Sebastĩao Ribeiro Salgado là một phóng viên ảnh nổi tiếng trên thế giới người Brazil.
Tuy nhiên, ít ai biết ông cũng là người đứng đằng sau dự án phục hồi môi trường tuyệt vời nhất trong lịch sử. Người đàn ông này cùng với vợ đã hoàn thành quá trình trồng hàng triệu cây non nhằm trả lại màu xanh cho khu rừng cằn cỗi nằm ngay tại trang trại của gia đình.
Sebastĩao Ribeiro Salgado và vợ đã lập một tổ chức phi lợi nhuận có tên Instituto Terra hồi năm 1998. Trước đó, ông rời khỏi châu Phi, sau khi có những năm tháng chụp ảnh về thảm kịch chiến tranh ở Rwanda. Lúc con trai về Brazil, cha mẹ ông đã cho 2 vợ chồng trang trại cũ - nơi đã chứng kiến những năm tháng thơ ấu. Từ trong thâm tâm của mình, Sebastĩao nghĩ đó là thiên đường bình dị giúp chữa lành những vết thương tâm lý sau nhiều năm chụp ảnh về chiến tranh, tuy nhiên mọi thứ không như ông tưởng tượng. Trang trại nơi Sebastĩao Ribeiro Salgado lớn lên rộng hơn 7.000 m2 nằm ở bang Minas Gerais, Brazil. Khi còn là một cậu bé, những cánh rừng bao phủ một nửa trang trại của gia đình và phần còn lại là màu xanh ngập tràn ở thung lũng Rio Doce, đó cũng là mái nhà của hệ động vật phong phú. Tuy nhiên, khi quay về Brazil vào những năm 1990, mọi thứ đã đổi thay hoàn toàn trước mắt nhiếp ảnh gia. Ông nhớ lại khung cảnh lúc đó, mọi thứ đều bị hủy hoại, chỉ có khoảng 0,5% diện tích đất có cây bao phủ. Nguyên nhân do cha của Sebastĩao Ribeiro Salgado đốn cây, bán gỗ rồi trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc. Sau tất cả, thung lũng Rio Doce từ thiên đường đa dạng sinh học hóa thành sa mạc, các con vật cũng bỏ đi tìm mái nhà mới. Nhìn thấy khung cảnh trước mắt, Sebastĩao Ribeiro Salgado và vợ quyết định hồi sinh cánh rừng. Chính vợ ông đã nảy ra ý tưởng trồng lại khu rừng. Nhờ sự nỗ lực của 2 vợ chồng, chim chóc, các loài động vật quay trở về và được tái sinh. Đầu tiên, Sebastĩao Ribeiro Salgado thuê 20 người nhổ hết cỏ mà cha của ông đã trồng rồi trồng 100.000 cây giống, nhận đóng góp tài chính từ các cơ quan, tổ chức trên khắp thế giới nhằm tái sinh khu rừng đã mất. Các cây được chọn trồng là thông Brazil và cây họ đậu nhằm giúp khôi phục lượng ni tơ trong đất đã bị cạn kiệt, tạo bóng râm làm nơi trú thân của chim cũng như côn trùng. Sau đó 5-10 năm có thể trồng các cây bản địa. Tuy nhiên, việc khôi phục cánh rừng không hề đơn giản. Khoảng 3/4 cây non mới trồng đã bị chết do các loài ăn lá tấn công, 2 vợ chồng phải dùng mồi bằng kiến nhằm ngăn chặn chúng. Sau mỗi năm, số lượng cây non bị chết giảm, đến năm 2002 tổ chức do Sebastĩao Ribeiro Salgado và vợ lập có vườn ươm riêng nhằm chủ động nguồn cây giống. Việc tái sinh khu rừng không hề dễ dàng và rất tốn kém. Mặc dù được nhận các khoản đóng góp từ nhiều nguồn, song 2 vợ chồng phải bỏ cả tiền túi. Năm 2005, khi dự án cần tiền, ông Sebastĩao đành bán đấu giá máy ảnh Leica M7 với giá 107.500 USD đủ kinh phí để trồng hơn 30.000 cây. Trong 20 năm qua, thung lũng Rio Doce đã thay đổi kinh ngạc, nơi từng là mảnh đất cằn cỗi giờ đây là khu rừng rộng hơn 7.000m2 tràn trề sức sống. Trong rừng có hơn 4 triệu cây bản địa được ươm giống tại vườn của tổ chức Instituto Terra, 60% lượng nước mưa có thể được giữ lại nhiều hơn so với mảnh đất cằn cỗi trước đây. Khu rừng do vợ chồng Sebastĩao hồi sinh có thể quy mô nhỏ so với nhiều cánh rừng ở Brazil hay trên trái đất, nhưng đó là bằng chứng cho thấy không bao giờ quá muộn để tái sinh những gì mà con người đã gây ra cho môi trường sống. Trong 20 năm, 2 vợ chồng Sebastĩao đã làm nên điều ý nghĩa tại Brazil, nếu như tất cả chúng ta cùng hướng đến tái sinh những cánh rừng thì kết quả còn lớn hơn rất nhiều.