1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cảnh sát đường thủy được phép hóa trang khi tuần tra

(Dân trí) - Lực lượng Cảnh sát đường thủy có thể tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hoá trang trong một số trường hợp.

Theo dự thảo Thông tư quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát đường thủy vừa được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến góp ý rộng rãi, bên cạnh việc kiểm soát tại Trạm Cảnh sát đường thủy, tại một điểm trên tuyến và tuần tra kiểm soát lưu động thì lực lượng Cảnh sát đường thủy có thể tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hoá trang trong một số trường hợp .

Trường hợp cán bộ hóa trang sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông thì thông báo ngay cho bộ phận cán bộ tuần tra công khai thực hiện hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm soát và xử lý vi phạm.

Cảnh sát đường thủy được phép hóa trang khi tuần tra - 1

Cảnh sát giao thông đường thủy (Ảnh: BCA).

Nếu bộ phận kiểm soát công khai không dừng ngay được phương tiện vi phạm thì tổ trưởng có trách nhiệm thống kê từng trường hợp, tập hợp đầy đủ các tài liệu chứng minh hành vi vi phạm để báo cáo, đề xuất bằng văn bản với người có thẩm quyền thực hiện việc thông báo và xử lý vi phạm theo quy định.

Đối với trường hợp bố trí bộ phận cán bộ hóa trang để phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, phát hiện vi phạm khi tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông phức tạp, thì thực hiện thông báo ngay cho bộ phận cán bộ tuần tra công khai để thực hiện hiệu lệnh dừng phương tiện, kiểm soát và xử lý vi phạm.

Trước những hành vi vi phạm nghiêm trọng về trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, làm thiệt hại đến tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của cá nhân, thì sử dụng Giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc Giấy chứng nhận Cảnh sát tuần tra, kiểm soát đường thủy để thông báo, vận động nhân dân phối hợp, ngăn chặn ngay.

“Trường hợp đối tượng không chấp hành hiệu lệnh, dùng vũ lực, hung khí, vũ khí để chống đối, thì được sử dụng vũ lực hoặc vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật để khống chế đối tượng”- dự thảo nêu.

Bố trí một hoặc nhiều tổ tuần tra trên mỗi tuyến giao thông thủy

Dự thảo đề xuất, trên mỗi tuyến giao thông đường thủy nội địa qua mỗi địa phương được bố trí một hoặc nhiều tổ tuần tra, kiểm soát. Mỗi tổ do Tổ trưởng chỉ huy và các tổ viên.

Số lượng cán bộ trong một tổ tuần tra, kiểm soát do Thủy đội trưởng, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát đường thủy, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy hoặc Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định.

Thời gian thực hiện nhiệm vụ của một Tổ tuần tra, kiểm soát không được quá 8 giờ/ngày. Trường hợp đột xuất cần kéo dài thêm thời gian thì Tổ trưởng phải báo cáo và được sự đồng ý của Thủy đoàn trưởng, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nhưng phải đảm bảo chế độ nghỉ ngơi cho cán bộ theo đúng quy định của pháp luật về lao động và quy định của Bộ Công an.

Tổ chức kiểm soát tại một điểm trên tuyến đường thủy chỉ được thực hiện tại những vị trí phức tạp về trật tự, an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội; phạm vi luồng rộng, thoáng, không bị che khuất tầm nhìn; bảo đảm việc dừng phương tiện, kiểm soát công khai, minh bạch, an toàn.

Thời gian tổ chức kiểm soát tại một điểm trên tuyến giao thông đường thủy tối đa 120 phút (trừ trường hợp thực hiện kế hoạch, mệnh lệnh của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên). Trường hợp đang xử lý vụ, việc phức tạp cần kéo dài thêm thời gian thì được tiếp tục xử lý đến khi giải quyết xong vụ, việc đó.

Thế Kha