1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Câu hỏi lạnh người từ cô bé 13 tuổi bị hiếp dâm tập thể

(Dân trí) - Cháu bé 13 tuổi ở TPHCM được đưa đến công an trình báo về việc bị 3 nam thanh niên hiếp dâm. Tuy nhiên, cô bé chỉ hỏi lại: “Sao lại bắt các anh ấy vì là cháu… cho các anh ấy mà. Các bạn học cùng lớp cháu đều làm vậy, có sao đâu?”…

Câu chuyện rất thời sự từ một vụ án xảy ra tại TPHCM mới đây mà báo chí đã đưa tin được bà Trần Thị Ngọc Bích, cán bộ Khoa Dân số và Phát triển - Viện Chiến lược và Chính sách y tế - Bộ Y tế nêu ra tại hội nghị về việc thực hiện chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên diễn ra ngày 27/8. Hội nghị do UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức.

Tại hội nghị, Thường trực UB công bố dự thảo Báo cáo kết quả khảo sát của Ủy ban về vấn đề này tại 52 tỉnh thành trên cả nước.

Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục, trong đó 66% trẻ bị hiếp dâm...
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục, trong đó 66% trẻ bị hiếp dâm...
 
Dự thảo báo cáo nêu ra nhiều con số, nhận định đáng lo ngại. Theo thống kê, người vị thành niên và thanh niên (từ 10 đến 30 tuổi) tại Việt Nam chiếm gần 40% dân số. Mặc dù có nhiều cơ hội phát triển, song thế hệ trẻ hiện đang phải đối diện với nhiều nguy cơ, thách thức, trong đó có nhiều nguy cơ về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; gây ra nhiều hệ lụy kéo dài, làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.

Nhận thức của vị thành niên, thanh niên về giới tính, tình dục an toàn và thực hiện phòng tránh thai rất thấp. Chỉ có khoảng 20,7% vị thành niên, thanh niên sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ tình dục đầu tiên. Số cơ sở cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản còn rất thiếu so với nhu cầu; chất lượng dịch vụ tư vấn và can thiệp chăm sóc sức khỏe sinh sản chuyên biệt còn hạn chế. Đặc biệt, các cơ sở y tế tư nhân cung cấp dịch vụ này chưa được quản lý, kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục vẫn có xu hướng gia tăng và chưa được ngăn chặn. Theo thống kê, từ năm 2006 – 2011, cả nước có khoảng 5.600 vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện (tức mỗi năm xảy ra trên 1.000 vụ), trong đó, số vụ hiếp dâm trẻ em chiếm gần 66%.

Góp ý kiến tại hội nghị, bà Trần Thị Ngọc Bích, cán bộ Khoa Dân số và Phát triển  - Viện Chiến lược và Chính sách y tế - Bộ Y tế khái quát, Việt Nam đã có một hệ thống các văn bản, chính sách pháp luật về công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục vị thành niên, thanh niên. Việc này thực hiện các chính sách này đã giúp nâng cao hiểu biết, kiến thức của nhóm đối tượng này về các nội dung kỹ thuật như biện pháp tránh thai, phòng, chống HIV/AIDS.

Theo điều tra Quốc gia về vị thành niên và thanh nhiên Việt Nam thì hiểu biết của nhóm đối tượng này với các nội dung trên rất tốt. 92% biết về thuốc uống tránh thai, 95% biết về bao cao su, 98% biết về con đường lây truyền HIV/AIDS…

Tuy nhiên, những thách thức đặt ra lại liên quan nhiều đến vấn đề quan điểm, định hướng, kỹ năng sống của giới trẻ. Hiểu biết về sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục ở người chưa thành niên, thanh niên còn nhiều hạn chế với chỉ khoảng 13% đối tượng khảo sát trả lời đúng về thời điểm dễ có thai nhất của người phụ nữ. Kiến thức, thái độ và hành vi về sức khoẻ sinh sản trong cộng đồng, ngay cả nhóm cán bộ y tế còn hạn chế.

