1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Chưa có cơ sở pháp lý phạt người đội mũ bảo hiểm giả”

(Dân trí) - “Phải phạt mạnh những người kinh doanh, buôn bán mũ bảo hiểm giả; phải truy trách nhiệm và phạt cán bộ quản lý thị trường vì để mũ giả bày bán tràn lan. Còn với người đội mũ bảo hiểm giả thì chưa có cơ sở pháp lý để xử phạt họ”.

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia độc lập có nhiều năm nghiên cứu về giao thông công cộng (bảo vệ luận án tại Tiệp Khắc) - khi trao đổi với PV Dân trí về kế hoạch xử phạt nghiêm hành vi sản xuất kinh doanh cũng như người tham gia giao thông sử dụng mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn (mũ giả) từ ngày 15/4 tới của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các ngành chức năng. Xung quanh dự kiến xử phạt này cũng có nhiều ý kiến trái chiều.

Ông Nguyễn Xuân Thủy: Bằng chứng nào khẳng định là mũ giả?

Việc xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng đối với người đội mũ bảo hiểm giả mà các ngành chức năng đã lên kế hoạch theo ông có tính khả thi hay không?

Trước hết phải khẳng định rằng không có cơ sở pháp lý rõ ràng để xử phạt người đội mũ bảo hiểm giả. Tôi cũng chưa thể hình dung được cách thức để xử phạt người đội mũ bảo hiểm giả mà lực lượng chức năng sẽ vận dụng như thế nào là hợp lý.

Thứ nhất, khi đi mua mũ bảo hiểm đa phần người ta đều có tâm lý muốn mua mũ tốt, nhưng trên thị trường mũ bảo hiểm tràn lan như hiện nay thì chính bản thân người mua còn bị lừa, họ cũng không biết đâu là mũ thật đâu là mũ giả mà vẫn mất tiền mua. Thứ hai, việc xử phạt người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm giả là chạm vào đám đông nên sẽ rất khó để thực hiện và theo tôi không có tính khả thi.

Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh kế hoạch phạt nặng người đội
Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh kế hoạch phạt nặng người đội mũ bảo hiểm giả

Một số liệu thông kê mới đây của ngành chức năng tại Hà Nội cho thấy có tới 70% người điều khiển phương tiện sử dụng mũ bảo hiểm giả, ông nghĩ sao về con số này?

Không thể khẳng định những người sử dụng mũ bảo hiểm trong thống kê này là cố tình dùng mũ giả. Lý do tôi nhấn mạnh như vậy là vì đại đa số người dân không biết rõ đâu là quy chuẩn thực sự của mũ khi chọn mua mà tâm lý của họ là mua mũ ứng với số tiền mà họ có trong túi. Trên thực tế, chưa hề có quy định mức tiền về mũ bao hiểm bao nhiêu thì được coi là giả và bao nhiêu tiền là mũ thật (là 40.000 đồng, 60.000 đồng hay 100.000 - 200.000 đồng...), cũng chưa hề có Thông tư hay Nghị định hướng dẫn nào cho người dân về những điều đó.

Tại sao không đặt ngược lại câu hỏi do đâu lại có chuyện 70% mũ bảo hiểm người tham gia giao thông đang đội là giả? Điều này cơ quan quản lý thị trường biết rõ nhất.

Ông nghĩ sao về trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường?

Nếu họ làm tốt vai trò và trách nhiệm của mình thì mũ bảo hiểm giả đã không được bày bán tràn lan trên thị trường, thật - giả không lẫn lộn như hiện nay. Mũ bảo hiểm cũng là mặt hàng thiết yếu và nói ví von thì nó không khác gì một loại “thực phẩm”, nếu thị trường được quản lý tốt thì người dân sẽ không bị mất tiền vì mua phải thực phẩm kém chất lượng.

Có nghĩa là cũng phải phạt lực lượng quản lý thị trường thưa ông?

Đúng như thế, cần phải phạt nặng thì mới làm rõ được trách nhiệm của lực lượng này khi để mũ bảo hiểm giả làm rối thị trường, phạt nặng những đối tượng kinh doanh buôn bán mũ giả.

Ông Nguyễn Quang Toản - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội: Có thể kiện nếu bị phạt sai

Kế hoạch xử phạt người tham gia giao thông từ ngày 15/4 tới đây theo ông có phải là quá nóng vội?

Việc phạt người cố tình đội mũ bảo hiểm giả là giải pháp hay, nhưng một bộ phận khác, người ta không thể phân biệt mũ bảo hiểm thật và giả khác nhau như thế nào mà chọn mua nên phạt họ đội mũ giả là oan cho họ. Không thể nói phạt là phạt ngay được mà phải có lộ trình nhất định.

Vậy theo ông sẽ phải mất thời gian là bao lâu cho việc này?

Vẫn phạt những trường hợp đội mũ giả và đó là những người cố tình chống đối, nhưng không phải phạt ngay bây giờ được mà theo tôi sẽ phải mất ít nhất là 8 tháng chuẩn bị. Đầu tiên phải đẩy mạnh công tác thu hồi mũ giả trên thị trường, rồi tuyên truyền vận động đổi mũ bảo hiểm giả lấy mũ bảo hiểm thật có các thêm tiền, phân định rạch ròi trách nhiệm của ngành giao thông, công thương, công an và người tham gia giao thông để có cơ sở cụ thể cho việc xử phạt.

Tôi nghĩ rằng cần phải có sự phân biệt thật - giả rõ ràng, thậm chí phải có cơ sở để người dân mang mũ bảo hiểm đến kiểm định. Khi đó, mũ thật sẽ được chứng nhận đảm bảo chất lượng, còn nếu là mũ giả thì sẽ bị khoét lỗ hoặc đóng dấu, đó cũng là cách để người dân xác định rõ trách nhiệm đội mũ của mình khi tham gia giao thông.

Ông nghĩ sao nếu người tham gia giao thông bị phạt sai?

Mũ bảo hiểm cũng giống như phương tiện, khi các thông số kỹ thuật không đảm bảo khiến người sử dụng phương tiện gặp rủi ro thì nhà sản xuất sẽ bị kiện. Với mũ bảo hiểm, muốn phạt mũ giả thì các cơ quan quản lý Nhà nước phải chắc chắn rằng chỉ có mũ thật được bán trên thị trường, khi đó việc xử phạt là có cơ sở và sẽ dễ dàng hơn. Trường hợp bị lực lượng chức năng phạt sai thì người đội mũ bảo hiểm có thể kiện ngược lại và kiện cả nhà sản xuất mũ bảo hiểm.

Theo tôi, ngay cả khi quy định xử phạt có hiệu lực thì cũng không nên phạt ngay lần đầu vi phạm mà nên cảnh cáo trước và đánh dấu vào chiếc mũ giả, lần thứ 2 nếu phát hiện vẫn đội mũ giả thì rõ ràng đó là đối tượng chống đối và phải xử phạt.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quỳnh Anh (thực hiện)