1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Cao tốc Bến Lức - Long Thành: 25,8 triệu USD/km là đắt hay rẻ?

(Dân trí) - Bến Lức - Long Thành là dự án đường cao tốc lớn nhất miền Nam nước ta với suất đầu tư xây dựng được phê duyệt là 25,8 triệu USD/km. Nhiều người cho rằng mức chi phí này quá cao, nhưng chủ đầu tư dự án khẳng định số tiền đó không thể thấp hơn.

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công xây dựng vào tháng 7/2014. Đây là dự án trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam, là dự án đường bộ cao tốc lớn nhất miền Nam, có tổng chiều dài toàn dự án là 57,1 km đi qua địa phận 3 tỉnh và thành phố là TPHCM, tỉnh Long An và Đồng Nai. Dự án do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2018.

Tổng mức đầu tư (giai đoạn I) là 31.320 tỷ đồng (tương đương 1.607 triệu USD); trong trong đó vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) là 636 triệu USD, vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là 635 triệu USD và vốn đối ứng ngân sách Nhà nước là 337 triệu USD. Tính toán từ số vốn này cho thấy mỗi km đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có giá 25,8 triệu USD.

Nhìn vào con số nói trên, nhiều người “hốt hoảng” cho rằng mức chi phí xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành quá cao, thậm chí so sánh mặt bằng chung còn cao hơn các nước trên thế giới.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành: 25,8 triệu USD/km là đắt hay rẻ?
Cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công xây dựng năm 2014, trên tuyến có 2 cầu dây văng rất lớn vượt sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Mai Tuấn Anh - Tổng Giám đốc VEC - khẳng định: “Đầu tư xây đường cao tốc của Việt Nam không cao so với các nước. Suất đầu tư của Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành cao là do tuyến phải đi qua vùng địa chất, thủy văn rất phức tạp thuộc vùng ven biển, cửa sông ở khu vực Đông Nam Bộ”.

Ông Mai Tuấn Anh cho rằng, cần so sánh một cây cầu dây văng của mình với các nước đang làm hoặc thi công trên cùng một tuyến đường, chứ không thể nói chung chung. Bởi ở Mỹ, một con đường được xây dựng thì chỉ có đường và không có cầu, cống. Còn Việt Nam, cứ 500 m đường lại có một hầm dân sinh, mỗi hầm giá trị vài tỷ đồng bởi nó liên quan đến văn hóa sinh hoạt của người dân, khoảng 10 km lại phải có một nút giao, mà mỗi nút giao cần chi phí khoảng 500 - 1.000 tỷ đồng.

“Nghe nói cần đến 25,8 triệu USD/km thì rất cao nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Nếu chỉ nhìn con số rồi nhận xét là giá cao thì tôi cho rằng góc độ thông tin chưa thật đầy đủ và thỏa đáng. Đây là công trình rất đặc biệt, có đoạn phải đi qua khu vực sinh quyển rừng Cần Giờ trên nền đất rất yếu nên dù chỉ dài khoảng 57 km nhưng phải xây dựng hai cầu dây văng rất lớn vượt sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp.

Dự án có hơn 20 km cầu cạn, lại là cầu đôi và một phần dự án đi qua đường Vành đai 3 (TP HCM) nên cần đến 8 nút giao. Chi phí mỗi nút giao khoảng từ 500 tỷ đồng đến cả nghìn tỷ đồng. Nếu chỉ nhìn vào khoảng cách 57 km mà không phân tích hết các yếu tố cụ thể sẽ không thấy được. Dự án này rất đặc thù, chúng tôi đều phải đấu thầu theo tiêu chuẩn quốc tế để lựa chọn nhà thầu, kết quả chọn thầu do JICA phê duyệt. Các dự án giao thông, thanh tra, kiểm toán Nhà nước đều làm rất chặt” - ông Mai Tuấn Anh lý giải.

Cũng theo Tổng Giám đốc VEC, chi phí giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành rất lớn. Chỉ riêng khu vực TPHCM, chi phí giải phóng mặt bằng cho các khu vực Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ… đã hơn 3.100 tỷ đồng, chiếm phần lớn trong tổng chi phí giải phóng mặt bằng của toàn dự án (trên 4.600 tỷ đồng).

Trên thực tế, suất đầu tư xây dựng đường cao tốc tại Việt Nam không phải là chuyện bây giờ mới được đặt ra. Từ năm 2013 Bộ Xây dựng đã có báo cáo Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ về suất đầu tư đường cao tốc, Bộ này khẳng định: Suất đầu tư xây dựng đường cao tốc bốn làn xe tại Việt Nam không đắt hơn các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Ở khu vực châu Á, suất đầu tư của Việt Nam tương đương với Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc và Nhật Bản; với khu vực châu Âu và Mỹ thì suất đầu tư đường cao tốc của Việt Nam cũng mức tương đương và thấp hơn.

Theo Bộ Xây dựng, để so sánh được suất đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc tại Việt Nam với các nước trong khu vực nói riêng và thế giới nói chung thì cần phải có những dự án tương đồng về điều kiện địa hình, địa chất và các tiêu chuẩn thiết kế… Nhưng thực tế không thể thu thập được những dự án có điều kiện tương đồng theo các cơ sở này để thực hiện so sánh chuẩn mực.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm