1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

“Cắt ngọn nhà cao tầng sai phương án sẽ gây sập đổ”

Cục trưởng giám định chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng, Trần Chủng, cho rằng, có nhiều tòa nhà bị sập đổ, gây chết người do thực hiện sai quy trình “cắt ngọn”. Khi phá dỡ, chủ đầu tư hay chính quyền phải cam kết đảm bảo an toàn cho người dân.

Ông nhận định ra sao về tính an toàn của các công trình cao tầng sai phép ở Hà Nội đang được phá dỡ?

 

Phá dỡ nhà là công việc khó khăn hơn xây mới rất nhiều. Tất cả tác động tới công trình đều bất lợi, ảnh hưởng kết cấu của bộ phận lân cận, toàn bộ ngôi nhà. Do vậy, đục phá như thế nào, ở đâu thì chủ đầu tư phải tính đến, các nhà chuyên môn phải thẩm định kỹ và chịu trách nhiệm.

 

Khi không tuân thủ quy trình, sơ sểnh hay phương án sai lầm là có thể gây sự cố sập đổ. Việc phá dỡ không thể đơn giản là cầm búa đập mà phải có yêu cầu kỹ thuật khắt khe. Với nhà cao tầng mới xây thì khó đổ sập hơn vì kết cấu vững chắc. Tuy nhiên, để giảm tải trọng bên trong, đơn vị thi công phải tháo dỡ từng hạng mục, thực hiện đúng quy trình mới tránh khỏi sự cố.

 

Các công trình phá dỡ bị sập đổ chiếm tỷ lệ bao nhiêu, thưa ông?

 

Mặc dù chưa có thống kê chính xác, song chúng ta đã từng phải trả giá nhiều khi tháo dỡ công trình. Năm 1998, khi dỡ nhà ở tại Nhà máy xi măng Bỉm Sơn, mặc dù tất cả phương án đã được phê duyệt song toàn bộ 4 tầng nhà đã sập làm chết 6 người trong số 19 công nhân tham gia phá dỡ.

 

Năm 1979, khi phá dỡ nhà để máy bay ở Sân bay Đà Nẵng, vòm mái bị sập khiến 3 công nhân bị gãy chân. Ngoài ra, nhiều tòa nhà khác phá dỡ đã gây sập liên hoàn cho nhiều công trình lân cận. Tất cả công trình này đều làm sai quy trình, tháo dỡ cùng một lúc các tầng, chứ không thực hiện theo tuần tự.

 

Chúng tôi đã cảnh báo nhiều tới các cơ quan chuyên môn, phương án phá dỡ phải được giám sát chặt chẽ vì các hạng mục dễ bị sập đổ rơi vỡ và ảnh hưởng với môi trường.

 

Có ý kiến cho rằng, việc “cắt ngọn” công trình là vấn đề mới mẻ trong khi chúng ta chưa có đơn vị xây dựng đủ năng lực thực hiện, quan điểm của ông ra sao?

 

Đúng là chúng ta chưa có đơn vị chuyên trách phá dỡ. Tuy nhiên, doanh nghiệp xây dựng có đầy đủ chứng chỉ hành nghề cũng có thể thực hiện được. Quan trọng là quy trình thực hiện và giám sát ra sao. Theo tôi, nên kết hợp một đơn vị vừa lập phương án vừa thực hiện thì sẽ đảm bảo theo quy trình.

 

Chủ công trình khi phá dỡ hiện không dám cam kết với các hộ dân lân cận về tính an toàn. UBND phường Bưởi khi cưỡng chế phá dỡ nhà 13 tầng còn thông báo với người dân rằng không tránh khỏi không an toàn và tiếng ồn, ông nghĩ sao về vấn đề này?

 

Thông báo như vậy là chính quyền phường không có trách nhiệm với người dân, mà còn gây hoang mang. Chủ đầu tư hay chính quyền phải cam kết đảm bảo an toàn cho người dân. Bà con sống xung quanh phải ủng hộ chủ đầu tư. Thậm chí, để đảm bảo an toàn cho dân cư, thì chính quyền phải cấm đường, sơ tán dân. Người dân cần hợp tác thực hiện.

 

Nhiều người cho rằng tòa nhà sau khi phá dỡ sẽ nguy hiểm nếu sử dụng, là một chuyên gia đầu ngành, ông đánh giá về chất lượng các công trình này ra sao?

 

Nếu phá dỡ đúng quy trình sẽ không quá phức tạp, không ảnh hưởng tới chất lượng công trình bên dưới. Thay vì phải gánh đỡ thêm 4-5 tầng thì nay tòa nhà không phải chịu lực thêm nữa.

 

Một tòa nhà bị cắt 4 tầng, diện tích sàn 600 m2 ở phường Quảng An được thực hiện trong 2 tháng, ông nhận xét ra sao về tiến độ?

 

Nếu tổ chức khoa học, có đủ phương tiện thì thời gian phá dỡ như vậy là quá dài. Tiến độ phụ thuộc quyết tâm của người thực hiện.

 

Theo Đoàn Loan

VnExpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm