(Dân trí) - Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành khởi công năm 2014, dự kiến hoàn thành năm 2018, tuy nhiên do khó khăn về vốn nên lùi sang năm 2023. Dự án vẫn "đắp chiếu" hơn 1 năm nay do chưa được cấp vốn.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành khởi công năm 2014, dự kiến hoàn thành năm 2018, tuy nhiên do khó khăn về vốn nên lùi sang năm 2023. Dự án vẫn "đắp chiếu" hơn 1 năm nay do chưa được cấp vốn.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công xây dựng vào tháng 7/2014. Đây là dự án trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam, là dự án đường bộ cao tốc lớn nhất miền Nam, có tổng chiều dài hơn 57km đi qua địa phận TPHCM, tỉnh Long An và Đồng Nai.
Dự án do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2018.
Tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 31.320 tỷ đồng (tương đương 1.607 triệu USD).
Trong đó, vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) là 636 triệu USD, vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là 635 triệu USD và vốn đối ứng ngân sách Nhà nước là 337 triệu USD. Tính toán từ số vốn này cho thấy suất đầu tư đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có giá 25,8 triệu USD/km.
Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/h. Do dự án qua vùng địa chất, thủy văn rất phức tạp nhiều sông ngòi, vùng sình lầy nên phải xây dựng hơn 20km cầu và cầu cạn.
Trong đó, dự án có 2 điểm nhấn đặc biệt là 2 cầu lớn có kết cấu dây văng và có tĩnh không thông thuyền cao nhất Việt Nam là 55m - cầu Bình Khánh và cầu Phước Khánh.
Cầu Bình Khánh (qua sông Soài Rạp) với tổng vốn đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng. Cầu dài 2,76km nối huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ của TPHCM.
Cầu Phước Khánh (qua sông Lòng Tàu) với tổng mức đầu tư gần 2.900 tỷ đồng. Cầu dài 3,18km nối huyện Cần Giờ, TPHCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Đây là dự án trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội phía Nam, tuy nhiên dự án đã tạm ngưng thi công hơn 1 năm nay do chờ cấp vốn. Đến nay, dự án đạt khoảng 80% khối lượng công việc.
Dự án có 11 gói thầu, trong đó đoạn tuyến phía Tây là 5 gói (A1, A2-1, A2-2, A3 và A4) và đoạn tuyến phía Đông 3 gói (A5, A6 và A7) cùng sử dụng vốn ADB thông qua 2 hiệp định vay; 3 gói sử dụng vốn JICA là J1, J2 và J3.
Do khó khăn nguồn vốn nên dự án từng được gia hạn thời gian hoàn thành vào cuối năm 2020 và mới đây là cuối năm 2023 để làm cơ sở gia hạn hiệp định vay, cấp vốn cho dự án được tiếp tục.
Ngoài việc chưa có vốn thi công, dự án cũng nợ nhà thầu Nhật Bản khoảng 15 triệu USD cho khối lượng công việc đã hoàn thành tại các gói thầu sử dụng vốn JICA là J1 - cầu Bình Khánh và J3 - cầu Phước Khánh.
Trong khi gói J2 được xem là cầu nối đã hoàn thành thì cầu Phước Khánh tạm ngưng thi công từ tháng 9/2019 (thi công 80% khối lượng) và cầu Bình Khánh cũng ngưng từ tháng 10/2019 (gần 80% khối lượng).
Không riêng nguồn vốn nước ngoài, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng đang gặp khó khăn về vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng tại TPHCM và Đồng Nai.
Trao đổi với PV Dân trí, đại diện Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam (thuộc VEC), cho biết hiện dự án đang chờ cấp vốn nên tất cả các gói thầu đều tạm ngưng thi công. Nếu có vốn để tái khởi động thì cũng phải đợi qua Tết mới có thể huy động được nhân công.
"Các gói thầu ngưng hết, chỉ bên phía Đồng Nai còn thi công "lai rai" và cũng đang gom gọn rồi chờ qua Tết Nguyên đán mới tính tiếp", vị này nói.