tỷ đồng theo như tính toán của Trung tâm Quản lý, khai thác công trình công cộng huyện Bảo Lâm. Thế nhưng, cũng như lần trước, đến nay tờ trình gửi đi vẫn chưa có câu trả lời từ chính quyền cấp tỉnh.
Cây cầu này được người dân ví như cái răng sắp rụng
Cây cầu này được người dân ví như cái răng sắp rụng

Chúng tôi về huyện Bảo Lâm để tìm hiểu về những cây cầu treo và đời sống của người dân. Cuộc sống ở một huyện cao nguyên xa xôi này đang dần thay da đổi thịt. Những ông chủ từ Bắc vào, TPHCM lên đã biến nơi miền cao nguyên này thành những nương rẫy bạt ngàn, biệt thự tráng lệ. Một số người trở nên giàu có trong phút chốc vì được đền bù khi nhà máy bô xít xây dựng ở đây.

Giống như ở TPHCM, "mặt sau" của Phú Mỹ Hưng phồn hoa rực rỡ là nơi sinh sống của hàng trăm người dân trong căn nhà xập xệ, thiếu nước sạch, đường điện cũng lúc có lúc không. Về huyện Bảo Lâm, ngoài thị trấn Lộc Thắng, không ít người thường nói với nhau bằng bạc tỷ, còn vào sâu bên trong xã Lộc Ngãi, cuộc sống người dân còn quá khốn khó. Nương rẫy thì của những ông bà chủ nơi khác đến. Còn người dân bản xứ, thậm chí có người không có đất canh tác phải đi làm thuê.

Ngay cả ước mơ giản dị của người dân là có một cây cầu kiên cố để đi lại mà cũng cảm thấy quá xa vời!

Công Quang