1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Cảng Hải Phòng trước nguy cơ bị “hàng phế thải” xâm hại

(Dân trí) - Gần 6.500 tấn quặng thuộc diện bị chủ hàng “bỏ của chạy lấy người” cùng hàng trăm container rác thải công nghiệp nguy hại gồm ắc quy chì, cao su, thiết bị điện tử... ập đến khiến cảng Hải Phòng đối diện nguy cơ bị “bãi rác thải” xâm hại.

Hàng trăm container rác thải "bủa vây" cảng
 
Cuối tháng 5 vừa qua, một lô hàng nhập khẩu vào Việt Nam ghi giao dịch là hơn 6.458 tấn quặng kẽm xuất xứ từ Hàn Quốc, được tàu Xinhairong chở cập cầu cảng khu vực Xí nghiệp Xếp dỡ Hoàng Diệu - Cảng Hải Phòng. Doanh nghiệp đứng tên nhận lô hàng quặng kẽm này là Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ STC (gọi tắt là công ty STC) tại Điện Biên Phủ - Hồng Bàng (TP Hải Phòng).

Theo đó, phía công ty STC đã tiến hành liên hệ thủ tục kí hợp đồng với cảng Hải Phòng để bốc xếp và gửi vào bãi cảng Hải Phòng lô hàng quặng trên. Nhưng điều bất ngờ là vào giữa tháng 8 vừa qua, công ty STC lại “bỏ của chạy lấy người” bằng công văn gửi đến Hội đồng thanh xử lí hàng tồn đọng tại cảng biển Hải Phòng và Cảng Hải Phòng với nội dung “xin từ bỏ lô hàng quặng kẽm”. Công văn do ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc công ty kí, đóng dấu. Lý do đưa ra là bị mất liên lạc với chủ hàng thực ở Trung Quốc và chưa nhận được những giấy tờ cùng các chi phí phát sinh của lô hàng 6.458 tấn quặng kẽm.

Tính đến nay đã hơn 5 tháng trôi qua, hàng nghìn tấn quặng cao chất ngất bị “giam lỏng” tại cảng Hải Phòng mà chưa có hướng xử lý. “Theo tính toán, lô hàng quặng đã chiếm khoảng 1.500m2 diện tích tại cảng. Mỗi tháng, cảng Hải Phòng thất thu khoảng 195 triệu đồng tiền phí lưu bãi số quặng này. Điều đáng lo ngại là môi trường bãi đón nhận hàng của cảng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trực tiếp nhất là sau mỗi lần mưa, hàng chục công nhân lại phải đi moi cống rãnh thu dọn số quặng trôi ra ngoài...” - ông Cao Trung Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Cảng Hải Phòng giãi bày.

Gần 6.500 tấn quặng kẽm đang bị bỏ rơi tại Cảng Hải Phòng.
Gần 6.500 tấn quặng kẽm đang bị "bỏ rơi" tại Cảng Hải Phòng.

Thông tin từ Hải quan Hải Phòng cho biết, từ tháng 5 đến nay, lực lượng Hải quan Hải Phòng phối hợp với các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra bước đầu 455 container nằm ở cảng biển khu vực Hải Phòng đã quá thời hạn làm thủ tục hải quan. Trong số container bị kiểm tra có 386 container là hàng khô và 69 container là hàng thực phẩm đông lạnh. 

Qua kiểm tra đã phát hiện khoảng 30 container chứa ắc quy chì phế thải; hầu hết các container còn lại là nhựa, cao su phế thải. Các container hàng đông lạnh hầu hết là nội tạng động vật. Tính đến thời điểm này, các cơ quan chức năng Hải Phòng đang tiến hành xử lý theo quy định pháp luật các container hàng nhập lậu số lượng lớn, có nguy hại đến môi trường nghiêm trọng. 

Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là có đến 80% số container là hàng hóa vi phạm. Trong đó, hàng trăm container là rác thải công nghiệp nguy hại gồm ắc quy chì, cao su, nhựa phế thải, thiết bị điện tử. Hầu hết trong số 455 container hàng bị kiểm tra đều là hàng tạm nhập tái xuất. Vì vậy, khi chủ hàng thực là người nước ngoài vì lý do gì đó bỏ hàng sẽ gây hậu quả lớn cho phía ta.

Khi đó, ngân sách nhà nước phải bỏ ra khá nhiều tiền để xử lý, tiêu hủy loại rác “nhập khẩu” này. Nguy hiểm hơn cả là môi trường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện hàng nghìn container hàng hóa đã quá thời hạn làm thủ tục hải quan nằm rải rác ở các cảng biển khu vực Hải Phòng. 

