TPHCM:
Cảnh giác với “khúc cua tử thần” trên cầu
(Dân trí) - Mấy năm nay, TPHCM xuất hiện ngày càng nhiều cây cầu vượt sông, vượt giao lộ hiện đại với cấu trúc hình nan hoa. Cũng từ đây xuất hiện những “khúc cua tử thần” ngay trên cầu.
Tai nạn liên tiếp
Ngày 3/12/2009, anh Nguyễn Giang Sang điều khiển xe máy chở theo 2 người là Nguyễn Hồng Phúc và Nguyễn Trí Quang chạy lên cầu Nguyễn Văn Cừ hướng từ quận 5 sang quận 4.
“Khúc cua tử thần” trên cầu Nguyễn Văn Cừ
Lúc rẽ vào nhánh cầu dẫn về quận 4, do khúc cua gắt, anh không làm chủ được tốc độ nên tông thẳng vào thành cầu, cả 3 người và xe văng qua lan can cầu rơi xuống kênh. Tổ thi công cầu phối hợp cùng lực lượng bảo vệ khu phố đã kịp thời vớt được Sang, Phúc đưa vào bệnh viện cấp cứu còn Quang thì không được may mắn như thế.
Mới được thông xe vào cuối tháng 1/2010, nhánh cầu N1 của cầu Thủ Thiêm cũng nhanh chóng được người dân xung quanh tặng cho danh hiệu “khúc cua tử thần”. Bởi chỉ trong vòng 2 tháng rưỡi, tại khúc cua trên nhánh cầu này đã xảy ra đến 5 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết 3 người.
Ngày 25/12/2009, trên cầu vượt Thủ Đức xảy ra một vụ tai nạn rất nghiêm trọng. Một xe kéo rơ-moóc chở container loại 40 feet đang đi từ hướng cầu vượt Sóng Thần qua cầu vượt Thủ Đức để về Đồng Nai. Khi đến khúc cua từ cầu vượt xuống Xa lộ Hà Nội thì tài xế không giữ nổi tay lái, xe lật ngang ngay trên cầu. Rất may là không có người tử nạn.
Còn vị trí giao nhau hình chữ X của hai nhánh trên cầu vượt Quang Trung cũng bị bà con xung quanh kể “tội”, xem như là nguyên nhân chính khiến khu vực này tuần nào cũng kẹt xe vì tai nạn. Kể từ khi đưa vào sử dụng đến nay, tại vị trí giao cắt này đã xảy ra không biết bao nhiêu vụ va đụng xe, gây thương tích nghiêm trọng cho người đi đường.
Đó chỉ là những vụ tai nạn nghiêm trọng, được các cơ quan chức năng thống kê. Còn những vụ té xe, va quẹt dẫn đến xây xát hay thương tích nhẹ người dân không trình báo thì không thể kể hết.
Do người dân còn chủ quan
Theo Công an quận 4, sở dĩ tai nạn thường xảy ra trên cầu Nguyễn Văn Cừ là vì nhánh cầu nối quận 5 và quận 4 có độ cong quá lớn, chỉ cần lưu thông với tốc độ cao một chút thì rất khó giữ vững tay lái.
Dù có biển cảnh báo nguy hiểm nhưng các xe qua lại vẫn không chú ý.
Còn Công an quận Bình Thạnh thì cho rằng do các phương tiện từ quận 2 lên cầu Thủ Thiêm sang quận Bình Thạnh đi qua một đoạn cầu thẳng băng dài cả cây số nên có xu hướng chạy tốc độ cao, khi đến điểm rẽ qua nhánh N1 thì khúc cua quá gắt, vậy là xảy ra tai nạn.
Tương tự, ở cầu vượt Thủ Đức, hai nhánh rẽ hình nan hoa của cầu vượt này cũng có độ cong rất lớn. Còn ở cầu vượt Quang Trung, vị trí giao cắt nằm ngay giữa cầu, xe qua cầu chạy tốc độ cao rất khó tránh nhau trong trường hợp bất ngờ.
Như vậy, hầu hết nguyên nhân các vụ tai nạn nghiêm trọng trên những “khúc cua tử thần” này đều được xác định là do khúc cua quá gắt, khi vào đoạn cua thì người lái xe không còn giữ được tay lái, dẫn đến tai nạn.
Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến những vụ tai nạn nghiêm trọng như trên là do người lái xe quá chủ quan, điều khiển xe qua đoạn cua lại chạy với tốc độ cao. Bởi tại các đoạn cua như trên, đơn vị quản lý cầu luôn đặt các biển cảnh báo có khúc cua gấp, hạn chế tốc độ nhưng người dân đã xem thường nó.
Theo một cán bộ Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, chủ đầu tư cầu Thủ Thiêm, thì các khúc cua trên cầu vượt thường nằm trên cao, nhiều khi gió lớn nên các xe (đặc biệt là xe 2 bánh) chạy với tốc độ cao càng dễ bị mất tay lái hơn. Do vậy, người dân phải hết sức cảnh giác khi đi vào các đoạn cua trên cầu vượt.
Hạ Nguyên