1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cấp phù hiệu cho người dân sống trong khu phố đi bộ

(Dân trí) - Theo đề án Sở Giao thông vận tải Hà Nội trình UBND, người dân trong khu vực trực tiếp triển khai tuyến phố đi bộ sẽ được cấp phù hiệu riêng để dắt xe vào nhà hoặc gửi xe tại 14 bãi (rộng gần 6.000m2) do Sở Giao thông và UBND quận bố trí.

14 điểm đỗ xe rộng gần 6.000m2 phục vụ phố đi bộ

Đảm bảo việc tổ chức tuyến phố đi bộ không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân trong khu vực, Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ bố trí các điểm gửi xe cho người dân sinh sống tại khu vực phố đi bộ với khoảng cách từ vị trí gửi xe đến nhà không quá 500m. Trong dịp lễ hội lớn sẽ tận dụng thêm các tuyến phố lân cận khu vực tổ chức đi bộ để tăng khả năng phục vụ nhu cầu gửi xe.
 
Cấp phù hiệu cho người dân sống trong khu phố đi bộ - 1
Phố đi bộ sẽ tạo ra nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nội

Đối với xe máy, ô tô của người dân sống trong khu vực tổ chức phố đi bộ, cũng như du khách được gửi vào 14 điểm trông giữ có tổng diện tích lên đến 5.670m2, Sở Giao thông vận tải đề xuất. Ngoài ra, Sở này cũng có kế hoạch tăng khả năng phục vụ gửi xe tại các điểm trông giữ ô tô Phùng Hưng, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật… vào các dịp lễ lớn.

Trong không gian đi bộ sẽ tạo ra một khu vực phát triển thương mại, du lịch tham quan các di tích lịch sử phù hợp tạo nét đặc trưng văn hóa của khu vực phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Lê Lai, Lê Thạch, Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Tràng Tiền (từ đầu Hàng Khay đến Ngô Quyền).

Cụ thể khu vực Hàng Đào - Đồng Xuân được bố trí 5 điểm gửi xe ở các Phố Hàng Gai (rộng 175m2, đoạn Lương Văn Can - Hàng Đào); bãi đỗ cạnh điểm trung chuyển xe buýt (đối diện trung tâm thương mại bờ Hồ, rộng 1.600m2); bãi gửi xe ở phố Hàng Đào (60m2); Hàng Ngang (60); Đồng Xuân (bãi gửi xe rộng 420m2, cạnh phố Hàng Khoai).

Khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm được bố trí 9 bãi gửi xe, ở các phố Đinh Tiên Hoàng (rộng 120m2, cạnh Cty Vàng bạc đá quý); bãi gửi xe ở phố Hàng Đậu (rộng 240m2, giáp bờ Hồ); phố Trần Nguyên Hãn (rộng 450m2, cạnh điện lực Hà Nội); bãi ở phố Lò Sũ; dốc Lương Văn Can; phố Lê Thái Tổ (rộng 750m, phần đường trước nhà hàng 4 mùa); phố Hàng Trống; Lê Lai; Lê Thạch.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết, tổng diện tích đáp ứng cho người dân khu vực trực tiếp triển khai tuyến phố đi bộ là 3.823m2. Diện tích dự phòng còn lại là 1.847m2 (sức chứa trên 600 xe máy) dành cho việc trông giữ xe đạp, xe máy của khách đến tham quan, mua sắm tại khu vực triển khai tuyến phố đi bộ. Trường hợp đặc biệt, vào các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước khi lưu lượng phương tiện tăng đột biến sẽ tận dụng các tuyến phố lân cận khu vực triển khai tuyến phố đi bộ để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu gửi xe.

“Cẩm nang” đi lại tại phố đi bộ

Sở Giao thông vận tải cho biết, nguyên tắc tổ chức giao thông khi triển khai tuyến phố đi bộ đó là không tổ chức kinh doanh dưới lòng đường để không ảnh hưởng đến việc đi bộ của nhân dân.
Cấp phù hiệu cho người dân sống trong khu phố đi bộ - 2
Nhiều người dân mong mỏi có tuyến phố đi bộ dịp cuối tuần

Người dân trong khu vực trực tiếp triển khai tuyến phố đi bộ được cấp phù hiệu riêng để dắt xe vào nhà hoặc gửi xe tại các bãi xe do Sở Giao thông và UBND quận bố trí. Còn khi đã đưa phương tiện (xe máy, xe đạp) ra khỏi khu vực phố đi bộ trong thời gian quy định, người dân có thể gửi vào tại các bãi gửi xe đến hết thời gian quy định mới đưa phương tiện về hoặc dắt phương tiện vào nhà. Xe ô tô được gửi tại các bãi đỗ xe quy định như điểm trông giữ ô tô Phùng Hưng, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật…

Đối với ô tô thuộc các cơ quan có trụ sở tại khu phố tổ chức đi bộ được cấp phù hiệu và để trong khu vực cơ quan. Đối với xe công vụ, thư báo, đưa đón học sinh… sẽ được xem xét cấp phù hiệu để đi vào các tuyến phố trên với điều kiện xe ô tô chỉ được chạy với vận tốc dưới 15km/h và theo sự hướng dẫn của người điều khiển giao thông.

Sở Giao thông vận tải cho phép xe điện được hoạt động trong khu vực phố đi bộ phục vụ khách du lịch. Các phương tiện vệ sinh môi trường, vận tải hàng hóa… sẽ được vào các tuyến phố đi bộ từ 22h đến 6h sáng.

Đối với xe chở khách du lịch sẽ bố trí đón trả khách tại vị trí điểm đỗ xe Trần Quang Khải hoặc trước cửa Nhà hát lớn thành phố. Sau đó khách sẽ đi bộ hoặc di chuyển bằng xe điện. Các tuyến xe buýt có lộ trình tuyến đi qua khu vực hồ Hoàn Kiếm sẽ được điều chỉnh tại khu vực tuyến phố lân cận theo nguyên tắc gần nhất khu vực tuyến phố đi bộ.

Phương án tổ chức giao thông tại các nút giao thông với tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân sẽ lắp đặt ngay hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Người đi bộ và các dòng phương tiện khi tham gia giao thông qua khu vực phố đi bộ đều phải chấp hàng đèn tín hiệu điều khiển giao thông để đảm bảo an toàn.

Trong thời gian đầu triển khai tuyến phố đi bộ sẽ bố trí thêm người điều khiển giao thông tại các nút giao để hỗ trợ và điều tiết giao thông. Việc này cũng nhằm tạo thói quen cho người tham gia giao thông.

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm