1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cảnh sát giao thông bụng to sẽ không được ra đường làm nhiệm vụ?

Tiến Nguyên

(Dân trí) - Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông, lực lượng CSGT sẽ đưa ra các bài kiểm tra sức khỏe, năng lực của các chiến sĩ. Dự kiến, những chiến sĩ có vòng 2 to sẽ không được ra đường làm nhiệm vụ.

Ngày 29/9, Cục Cảnh sát giao thông (C08 - Bộ Công an) thông tin về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Hiện dự thảo luật này đang được Quốc hội xem xét.

Cảnh sát giao thông bụng to sẽ không được ra đường làm nhiệm vụ? - 1
Đại tá Đỗ Thanh Bình thông tin với báo chí chiều 29/9.

Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó cục trưởng Cục CSGT - khẳng định, Bộ Công an cam kết chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về an toàn giao thông. Yêu cầu trên của lãnh đạo Bộ Công an nhằm phục vụ người dân tốt hơn, nâng cao năng lực của cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ ngoài đường.

Theo Đại tá Bình, Cục CSGT sẽ nghiên cứu, đưa ra các bài kiểm tra sức khỏe, năng lực, các tiêu chí về cân nặng, chiều cao và số đo vòng 2 của các chiến sĩ CSGT trước khi tuyển chọn làm nhiệm vụ ngoài đường.

“Anh nào vòng 2 to không cho ra đường luôn, sẽ kiểm tra kiến thức từng cán bộ một” - Phó Cục trưởng C08 nói.

Đại tá Bình cho hay, dù chưa thống kê nhưng trong thực tế đang có cán bộ, chiến sĩ vòng bụng to làm nhiệm vụ điều tiết, xử lý vi phạm trên đường. Việc này sẽ dẫn đến khó khăn trong những tình huống khẩn cấp như truy bắt tội phạm, giải cứu người gặp nạn hay giải quyết các công việc cần sức bền và sự nhanh nhạy.

Dự kiến, Cục CSGT sẽ điều chuyển những cán bộ, chiến sĩ không đủ điều kiện làm nhiệm vụ ngoài đường do vòng bụng to đến làm công việc văn phòng hoặc vị trí khác phù hợp hơn. Khi được ban hành, quy định này sẽ áp dụng cho CSGT trên toàn quốc.

Luật mới “đặt con người là trung tâm”

Giới thiệu về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Đại tá Đỗ Thanh cho rằng, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 điều chỉnh 2 lĩnh vực là an toàn giao và đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, luật năm 2008 không quy định cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về an toàn giao thông.

“CSGT cũng chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề. Trong khi tai nạn giao thông, tình hình giao thông liên quan trực tiếp tới con người, hình ảnh đất nước.” - Đại tá Bình nói.

Liên quan đến điều tra tai nạn, theo Đại tá Bình, khi tai nạn xảy ra phải điều tra nguyên nhân do người, phương tiện hay hạ tầng và từ đó tính toán hài hòa chứ không có chuyện “xe to đền xe bé”.

Đại tá Bình cho hay, khi nghiên cứu xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tổ soạn thảo đã dựa trên công ước quốc tế và nghiên cứu hệ thống pháp luật của một số nước và thấy rằng để thay đổi hành vi con người là vấn đề khó, cần nhiều thời gian.

“Như các bạn Nhật Bản nói họ phải mất 50 năm từ khi xác định tai nạn giao thông là chiến tranh giao thông để thay đổi mới được như bây giờ.” - ông Bình nói.

Phó Cục trưởng C08 khẳng định, Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được xây dựng trên nguyên tắc đặt con người là trung tâm.

“Như việc quy định trẻ em phải ngồi sau nhằm đảm bảo an toàn, người lái xe cần hỏi cháu bao nhiêu tuổi? 10 tuổi mời ngồi sau, nếu không nhớ tuổi thì cao bao nhiêu? Đây là sự nhân văn, giúp hình thành thói quen văn hóa, không phải mục đích khi xây dựng quy định là để xử phạt.” - Đại tá Bình chia sẻ.

Đại tá Đỗ Thanh Bình cũng cho biết, trong luật còn xây dựng nhiều nội dung liên quan ứng dụng công nghệ thậm chí còn “để dành” hành lang quy định liên quan phương tiện không người lái một khi điều kiện kinh tế xã hội đáp ứng được.