Thời gian tới, Cục Hải quan Hải Phòng sẽ tiếp tục kiểm tra các container đã quá thời hạn làm thủ tục. Khi đó, số lượng container chứa rác thải công nghiệp nguy hại nhập lậu tràn vào Hải Phòng qua đường biển lớn mức độ nào sẽ được làm rõ.

Trách nhiệm thuộc về ai?
 
Ông Cao Trung Ngoan - Phó TGĐ Cảng Hải Phòng cho biết: “Hiện chúng tôi đã nhận được văn bản tự bỏ hàng của chủ hàng. Cảng Hải Phòng đã 2 lần gửi công văn cho chủ tàu thông qua đại lý tàu để xác định chính xác xem người gửi hàng là ai, chủ hàng đích thực là như thế nào để làm cơ sở giải quyết nhưng vẫn chưa nhận được trả lời”.
 
Ông Ngoan cũng đã yêu cầu đại lý tàu cung cấp các thư trả lời của người vận chuyển, công văn đại lý trả lời cho cơ quan của cảng biết để có hướng giải quyết. Cùng đó, Cảng Hải Phòng đang phối hợp với CQĐT Công an cảnh sát môi trường để làm rõ số quặng bị “bỏ rơi” tại cảng, xử lý theo quy định.

Ông Ngoan cho biết thêm, vướng mắc hiện tại là việc truy trách nhiệm của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ STC. Họ đã có thông báo bỏ hàng. Nếu như sau ngày 1/9/2012, theo thông tư mới nhất của Thủ tướng Chính phủ, hành vi nhập quặng rồi bỏ hàng tại Cảng Hải Phòng của công ty STC đã phải truy tố trước pháp luật bởi nhập phế thải bỏ vào nội địa. 

Thế nhưng, hành vi trên của công ty STC lại được thực hiện vào tháng 5/2012, khi chưa có thông tư của Thủ tướng Chính phủ, nên việc xử lý đang gặp vướng mắc. Trong trường hợp không liên hệ được với chủ tàu và không đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm về số quặng trên, phía Cảng Hải Phòng sẽ gửi văn bản cho hội đồng thanh xử lý của TP Hải Phòng, sau đó tiến hành thành lập hội đồng xử lý, có thể tổ chức bán đấu giá hoặc phải tiêu hủy theo quy định.

Hàng trăm container rác thải công nghiệp nguy hại bủa vây
Hàng trăm container rác thải công nghiệp nguy hại "bủa vây" Cảng Hải Phòng
 
Hiện chưa có nhà máy, cơ sở chế biến nào ở Việt Nam có công nghệ xử lý được số quặng kẽm này nên việc bán số quặng này là rất khó. “Nếu phải tổ chức xử lý, tiêu hủy số quặng kẽm này thì ngân sách nhà nước phải bỏ ra là rất nhiều tiền và ảnh hưởng đến môi trường sống”, ông Ngoan nói.

Theo thông tin chúng tôi được biết, thực chất đống quặng kẽm hơn 6.458 tấn này là một dạng chất thải công nghiệp nặng hay còn gọi là rác thải công nghiệp nguy hại. Bởi một nước công nghiệp tiên tiến như Hàn Quốc không dại gì đem xuất khẩu quặng kẽm dưới dạng thô mà chỉ có thể là chất thải loại của quặng kẽm. Nếu là quặng kẽm có hàm lượng cao thì số quặng này đã không phải nằm phơi sương gió ở ngoài bãi Cảng Hải Phòng. Công ty STC đứng tên nhận hàng nhập khẩu cũng sẽ không xin từ bỏ lô hàng.

Ngoài ra, về số lượng lớn container chứa rác thải công nghiệp nguy hại được nhập lậu tràn vào Hải Phòng qua các cảng biển, nếu không có biện pháp xử lý thích hợp sẽ gây ảnh hướng lớn tới môi trường.  

Nếu cơ quan chức năng không khẩn trương có biện pháp cứng rắn đối với các doanh nghiệp đứng tên, đại lý dịch vụ thương mại nhập khẩu hàng hóa để chặn đứng các loại hàng hóa thực chất là rác thải công nghiệp, nguy cơ cảng biển khu vực Hải Phòng sẽ là cửa ngõ đổ rác thải công nghiệp nguy hại từ nước ngoài vào Việt Nam là hiện hữu.

Anh Thế - Quốc Đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm