DNews

TPHCM mới hội tụ động lực để vươn tầm thế giới

Q.Huy

(Dân trí) - Hợp nhất TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu là bước ngoặt lịch sử. TPHCM mới được kỳ vọng trở thành siêu đô thị quốc tế.

TPHCM mới hội tụ động lực để vươn tầm thế giới

Sáng 30/6, TPHCM cùng cả nước bước sang giai đoạn phát triển mới, đánh dấu bước ngoặt lịch sử khi các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về hợp nhất đơn vị hành chính, tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được công bố. Những sự thay đổi lớn này mở ra hành trình mới với tầm vóc, không gian được mở rộng đối với đô thị đông dân nhất cả nước sau sáp nhập.

Tại lễ công bố các quyết định ở điểm cầu TPHCM, Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đã khẳng định là ba cực phát triển mạnh mẽ ở phía Nam - nơi quy tụ những thành tựu vượt trội về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, cảng biển và hội nhập quốc tế. Việc hợp nhất không gian ba địa phương không phải là sự cộng gộp đơn thuần, mà là sự kết tinh trí tuệ và ý chí phát triển chung, để hình thành một siêu đô thị - trung tâm tài chính, sản xuất, logistics và đổi mới sáng tạo mang tầm khu vực và thế giới.

TPHCM mới hội tụ động lực để vươn tầm thế giới - 1

Tổng Bí thư Tô Lâm trao quyết định thành lập TPHCM mới và chỉ định nhân sự lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM mới (Ảnh: Hữu Khoa)

"Đây là thử thách, nhưng cũng là cơ hội lịch sử. Sự thành công của thành phố mới không thể chỉ đến từ văn bản hay nghị quyết, mà phải đến từ sự đồng thuận trong dân, sự quyết liệt trong lãnh đạo, và sự tận tâm trong thực thi", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Cuộc cách mạng về tầm nhìn và khát vọng

Tại buổi làm việc gần nhất với TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu trước ngày sáp nhập, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc hợp nhất TPHCM với Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương đánh dấu bước chuyển mình mang tính bước ngoặt chưa từng có trong lịch sử phát triển đô thị Việt Nam. Đây là việc tái cấu hình toàn diện không gian phát triển, nơi ba cực kinh tế năng động bậc nhất cả nước hội tụ thành một siêu đô thị - tài chính - công nghiệp - cảng biển.

"Tầm nhìn mới cho TPHCM mới là trở thành “siêu đô thị quốc tế” của Đông Nam Á - một đô thị thông minh, xanh, sáng tạo, tiêu biểu không chỉ về sức mạnh kinh tế mà cả sự phong phú về văn hóa, nghệ thuật, thể thao, giải trí và phong cách sống hiện đại, năng động", Tổng Bí thư nêu rõ yêu cầu.

TPHCM mới hội tụ động lực để vươn tầm thế giới - 2

Tổng Bí thư Tô Lâm trong lễ công bố các quyết định sáp nhập tỉnh, thành, tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại TPHCM (Ảnh: Hữu Khoa).

Trên bình diện cả nước, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, cho rằng, việc tổ chức lại nền hành chính lần này là cuộc cách mạng mang tính lâu dài và có tầm nhìn dài hạn. Việc sáp nhập, hợp nhất các tỉnh, thành, tổ chức lại bộ máy chính quyền địa phương cũng thể hiện sự quyết tâm khắc phục các vấn đề về thể chế, tổ chức bộ máy và công tác cán bộ.

Nhìn nhận về thời cơ và vận hội của TPHCM mới sau khi sáp nhập 3 địa phương, TS Trần Du Lịch cho rằng, TPHCM có đủ nền tảng để trở thành một siêu đô thị với nhiều đặc điểm mà không có đô thị nào ở Đông Nam Á sánh được. TPHCM mới hội tụ được lợi thế của các đô thị riêng lẻ, là trung tâm công nghiệp lớn, trung tâm tài chính, thương mại, du lịch biển đảo và nhiều lĩnh vực khác.

Không có nơi nào hội tụ động lực tăng trưởng mạnh như TPHCM mới.
TS Trần Du Lịch

"TPHCM mới sẽ có trung tâm tài chính, có khu thương mại tự do đã quy hoạch ở Cái Mép - Thị Vải. Như vậy, động lực tăng trưởng của thành phố mới là công nghiệp, thương mại quốc tế, hàng hải, logistics, tài chính và đặc biệt là công nghệ cao. Không có nơi nào hội tụ động lực tăng trưởng mạnh như vậy, chưa kể đây là địa phương cực kỳ hấp dẫn để phát triển một đô thị thông minh, hiện đại", TS Trần Du Lịch phân tích.

Hiện tại, TPHCM mới bước vào giai đoạn chuyển mình chiến lược để giữ vị thế đầu tàu kinh tế quốc gia, vươn tầm khu vực. Điểm nhấn thể chế nổi bật của thành phố là đề án Trung tâm Tài chính quốc tế, với kỳ vọng là nơi thử nghiệm thể chế mới, công nghệ tài chính tiên tiến, mô hình quản trị hiện đại.

Bình Dương là địa phương tiêu biểu cho hành trình 40 năm đổi mới, từ một tỉnh nông nghiệp truyền thống vươn lên thành tỉnh công nghiệp và đô thị hàng đầu cả nước, thu nhập bình quân đầu người chạm ngưỡng 200 triệu đồng, cao hơn TPHCM và Hà Nội. Địa phương cũng tạo ra những mô hình phát triển hiện đại như khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ tích hợp, chuỗi kết nối vùng nhiều nhất cả nước

TPHCM mới hội tụ động lực để vươn tầm thế giới - 3

TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 (Ảnh: Q.Huy).

Bà Rịa - Vũng Tàu vươn mình thành trung tâm kinh tế biển với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, là một trong 21 cảng nước sâu hàng đầu thế giới, đang được đầu tư mở rộng, hiện đại hóa thành trung tâm trung chuyển quốc tế lớn nhất cả nước, có năng lực cạnh tranh ở châu Á và toàn cầu. Ngoài ra, đặc khu Côn Đảo đang được nghiên cứu thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để trở thành trung tâm du lịch, sinh thái tầm vóc quốc tế trên cơ sở giữ gìn các bản sắc, giá trị linh thiêng.

Ngay từ cuộc làm việc đầu tiên của Ban Chỉ đạo xây dựng đề án sắp xếp, hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và TPHCM, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng Ban chỉ đạo, đã nhận định việc sáp nhập TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu theo chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư không chỉ là sự thay đổi về địa giới, mà còn là cuộc cách mạng về tổ chức, tư duy, tầm nhìn và khát vọng.

Khi 3 tỉnh, thành phố năng động bậc nhất Việt Nam kết hợp lại, TPHCM mới mở ra cơ hội để hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai, xây dựng một siêu đô thị hiện đại, có sức lan tỏa mạnh mẽ, là đầu tàu dẫn dắt sự phát triển kinh tế của Việt Nam và nâng cao vị thế trên trường quốc tế. TPHCM mới là nơi gắn kết bản sắc văn hóa, truyền thống, lịch sử 3 địa phương, tạo khối đoàn kết, thống nhất đa dạng hơn, phong phú hơn, đậm đà hơn, nhân văn hơn và không gian văn hóa Hồ Chí Minh được lan tỏa sâu rộng hơn.

Tất cả vì lợi ích nhân dân

Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh quan điểm, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là vì lợi ích của nhân dân, nhằm nâng cao hiệu quả của bộ máy Nhà nước, cải cách hành chính, năng lực phục vụ người dân và doanh nghiệp. Với việc trở thành siêu đô thị hơn 14 triệu dân sau khi hợp nhất, mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp càng khẳng định vai trò then chốt trong việc vận hành hiệu quả bộ máy, đáp ứng yêu cầu phát triển của TPHCM mới.