Bà Bích dẫn một vụ án xảy ra tại TPHCM mới đây mà báo chí đưa tin nhiều. Một bé gái 13 tuổi được bố mẹ đưa đến công an trình báo việc bị 3 nam thanh niên cùng hiếp dâm. Tuy nhiên, cô bé chỉ cố gặng hỏi: “Sao lại bắt các anh ấy vì là cháu… cho các anh ấy mà. Các bạn học cùng lớp cháu đều làm vậy, có sao đâu?”

“Câu hỏi của cháu gái này phản ánh một thực tế về lối sống của giới trẻ, cũng là một thực tế đầy trăn trở đối với chúng ta” – bà Bích bày tỏ sự xót xa, day dứt.

Đồng ý hướng nêu vấn đề này, nguyên Chủ nhiệm UB Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Trần Thị Tâm Đan cho rằng, nhà nước dành nhiều quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục vị thành niên ở hướng xây dựng dịch vụ phục vụ lĩnh vực này nhưng đứng về tổng thể, chỉ như thế vẫn chưa đạt. Cơ bản, theo cựu Bộ trưởng là phải xây dựng lối sống của nhóm đối tượng thanh thiếu niên trong môi trường xã hội diễn biến theo giai đoạn phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.

Theo đó, quan điểm tự do hoá tình dục từ phương Tây đưa vào Việt Nam đã giải phóng một khía cạnh về quyền con người. Cần chấp nhận xu hướng này nhưng cũng phải định hướng, phải xây dựng được nhận thức, lối sống cho người Việt trẻ trong hoàn cảnh, môi trường văn hoá của dân tộc để mỗi vị thành niên, thanh niên ý thức được tư tưởng tự do tình dục trong quan điểm sống tích cực, sống có mục tiêu, lý tưởng, xác định được con đường tương lai chứ không phải sống kiểu bất chấp, bất cần, tung hê, đến đâu biết đến đó…
 
Hội nghị do UB Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức.
Hội nghị do UB Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức.

Các đại biểu tham dự hội nghị thống nhất quan điểm cần luật hóa nội dung về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Cụ thể, cần đưa nội dung về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên vào Luật Thanh niên, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo hướng tiếp cận với quyền và trách nhiệm của vị thành niên, thanh niên; gắn với quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan, tổ chức có liên quan. Bổ sung quyền được giáo dục về giới tính, kỹ năng sống trong hệ thống trường học; quyền được tiếp cận với thông tin chính thống và dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, thân thiện với vị thành niên và thanh niên...

Nghiên cứu xây dựng Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên; đảm bảo nguồn tài chính phù hợp dành cho công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục là khuyến nghị mạnh mẽ được gửi tới Chính phủ.

Ông Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng - Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cho rằng: “Làm thế nào để nâng cao tầm vóc người Việt Nam theo chiến lược định ra thì phải được quy định rõ. Nếu không quy định được trong luật thì phải quy định ở các Nghị định dưới luật vì thời gian này Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đang chỉnh sửa để năm tới trình Quốc hội”.

Theo ông An, các điều khoản, vấn đề được quy định trong pháp luật, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội được quy định trong luật thì vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của vị thành niên và thanh niên trong tương lai mới được chăm sóc, đảm bảo tốt hơn. Để đạt được điều đó, khi xây dựng chính sách, nhóm đối tượng vị thành niên, thanh niên phải là một chủ thể tham gia chứ không chỉ là người đứng ngoài cuộc, thụ hưởng chính sách.
 

Trên phạm vi toàn quốc, tỷ lệ vị thành niên phá thai ở vị thành niên là 2,2% (năm 2010); 2,4% (2011) và 2,3% (2012).  

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tỷ lệ phá thai vị thành niên chiếm 5% tổng số ca phá thai; tại Bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Hùng Vương, Trung tâm Chăm sóc sức khóa sinh sản (TPHCM), tỷ lệ phá thai vị thành niên chiếm 5,81% tổng số ca phá thai.

P.Thảo