Cần Thơ họp khẩn vì lo hàng trăm tấn rác tồn đọng mỗi ngày
(Dân trí) - Những ngày qua việc thu gom, vận chuyển rác bị tồn đọng, đi khảo sát tại các quận, huyện có thể thấy công tác phối hợp giữa các đơn vị chưa nhịp nhàng - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chỉ rõ nguyên nhân.
14h Chủ nhật (5/3), UBND TP Cần Thơ tổ chức cuộc họp khẩn, kéo dài hơn 3 giờ, để nghe các đơn vị liên quan báo cáo về công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
Những ngày qua việc thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn bị tồn đọng. Đi khảo sát tại các quận, huyện có thể thấy công tác phối hợp giữa các đơn vị chưa nhịp nhàng. Việc này rất bức thiết, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, TP quyết định họp vào chiều Chủ nhật để tháo gỡ ngay lập tức - ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nêu rõ.
Giải bài toán dôi dư hơn gần 200 tấn rác/ngày
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở TN&MT Phạm Nam Huân, cho biết năm 2022, thành phố đã thu gom, vận chuyển, xử lý hơn 238.000 tấn rác, trung bình hơn 653 tấn/ngày.
Trong đó, lò đốt rác tại xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ xử lý trung bình hơn 103 tấn/ngày; Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB (Nhà máy xử lý rác EB) ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai xử lý khoảng 500 tấn/ngày.
Theo ông Huân, tổng lượng chất thải rắn trên địa bàn khoảng 700 tấn/ngày, đã vượt xa khả năng xử lý. Nhu cầu xử lý rác thải rắn sinh hoạt tồn đọng tại các bãi hiện hữu khoảng 801.000 tấn, rất cần biện pháp xử lý triệt để.
Trong bối cảnh đó, từ ngày 1/4, nhà máy xử lý rác EB có kế hoạch dừng vận hành 30-45 ngày để kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng. Thời gian trên, cơ sở chỉ tiếp nhận khoảng 400 tấn/ngày, dôi dư gần 200 tấn.
Phân tích về thực trạng tồn đọng rác, Phó giám đốc Sở TN&MT nói trước đây nhà máy xử lý rác EB tiếp nhận từ 5-24h hàng ngày, nhưng 18 ngày qua, nơi đây chỉ nhận từ 5-13h theo như hợp đồng ký kết.
"Việc này dẫn đến dôi dư rác tại các điểm tập kết, trạm trung chuyển ở quận, huyện, đặc biệt ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều - tạo thành điểm nóng ô nhiễm về môi trường, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư", ông Huân cho biết.
Theo Sở TN&MT, với điểm tập kết rác ở phường An Khánh đang tồn đọng trên 1.000 tấn, các đơn vị thống nhất chuyển tạm lượng rác này về bãi ở huyện Cờ Đỏ. Tuy nhiên, trong thời gian nhà máy xử lý rác EB bảo trì, mỗi ngày địa bàn sẽ dôi dư khoảng 200 tấn. Tổng cộng TP sẽ tồn đọng khoảng 9.000 tấn rác.
Sở TN&MT đề nghị nhà máy xử lý rác EB kéo dài thời gian tiếp nhận rác, thậm chí mở 24/24h tùy theo tình hình thực tế.
Quận trung tâm ùn ứ 50-60 tấn rác
Nói về thực trạng ở quận trung tâm Cần Thơ, ông Huỳnh Trung Trứ - Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết mỗi ngày địa bàn chuyển về nhà máy xử lý rác EB khoảng 300 tấn. Do thời gian nhận rác bị rút ngắn, cộng với lượng rác xử lý ở đây giảm, khiến mỗi ngày quận tồn từ 50-60 tấn, buộc phải chứa tạm ở một số điểm trên đường Trần Phú, khu dân cư Thới Nhựt... Tổng lượng rác tồn ở Ninh Kiều đang hơn 1.700 tấn, với lượng ùn ứ hàng ngày như trên, 7 ngày nữa, "quận 1 Cần Thơ" sẽ tắc trên 2.000 tấn rác.
Cùng chung tình trạng báo động, đại diện huyện Thới Lai cho biết, những tháng cuối năm 2022, đầu 2023, địa phương thường xuyên bị ứ đọng rác ở khu dân cư, khu tập kết. Huyện kiến nghị thành phố sớm đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt; chỉ đạo các sở, ngành cấp kinh phí thu hồi đất, tạo quỹ đất sạch, kêu gọi chủ đầu tư quan tâm tham gia thực hiện dự án.
Giám đốc điều hành nhà máy xử lý rác EB cho biết, năm 2023 các thiết bị tại đây đến hạn duy tu bảo dưỡng lớn. Thời gian này công ty sẽ nhận rác trung bình 400 tấn/ngày.
Công ty kiến nghị TP Cần Thơ hỗ trợ hoàn thành công tác đại tu, điều chỉnh giá (nâng giá); thanh toán các chi phí, điều chỉnh nâng công suất...
Nâng cao ý thức người dân rất quan trọng
Đề cập thực trạng rác tồn đọng, gây ô nhiễm môi trường, bên cạnh bàn các giải pháp lâu dài, ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, lưu ý các địa phương cần quan tâm đúng mức tới việc tuyên truyền tới người dân, để mọi người có ý thức bỏ rác đúng nơi, đúng thời gian quy định.
"Chúng ta phải tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân và có chế tài. Nhiều người dân cứ nghĩ rác trong nhà là của mình, đẩy ra đường là của thiên hạ. Trách nhiệm của cán bộ địa phương phải nâng cao ý thức người dân", ông Hiển nhấn mạnh tới một trong những giải pháp quan trọng.
Tuy nhiên, khi người dân mang rác để đúng nơi, đúng thời gian quy định mà đơn vị thu gom không đến lấy, đề nghị UBND phường, quận phải lập biên bản xử phạt đơn vị thu gom rác - ông Hiển yêu cầu.
Không để tồn đọng rác tại thành phố
Kết luận cuộc họp, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đồng ý với các ý kiến mà cơ quan chuyên môn nêu, cũng như các giải pháp mà Phó Chủ tịch Thường trực Dương Tấn Hiển đưa ra.
Để tháo gỡ việc dôi dư 200 tấn/ngày hiện nay, Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu, khi công ty xử lý rác ở huyện Cờ Đỏ chỉ đảm bảo đốt 150 tấn/ngày, Sở TN&MT phải có trách nhiệm liên hệ các đơn vị có chức năng xử lý 50 tấn còn lại, không để tồn đọng rác trong dân.
Người đứng đầu chính quyền TP Cần Thơ đề nghị chủ tịch các quận, huyện tăng cường tuyên truyền để người dân mang rác ra điểm thu gom đúng giờ, để thu gom được thuận tiện. Các địa phương có thể tính toán lắp camera nơi công cộng để giám sát những người vứt rác bừa bãi, có chế tài xử lý.
Các quận huyện tính toán quy hoạch, tham mưu, đề xuất TP xây dựng các bãi tập kết rác công nghệ hiện đại, không ô nhiễm môi trường.
Nhấn mạnh việc đảm bảo môi trường trong thu gom rác, ông Trường đề nghị các đơn vị thu gom phải có phương tiện đúng tiêu chuẩn. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần phối hợp xử lý các công ty vi phạm hợp đồng.
Về đề nghị nâng công suất nhà máy xử lý rác EB, UBND TP Cần Thơ sẽ thực hiện theo quy định. Việc nâng công suất hay xây nhà máy mới, TP sẽ xem xét, quyết định trong thời gian tới.