Cần Thơ sẽ sửa quy chế họp báo gây tranh cãi
(Dân trí) - Liên quan đến việc Cần Thơ ban hành quy chế tổ chức họp báo với một số nội dung gây tranh cãi, ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở TT&TT TP Cần Thơ, cho biết sẽ sửa quy chế này.
Sáng 19/4, UBND TP Cần Thơ tổ chức họp cơ quan báo, đài định kỳ quý I/2024.
Tại cuộc họp, ông Huỳnh Hoàng Mến - Giám đốc Sở TT&TT TP Cần Thơ - cho biết, vừa rồi Cần Thơ có ban hành quy chế tổ chức họp báo của UBND TP. Trong quá trình tham mưu, Sở đã gửi văn bản xin ý kiến các sở, ngành, địa phương và cơ quan báo chí, tuy nhiên không nhận được ý kiến góp ý, đa số thống nhất.
Tuy nhiên, khi ban hành quy chế có ý kiến không đồng thuận.
Sau đó, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp có ý kiến mời Cần Thơ họp, trao đổi và có lưu ý. Qua đó đề nghị thành phố ban hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo theo quy trình ban hành văn bản pháp luật, điều chỉnh một số nội dung cho rõ nghĩa, thống nhất.
"Tiếp thu ý kiến của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, sở tiếp thu và sẽ có văn bản tham mưu UBND TP để ban hành lại quy chế họp báo theo đúng trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời sửa đổi một số nội dung cho phù hợp.
Mục đích của việc ban hành quy chế nhằm cung cấp thông tin cho báo đài cho chính xác, đạt hiệu quả cao. TP Cần Thơ mong muốn báo chí đồng hành, gắn kết trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", ông Mến nói.
Trước đó ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã chủ trì cuộc họp liên quan đến tính pháp lý của Quyết định số 798/2024 của UBND TP Cần Thơ về việc ban hành quy chế tổ chức họp báo của UBND TP Cần Thơ.
Cuộc họp có đại diện của Cục Báo chí và Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông), đại diện UBND TP Cần Thơ và một đơn vị xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp.
Theo kết luận cuộc họp, các quy định tại quy chế là các quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi TP Cần Thơ.
"Việc ban hành văn bản hành chính nhưng có chứa quy phạm pháp luật là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015", cuộc họp kết luận.
Hơn nữa, việc quy chế trên yêu cầu "Cơ quan, Văn phòng đại diện báo chí, phóng viên thường trú khi tham dự họp báo phải đúng thành phần được mời; trang phục, tác phong lịch sự và gửi câu hỏi về Sở Thông tin và Truyền thông trước thời gian diễn ra họp báo ít nhất 3 ngày" là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Cụ thể, Luật Báo chí và Nghị định số 09/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước không đặt ra giới hạn thời gian cơ quan, phóng viên báo chí phải gửi câu hỏi trước thời gian diễn ra họp báo.
Ngoài ra, đại diện Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật dẫn khoản 7 Điều 22 Luật Báo chí năm 2016 quy định: "Hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; đúng nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm do cơ quan báo chí giao và tuân thủ quy định của pháp luật về báo chí và quy định khác của pháp luật có liên quan".
Do vậy, ở góc độ pháp lý, nội dung tại khoản 4 Điều 9 Quy chế tổ chức họp báo của UBND TP Cần Thơ (nội dung câu hỏi phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đang công tác) là phù hợp với quy định tại khoản 7 Điều 22 Luật Báo chí. Tuy nhiên, cách diễn đạt trong quy chế của Cần Thơ dễ dẫn đến cách hiểu thiếu thống nhất trong quá trình thực hiện.
Lãnh đạo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật khẳng định sẽ ban hành kết luận cuộc họp nói trên bằng văn bản theo đúng thẩm quyền được Chính phủ giao.
Tại cuộc họp, đại diện UBND TP Cần Thơ cam kết sẽ khẩn trương rà soát, xử lý Quyết định số 798/2024, bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản liên quan.
Như Dân trí phản ánh trước đó, UBND TP Cần Thơ ban hành Quy chế tổ chức họp báo có hiệu lực từ tháng 4/2024.
Quy chế quy định Cần Thơ tổ chức họp báo định kỳ mỗi quý một lần hoặc họp đột xuất khi có chuyên đề, sự việc quan trọng theo yêu cầu của Chủ tịch UBND TP.
Quy chế của Cần Thơ yêu cầu cơ quan, văn phòng đại diện báo chí, phóng viên thường trú khi tham dự họp báo phải đúng thành phần được mời và gửi câu hỏi về Sở Thông tin và Truyền thông trước thời gian diễn ra họp báo ít nhất 3 ngày.
Nhà báo khi đặt câu hỏi bổ sung tại cuộc họp báo phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, đúng trọng tâm và phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đang công tác.
Ngay lập tức, quy chế trên gây xôn xao dư luận khi nhiều ý kiến cho rằng chưa phù hợp với Luật Báo chí.