TPHCM mới hội tụ động lực để vươn tầm thế giới - 4

Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi khảo sát phường Xuân Hòa, TPHCM (Ảnh: Q.Đ.).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, một vị chủ tịch UBND cấp huyện tại TPHCM trước hợp nhất, vừa đảm nhiệm vai trò lãnh đạo phường mới, cho rằng, điểm thuận lợi, khác biệt đầu tiên và dễ thấy nhất của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là cho phép địa phương giải quyết nhanh chóng những vấn đề phát sinh ngay tại địa bàn. Trước đây, khi phát sinh vấn đề từ cơ sở, phường, xã thường phải báo cáo lên quận hoặc huyện, rồi từ đó mới chuyển tiếp lên thành phố. Quy trình này mất thời gian và có thể làm chậm việc xử lý.

Mô hình mới với chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, nhiều nội dung được giao về cho cấp phường giải quyết trực tiếp. Những vấn đề của người dân sẽ được giải quyết sớm từ cấp cơ sở.

Theo vị lãnh đạo phường mới, đây là bước đi rất tích cực vì giúp làm rõ ràng hơn trách nhiệm giữa các cấp chính quyền, từ phường đến thành phố. Khi quyền hạn đi liền với trách nhiệm cụ thể, việc phục vụ người dân, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng, hiệu quả hơn.

TPHCM mới hội tụ động lực để vươn tầm thế giới - 5

Buổi thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại TPHCM trước ngày chính thức vận hành (Ảnh: Bảo Quyên).

"Về mặt quản lý, không ai hiểu rõ địa bàn, hiểu người dân bằng chính quyền cơ sở. Cán bộ ở phường nắm rõ từng tuyến hẻm, từng hộ dân, biết được họ cần gì, mong mỏi điều gì. Do đó, khi được trao quyền, cấp phường sẽ chủ động, linh hoạt và thực sự sát dân, gần dân hơn", vị lãnh đạo phường mới của TPHCM nhận định.

Giai đoạn mang tính bước ngoặt lịch sử cũng đòi hỏi năng lực, trách nhiệm, khả năng thích ứng với công việc cao hơn của đội ngũ nhân sự cấp phường. Đây cũng là cơ hội để rà soát, đánh giá lại nhân sự, hướng tới việc tổ chức một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả để vận hành mô hình mới.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó bí thư Thành ủy TPHCM, khẳng định, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là yêu cầu cấp thiết dựa trên thực trạng của bộ máy, quá trình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. 

Nguyên lãnh đạo TPHCM cho rằng, với sự phát triển của khoa học, công nghệ, cách thức tổ chức hoạt động, vận hành của nhiều lĩnh vực đã thay đổi và cần tiếp tục cải thiện theo hướng hiệu quả hơn, trong đó có nền hành chính và công vụ. Do đó, việc sử dụng nhiều nhân sự cho các công việc mà máy tính, phần mềm có thể xử lý là không cần thiết.

TPHCM mới hội tụ động lực để vươn tầm thế giới - 6
TPHCM mới hội tụ động lực để vươn tầm thế giới - 7
TPHCM mới hội tụ động lực để vươn tầm thế giới - 8

"Đây là cơ sở và tiền đề để không tiếp tục tổ chức cấp chính quyền trung gian. Sự tham gia của các lực lượng sản xuất mới như dữ liệu, sức mạnh tính toán, trí tuệ nhân tạo đã và sẽ thay đổi rất lớn nền hành chính hiện nay, hướng đến phục vụ, quản trị theo kết quả", nguyên Phó bí thư Thành ủy TPHCM nêu góc nhìn.

Tại lễ công bố sáp nhập tỉnh, thành và tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sáng 30/6, Tổng Bí thư Tô Lâm gửi gắm thông điệp, việc tổ chức lại địa giới hành chính, vận hành mô hình chính quyền địa phương mới là yêu cầu khách quan và tất yếu của sự nghiệp phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là cơ hội quý báu để đổi mới tư duy lãnh đạo, đổi mới phương thức quản lý Nhà nước, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng quản trị quốc gia và tăng cường hiệu quả phục vụ nhân dân.

"Tôi kêu gọi các cấp chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, công chức, viên chức, người lao động hãy chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy và hành động, nắm bắt xu thế phát triển, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để hướng tới một nền hành chính phục vụ, hiện đại, minh bạch, của dân, do dân và vì dân", Tổng Bí thư Tô Lâm gửi gắm.