1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cảnh sát môi trường không được nhận đơn thư, giải quyết công việc tại nhà riêng

(Dân trí) - “Cảnh sát môi trường không được nhận đơn, thư và giải quyết công việc cho cá nhân tại nhà riêng hoặc bất cứ nơi nào ngoài trụ sở cơ quan, trừ trường hợp cấp bách cá nhân đến báo tin về tội phạm, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm”.

Bộ Công an vừa công bố dự thảo lần 2 Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác của Cảnh sát môi trường để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.

Theo dự thảo, trụ sở, nơi làm việc của Cảnh sát môi trường; số điện thoại trực ban đơn vị, người có thẩm quyền giải quyết các đơn, thư, tin báo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm phải được thông báo công khai

Cảnh sát môi trường có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân giải trình về những hành vi có dấu hiệu tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

Cảnh sát môi trường không được nhận đơn thư, giải quyết công việc tại nhà riêng - 1

Cảnh sát môi trường đang thực thi nhiệm vụ (Ảnh minh hoạ: Bộ Công an).

Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát môi trường khi làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có kế hoạch công tác, chuẩn bị kỹ nội dung làm việc; dự kiến các tình huống đột xuất và phương án giải quyết các tình huống đó.

“Khi tiếp xúc, làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân phải giữ đúng lễ tiết tác phong, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Sau khi kết thúc buổi tiếp xúc, làm việc phải báo cáo kết quả với lãnh đạo có thẩm quyền để quyết định”- dự thảo nêu rõ.

Không được nhận quà biếu dưới mọi hình thức.

Dự thảo thông tư cũng đề xuất quy định cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát môi trường không được tiết lộ bí mật, tin tức, tài liệu vụ việc đang điều tra, xác minh khi chưa được phép công khai đối với những người không có trách nhiệm dưới bất kỳ hình thức nào.

Trường hợp nhận được yêu cầu cung cấp tin tức, tài liệu của các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan khác có liên quan về nội dung vụ việc do mình được giao nhiệm vụ tiến hành điều tra, xác minh thì phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền.

Không được lợi dụng danh nghĩa công tác đến các cơ quan, tổ chức hoặc gặp riêng cá nhân để sách nhiễu, móc ngoặc, tiêu cực, không được nhận quà biếu dưới mọi hình thức.

Đặc biệt, không được tuỳ tiện tiếp xúc với đối tượng đang bị điều tra và những người có liên quan đến các vụ việc đang điều tra. Trường hợp đối tượng tự ý tìm gặp thì phải báo ngay cho lãnh đạo đơn vị biết để có hướng xử lý. Chỉ được tìm hiểu, xác minh những nguồn tin, đơn, thư tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi được lãnh đạo phân công.

“Cảnh sát môi trường không được nhận đơn, thư và giải quyết công việc cho cá nhân tại nhà riêng hoặc bất cứ nơi nào ngoài trụ sở cơ quan, trừ trường hợp cấp bách cá nhân đến báo tin về tội phạm, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm”- dự thảo nhấn mạnh.

Theo điều 8 dự thảo thông tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia ý kiến với lãnh đạo cơ quan công an nói chung và thủ trưởng đơn vị Cảnh sát môi trường về hoạt động của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát môi trường; kịp thời phản ánh những hành vi sách nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát môi trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời phát hiện, cung cấp thông tin, tài liệu về tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm cho Cảnh sát môi trường hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất. Nguồn tin và người phát hiện, cung cấp thông tin được đảm bảo giữ bí mật theo quy định của pháp luật.

Thế Kha