1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TT-Huế:

Câu chuyện về ông thương binh 80 tuổi đạp xích lô mưu sinh

(Dân trí) - Ở cái tuổi gần đất xa trời, tưởng chừng người thương binh năm xưa sẽ được hưởng tuổi già khi về hưu. Nhưng ai ngờ, đã hơn 80 tuổi, ông thương binh Bùi Hữu Trân hàng ngày vẫn còn phải đạp xích lô mưu sinh để nuôi 2 đứa con bệnh tật.

Một thời với bom đạn

Chúng tôi tìm đến căn nhà ông Bùi Hữu Trân ngụ ở số nhà 118/10/6 đường Dương Văn An, thành phố Huế vào buổi chiều khi cái nắng chói chang của đầu hè đang hắt thẳng vào mái hiên bằng tôn đã cũ nát. “Bác Trân chưa đi làm về đâu anh à, chắc nửa tiếng nữa bác mới về” - đó là câu nói của một cô sinh viên trọ cạnh nhà thấy khách lạ tới hỏi thăm nhà bác Trân.

Chiếc cổng nhà được khóa cẩn thận với một chiếc khóa dây cũ kĩ và đã rỉ theo thời gian. Trong nhà, 2 người con trai của ông Trân đang ngồi trên giường đặt ngoài cửa nói nói, cười cười với chiếc ti vi đang mở sóng bên cạnh.

Tiếng xích lô cọt kẹt từ đầu kiệt đi về, dáng người ông nhỏ con, mái tóc trên đầu đã chuyển hết sang màu bạc nhưng trông ông Trân vẫn còn rất nhanh nhẹn khi dắt chiếc xích lô vào nhà. Ông cười rất hiền, niềm nở tiếp khách và bắt đầu câu chuyện với chúng tôi.

Câu chuyện về ông thương binh 80 tuổi đạp xích lô mưu sinh - 1
Đã hơn 80 tuổi nhưng đôi chân của ông Trân vẫn luôn song hành cùng với những vòng quay chiếc xích lô hàng ngày để mưu sinh.

Ông Trân còn nhớ như in ngày 19/12/1946 là ngày ông tham gia vào Trung đoàn Trần Cao Vân 101, chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên trong cuộc kháng chiến chống Pháp, lúc đó ông Trân chỉ là một cậu cậu thanh niên mới tròn 12 tuổi.

“Do tuổi đời còn khá non trẻ nên tôi được cấp trên giao cho một nhiệm vụ khá đặc biệt đó là giả làm một thằng chăn trâu quanh khu vực đồn giặc rồi giả vờ đánh nhau với mấy đứa chăn trâu để quân địch bắt. Đến khi bị đưa vào trong đồn của quân địch, tôi bị bắt đi quét dọn vệ sinh và lo việc cơm nước. Lợi dụng những lúc địch sơ hở, tôi mới nhanh mắt quan sát xung quanh cách bố trí của quân địch, đợi đến khi được thả về tôi báo cáo với cấp trên”, ông Trân kể lại.

Trong một trận đánh tại khu vực bên bờ nam sông Hương (giờ là khu vực đường Hà Nội, TP Huế), đơn vị ông bị quân địch tấn công bằng bom đạn dữ dội khiến 17 đồng đội của ông đã anh dũng hi sinh, còn ông Trân lúc đó cũng bị thương nhẹ và phải nằm giả chết bên cạnh những đồng đội khi quân giặc ráo riết đi lùng sục.
 
“Nằm đó từ 7h sáng cho đến 7h tối, đói quá tôi mới lấy nắm cơm ra ăn thì lúc đó nắm cơm ngấm toàn máu của các đồng đội, tôi vừa ăn vừa chảy nước mắt vì lúc đó tôi đã ăn nắm cơm mà trộn với máu của đồng đội” - ông Trân xúc động nhớ lại.

Câu chuyện về ông thương binh 80 tuổi đạp xích lô mưu sinh - 2
Ông Trân chụp ảnh kỷ niệm bên cạnh bia kỷ niệm 17 đồng đội hy sinh đặt tại Sở Khoa học và công nghệ, đường Hà Nội, TP Huế bây giờ.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ nổ ra, một lần nữa chàng thanh niên Bùi Hữu Trân được cấp trên chuyển vào đơn vị hậu cần đóng tại Hà Nội làm công việc sửa chữa ô tô, xe pháo… để vận chuyển vào Nam phục vụ chiến đấu.

Trong một trận đánh tại Cầu Diễn (Hà Nội), quân Mỹ đã thả hàng trăm quả bom tại các khu vực như: Cầu Diễn, Khâm Thiên, Bạch Mai. Bị đánh quá bất ngờ ông cùng đồng đội chạy đến các hầm 1 trú ẩn. Ông đã bị một quả bom đánh ngay gần cửa hầm khiến hàng chục khối đất đè kín miệng hầm. May mắn sau đó được đồng đội cứu, ông Trân thoát chết hy hữu.

Câu chuyện về ông thương binh 80 tuổi đạp xích lô mưu sinh - 3
Ông thương binh Bùi Hữu Trân với nhiều huân huy chương do nhà nước phong tặng.

Năm 1980, ông Trân về hưu sau hơn một năm công tác tại Công ty cổ phần cơ khí ô tô Thống Nhất (tỉnh Thừa Thiên Huế) với nhiều vết thương trên người. Đặc biệt, ông đã bị thủng 2 màng nhĩ và phải đeo may điếc để nghe mọi người nói chuyện.

Tiếp tục “chiến đấu” trong thời bình

Đất nước thống nhất, ông rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường sau hơn 35 năm cầm súng. Về quê hương ông lấy vợ rồi sinh con, nhưng cuộc đời đã không mỉm cười với ông khi 2 người con của ông lần lượt ra đời nhưng đều mắc bệnh tâm thần, lớn lên chúng chỉ biết đập phá mọi thứ trong gia đình mỗi khi chúng lên cơn.

Nỗi đau càng đè nặng lên vai ông khi cách đây 5 năm, người vợ đầu gối tay ấp cùng ông chăm sóc hai người con bị bệnh cũng đột ngột qua đời. Mất đi người bạn đời tưởng chừng như ông không thể sống nổi, nhưng vì các con không có ai chăm sóc ông lại tiếp tục chiến đấu.

Câu chuyện về ông thương binh 80 tuổi đạp xích lô mưu sinh - 4
Hai người con trai của ông Trân cả ngày chỉ ngồi trong nhà xem tivi rồi cười cười, nói nói.

Ông cùng với chiếc xích lô hàng ngày cứ rong ruổi hết mọi ngõ nghách để kiếm ăn. Không kể nắng hay mưa, cứ khách có yêu cầu đi chở hàng là ông đi liền. Ông luôn cố đi nhanh, làm cho xong để còn về lo cho hai đứa con bị bệnh ở nhà. Mỗi lần chở hàng ông Trân cũng kiếm được 30-50.000 đồng. “Ngày trước khỏe mạnh tôi chở được cả hàng tạ, nhưng giờ già rồi, chân tay cũng yếu nên chỉ chở được vài chục ki lô thôi” - ông Trân cho biết.

Mặc dù bận bịu với công việc như vậy nhưng ông Trân có một niềm đam mê mãnh liệt về thơ, ông làm thơ bât kể thời gian, kể cả lúc đang chở hàng cho khách ông vẫn có thể làm thơ. Hiện ông làm hơn 100 bài thơ chủ yếu về hồi ký một thời “mưa bom bão đạn” và thơ về cuộc sống của ông cũng như gia đình, xã hội. Nhiều bài thơ của ông đã được một số tờ báo cũng như tạp chí chọn đăng tải.

Câu chuyện về ông thương binh 80 tuổi đạp xích lô mưu sinh - 5
Ông Trân đang xem lại ảnh kỷ niệm về đồng đội năm xưa.

Hơn nửa đời người cầm súng chiến đấu với bao khó khăn, nguy hiểm của chiến tranh, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, hạng Ba và nhiều huân huy chương, giấy khen khác. Năm 2000 ông được quận Tây Hồ (Hà Nội) tặng nhà tình nghĩa để giup đỡ gia đình lúc hoạn nạn. Giờ đây, ở tuổi gần đất xa trời, nhưng đôi chân của ông vẫn không được nghỉ mà phải tiếp tục quay tròn trên chặng đường dài của cuộc đời cùng với chiếc xích lô – một  người bạn đã hơn 25 năm cùng ông trên chặng đường mưu sinh.

Ngọc Thụ - Đại Dương