1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Lâm Đồng:

Người dân của 6 thôn mơ ước một cây cầu kiên cố

(Dân trí) – Tự bao đời, người dân giữa vùng đất cô độc Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm ước mơ có một cây cầu kiên cố để việc thu hoạch vụ mùa thuận lợi, đường đi học của các trò bớt chông chênh, nguy hiểm. Vậy mà, cái ước mơ giản dị đó vẫn còn quá xa vời…

Về xã Lộc Ngãi trong những ngày này, đâu đâu bà con cũng bàn tán, suy tính vì cái cây cầu tạm huyết mạch nối liền các thôn lại “trở chứng”. Có hai cây cầu tạm bằng ván bắt qua suối Đạ Nga thì cả 2 đều xập xệ, xiêu vẹo, đong đưa như cái võng. Cả hai chiếc cầu gỗ nối liền thôn 2 với các thôn 1, 3, 4, 5, 7… hàng ngày người dân qua lại nhiều nhất lại hư hỏng quá nặng. Những miếng ván lát trên cầu nghiêng hẳng về một bên như chực chờ “hất” người đi qua xuống sông. Dây văng bằng thép kéo giữ thăng bằng cho cầu thì sụt xuống. May mà dây thép này còn mắc vào một trụ làm mố cầu nên dù không sập hẳn, cây cầu trở thành nghiêng và vắt vỏng như thử thách lòng gan dạ của người dân…
Thót tin khi đi qua cây cầu nghiêng
Thót tin khi đi qua cây cầu nghiêng

Những miếng ván trên sàn cầu mục nát. Các thanh đỡ làm hành lang cầu xiêu vẹo. Ngay cả những cháng gỗ bắt chéo, làm chỗ dựa cho dầm và mố cầu cũng bị mục. Cây cầu gỗ, căng bằng dây văng bắc qua con suối rộng hơn 34m vì thế càng trở nên mong manh hơn so với vực sâu và nước cuồn cuộn chảy xiết.

Vượt qua những cung đường cong quanh, nhấp nhô theo những sườn đồi, dừng lại bên cây cầu đi thôn 7 đang xiêu vẹo, ông Nguyễn Quang Sanh, Chủ tịch UBND xã Lộc Ngãi thở dài. Ông Sanh cho biết, cây cầu treo tạm bằng gỗ bắc qua sông Đạ Nga này làm từ năm 1975 cho đến nay. Cây cầu này là tuyến giao thông huyết mạch dẫn vào nương rẫy của bà con. Bên kia cầu là thôn 7, nơi sinh sống của đông đảo bà con dân tộc Tày, Nùng, K’-hor, Châu mạ…
 
Cây cầu từ thôn 4 đi thôn 12 cũng mang trong mình số phận tương tự. “Cầu treo được làm theo ngân sách xã và nhân dân đóng góp nhưng nay đã xuống cấp trầm trọng. Ván mặt cầu đã bị hư hỏng và dây cáp treo chịu lực của cầu được nối với cây cổ thụ ven suối già cỗi, rỗng thân, có nguy cơ đổ sập trong mùa mưa tới”, ông Sanh cho biết.
Trụ và dầm cầu, ván đã bắt đầu mục nát.
Trụ và dầm cầu, ván đã bắt đầu mục nát.
 
Cây cầu không chỉ phục vụ đi lại của bà con mà hàng ngày, người dân ở các địa phương khác như Lộc Thắng, Bảo Lộc… có nương rẫy trong thôn 7, 12… cũng đi qua cầu vào canh tác. Người dân trong các bản làng xa xôi cũng đi qua cây cầu này ra chợ Bảo Lâm mua vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, mua thức ăn… Và quan trọng hơn hết, đây là con đường đến trường của hàng trăm học sinh.
 
Cây cầu vắt vỏng này đang phải gồng gánh quá nhiều “sứ mệnh” nên liên tục hư hỏng. Mỗi lần cầu hư, các thôn 7, 12 như bị cô lập. Người dân bên ngoài cũng không thể vào nương rẫy thu hoạch cà phê… Cầu cao, bên sườn dốc cheo leo, nên chuyện người dân đi qua đây, té ngã cả người và xe xuống lòng sông đã xảy ra. Cầu ván trơn nên mới đây, có người dân đi làm rẫy về, qua cầu bị rượt chân rớt xuống sông, gãy xương bả vai.
 
Trụ gỗ không chịu nỗi sức nặng và thời gian nên tụt dây văng, cầu nghiêng hẳn một bên.
Trụ gỗ không chịu nỗi sức nặng và thời gian nên tụt dây văng, cầu nghiêng hẳn một bên.

Ông Nguyễn Khanh (85 tuổi) vừa qua được cây cầu, ngồi bệt xuống đất thở phào. “Mỗi lần đi qua là run như muốn thốt tim ra ngoài. Cầu rung bao nhiêu thì mình run bấy nhiêu. Có lần, sợ quá, tôi ngồi ôm luôn tấm ván cầu. Cầu “run” nhưng vì gánh nặng cuộc sống vẫn phải đi để vào nương rẫy. Tôi mong sao có một cây cầu để bà con bớt khổ. Con cháu trong làng cũng bớt vất vả mỗi khi qua cây cầu này”.

Ông Sanh, chủ tịch xã cũng cho biết, vợ ông vừa qua cũng bị rơi cả người, xe xuống sông Đạ Nga. “Chuyện người dân té cầu xảy ra như cơm bữa. Rất may, chưa ai bị nặng. Người dân ở đây rất mong có một cây cầu kiên cố”, ông Sanh chia sẻ.
 
Trụ gỗ không chịu nỗi sức nặng và thời gian nên tụt dây văng, cầu nghiêng hẳn một bên.
Dòng suối sâu, chảy xiết vẫn đang chực chờ, đe dọa mạng sống người dân nếu như cây cầu không được xây mới.

Để khắc phục tình trạng cầu hỏng hóc này, UBND xã Lộc Ngãi đã có tờ trình lên UBND huyện Bảo Lâm. Tuy nhiên, phương án mà huyện đưa ra là xây dựng cầu kiên cố với số tiền hơn 14 tỷ đồng. Huyện đã gửi tờ trình lên tỉnh nhưng chưa có văn bản trả lời. Trong khi chờ ý kiến cấp trên, người dân đã cùng nhau sửa chữa tạm bằng cách đóng lại trụ cầu và căng dây văng lại để sàn cầu không bị nghiêng. “Sửa tạm, đi được ngày nào, hay ngày đó chứ mùa mưa lại tới rồi. Dân chúng tôi đã chờ đợi lâu quá”, một người dân thở dài.

Công Quang