1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sóc Trăng:

"Cảng biển Trần Đề là cơ hội để ĐBSCL đột phá, vươn ra thế giới"

Cao Xuân Lương

(Dân trí) - Tại hội thảo về đầu tư Khu bến cảng Trần Đề do Bộ GTVT cùng UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức, đại diện một tập đoàn đánh giá cảng biển Trần Đề rất quan trọng, là cơ hội giúp ĐBSCL đột phá vươn ra thế giới.

Ngày 7/8, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội thảo về đầu tư Khu bến cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng).

Cửa ngõ biển quan trọng của ĐBSCL

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, hiện hơn 70% lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng ở TPHCM. Việc này làm tăng chi phí vận chuyển, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng chất lượng hàng hóa, đồng thời tạo áp lực lên giao thông đường bộ.

Thời gian qua, Trung ương có quy hoạch, triển khai đầu tư hệ thống cao tốc trục dọc, trục ngang đồng bộ với hệ thống cảng trên với kỳ vọng sẽ giải quyết "điểm nghẽn" bấy lâu nay của vùng.

Cảng biển Trần Đề là cơ hội để ĐBSCL đột phá, vươn ra thế giới - 1

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng và các đại biểu tham dự hội thảo xem bản đồ quy hoạch của tỉnh Sóc Trăng (Ảnh: X.L.).

"Một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư Khu bến cảng Trần Đề ở tỉnh Sóc Trăng giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn là 50.000 tỷ đồng.

Cảng biển Trần Đề với vai trò là cảng cửa ngõ cho vùng ĐBSCL, giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng", ông Lâu nói và cho biết, tỉnh Sóc Trăng đang khẩn trương phối hợp Bộ GTVT làm các thủ tục để kêu gọi đầu tư cảng Trần Đề.

Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học, chuyên gia đánh giá cảng biển Trần Đề có vị trí chiến lược quan trọng, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong tương lai.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Tập đoàn T&T, cho rằng cảng Trần Đề gần với các tuyến đường biển quan trọng, nằm trong khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế mạnh mẽ gắn với vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản và các ngành công nghiệp.

"Cảng Trần Đề sẽ đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng kết nối toàn bộ vùng cực nam Tổ quốc với tuyến hàng hải quốc tế, là cơ hội mở rộng cánh cửa giúp ĐBSCL đột phá vươn ra thế giới", ông Tuấn nhận định.

Cảng biển Trần Đề là cơ hội để ĐBSCL đột phá, vươn ra thế giới - 2

Mô phỏng dự án cảng biển Trần Đề (Ảnh: XL).

Cần cơ chế đặc thù đặt biệt cho dự án

Đại diện Tập đoàn T&T đề xuất Chính phủ xem xét và áp dụng cơ chế đặc biệt đầu tư cảng Trần Đề như: Hỗ trợ vốn làm cầu dẫn 18km để giảm áp lực đối với nguồn vốn tư nhân; áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư; thời gian làm dự án 70 năm để các nhà đầu tư có thể bảo đảm được nguồn thu ổn định và lâu dài.

Ngoài ra, cần áp dụng các chính sách ưu đãi thuế và các ưu đãi khác đối với các hoạt động liên quan đến cảng và các dịch vụ hậu cần.

Ông Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, cho rằng đây là dự án có triển vọng rất lớn. Để kêu gọi được nguồn vốn đầu tư sẽ rất nhiều việc phải làm, bởi tiềm năng là một chuyện, biến tiềm năng thành thế mạnh lại là chuyện khác.

"Cho dù cảng Trần Đề là cảng biển có tiềm năng rất lớn nhưng cần phải tính toán kỹ mạng lưới kết nối từ các cảng đường thủy nhỏ. Đặc biệt, tới đây chúng ta đầu tư siêu cảng Cần Giờ thì vai trò của mỗi cảng như thế nào, tính kết nối, hỗ trợ lẫn nhau ra sao?

Phải tính toán phân kỳ đầu tư thật tốt, bởi dự án cần số vốn rất lớn, trong bối cảnh nhiều cảng biển của Việt Nam đang trong quá trình đầu tư nên thu hút nguồn lực không phải là vấn đề đơn giản. Đặc biệt, dự án chỉ có thể thành công khi được áp dụng chính sách đặc thù, vượt trội", ông Tâm nêu quan điểm.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho rằng, với cơ chế hiện nay thì chưa hấp dẫn được các nhà đầu tư, bởi lợi nhuận đầu tư vào cảng thường không lớn, thu hồi vốn lâu.

Hơn nữa, khu vực ĐBSCL chủ yếu là sản xuất hàng hóa nông nghiệp, chưa phát triển được sản xuất công nghiệp lớn nên dư địa phát triển cảng còn ở tương lai.

"Với khát vọng phát triển và sự cầu thị của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, chúng ta sẽ dần thấy hình hài của cảng Trần Đề - một cảng biển lớn tầm cỡ quốc tế. Đầu tư từ hôm nay là đầu tư cho tương lai con cháu chúng ta", ông Tâm chia sẻ.

Cảng biển Trần Đề là cơ hội để ĐBSCL đột phá, vươn ra thế giới - 3

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang (Ảnh: X.L.).

Để phát huy vai trò của cảng biển Trần Đề, theo đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, cần tổ chức kết nối và nguồn hàng ổn định cho cảng.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang giao Cục Hàng hải Việt Nam tiếp thu đầy đủ, toàn diện các ý kiến của đại biểu để đưa ra những giải pháp tối ưu trong lộ trình quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước… đầu tư cảng biển Trần Đề.

Thứ trưởng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, xem xét kiến nghị đầu tư cầu dẫn bằng ngân sách Nhà nước giống như đã đầu tư kết cấu hạ tầng công cộng.

"Đề nghị Bộ Công thương và tỉnh Sóc Trăng quan tâm đến ý tưởng của tư vấn lập quy hoạch trong kết hợp xây dựng các dự án điện gió với dự án cảng biển. Cần có nhà đầu tư nghiên cứu sâu vấn đề này", Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh.

Theo quy hoạch, diện tích cảng biển nước sâu Trần Đề khoảng 550ha, với cầu cảng vượt biển dài khoảng 18km. Cảng có năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container tải trọng 100.000 tấn trọng lượng hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 tấn trọng lượng…

Việc xây dựng cảng biển Trần Đề còn có ý nghĩa quan trọng về mặt quốc phòng, an ninh của vùng và khu vực.