1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cầu Long Biên bao nhiêu tuổi?

(Dân trí) - Nhiều người tranh cãi về tuổi thực sự của cầu Long Biên, nhưng dù 105, 106 hay 110 tuổi thì một cây câu vắt ngang sông Hồng qua “ba thế kỷ” đã và sẽ mãi là một hình ảnh còn mãi trong tiềm thức mỗi người dân thủ đô…

Khởi động cho sự kiện văn hoá “Ký ức cầu Long Biên”, bắt đầu bắt đầu từ 10 giờ sáng ngày 12/7/2008, tại Ngôi nhà nghệ thuật, số 31A Văn Miếu, Ba Đình, Hà Nội đã diễn ra tuần lễ “Nhân chứng lịch sử” với sự tham dự của một số nhân chứng lịch sử từng là người sinh tử cùng cây cầu.

Bà Nguyễn Nga, Giám đốc Ngôi nhà nghệ thuật cho biết: “Chúng tôi dự kiến, sự kiện văn hoá này sẽ diễn ra trong 12 tuần lễ, mỗi tuần sẽ có những chủ đề riêng, nhưng trong đó luôn có những chương trình biểu diễn nghệ thuật, triển lãm ảnh, hội hoạ, điêu khắc… phục vụ cho người dân thủ đô. Tôi mong muốn có được nhiều tư liệu, nhiều đóng góp quý giá về lịch sử của cầu Long Biên”.
 
Cầu Long Biên bao nhiêu tuổi? - 1

Một bức ảnh cổ chụp cầu Long Biên

Trao đổi với PV Dân trí về tuổi thực sự của cây cầu này, bà Nga cho biết: “Theo tôi, cây cầu đã có 105 tuổi, bởi tôi cũng có nhiều căn cứ để xác định chính xác vấn đề này. Vì vậy, “Ký ức cầu Long Biên” được tổ chức để kỷ niệm 105 năm ngày cây cầu ra đời. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cần có sự phối hợp của những người nghiên cứu sâu về nó”.

Theo tài liệu đáng tin cậy thì cầu Long Biên được khởi công xây dựng vào tháng 9/1898 do hãng EIFFEL thiết kế và hãng DAYDé-PILLé chịu trách nhiệm thi công.

Trong một tài liệu khác thì cầu Long Biên được khánh thành ngày 28/2/1902. Lúc đó có cả vua Thành Thái đến tham dự nên trên cầu hiện nay có một tấm biển ghi lại dấu ấn này: “1899 - 1902”?...

Vì vậy, với những thắc mắc xung quanh độ tuổi thật của cây cầu này, cần phải có những tư liệu, những nghiên cứu khoa học chính xác của các nhà chuyên môn.

Chứng kiến bao thăng trầm qua hai cuộc chiến tranh, chịu sự tàn phá nặng nề của bom đạn, gồng mình trong mưa nắng suốt hơn 100 năm qua, cầu Long Biên trở thành chứng nhân lịch sử, dấu tích văn hoá lịch sử đặc biệt về sự đấu tranh bất khuất của người dân thủ đô, trở thành biểu tượng văn hóa quen thuộc của Hà Nội.

Không chỉ đối với bà Nguyễn Nga - Giám đốc Ngôi nhà Nghệ thuật, người khởi xướng ý tưởng về dự án nghệ thuật Ký ức cầu Long Biên - mà nhiều người Hà Nội vẫn giữ trong mình những ký ức, những ấp ủ thôi thúc về cây cầu.
 
Cầu Long Biên bao nhiêu tuổi? - 2

Cảm hứng của Họa sỹ Bùi Thanh Phương về cây cầu đẹp nhất Đông Nam Á

Cầu Long Biên là cây cầu duy nhất ở thủ đô “sống” qua ba thế kỷ (tính từ năm 1898) và được đánh giá là một trong những cây cầu đẹp nhất Đông Nam Á thế kỷ XX. Các nghệ sỹ, đặc biệt là nghệ sỹ nhiếp ảnh luôn bị mê hoặc bởi kiến trúc của nó. Với các hoạ sỹ, cầu Long Biên luôn khơi gợi cho họ những luống cảm hứng “dai dẳng”.

Có nhiều người đã từng sống và chứng kiến lịch sử Hà Nội và đặc biệt ở xung quanh hai bên cầu, có rất nhiều hộ gia đình đã sống và làm việc trên mảnh đất ngàn năm văn hiến của thủ đô.

Với người dân cả nước nói chung và người dân Hà Nội nói riêng, việc tìm ra con số chính xác của cầu Long Biên rất quan trọng…

Những dấu mốc Cầu Long Biên
 
* Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng (1899 - 1902) và được đặt tên là cầu Doumer (tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer).
 
Chiều dài toàn cầu là 1.862m gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa. Hai bên là đường dành cho xe cơ giới và đường đi bộ.
 
* Được hoàn tất xây dựng năm 1903 do kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Gustave Eiffel thiết kế, Long Biên từng là một trong bốn cây cầu dài nhất thế giới và nổi bật nhất Viễn Đông vào thế kỷ 19.

* Khi được hoàn thành vào năm 1903, cầu mang tên Doumer.

 
Nguyên Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm