1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Cần Thơ: Đề xuất lấy ngân sách hỗ trợ đường bay mới mở bị lỗ

(Dân trí) - Ngày 26/11, nguồn tin từ UBND TP Cần Thơ cho biết, lãnh đạo TP Cần Thơ vừa có tờ trình gửi HĐND về việc thông qua “Quy định chính sách hỗ trợ các hãng hàng không mở các đường bay mới đi và đến Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ".

Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ nhìn từ trên cao (ảnh Chí Dũng)
Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ nhìn từ trên cao (ảnh Chí Dũng)

Theo tờ trình, Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ được Chính phủ đầu tư đồng bộ, hiện đại và khánh thành vào ngày 1/1/2011. Năng lực phục vụ theo thiết kế từ 3-5 triệu lượt hành khách/năm, lượng hàng hóa thông qua cảng khoảng 5.000 tấn…

Năm 2016, lượng hành khách 550.090/hành khách, hàng hóa –bưu điện là 3.420 tấn. Dự kiến năm 2017, lượng hành khách là 612.512/hành khách, hàng hóa - bưu kiện là 3.749 tấn, chiếm khoảng 20% công suất thiết kế của Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ.

Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ hiện có các chuyến bay trong nước đi Hà Nội, Phú Quốc, Côn Đảo, Đà Nẵng. Ngoài ra còn có chuyến bay đi Đà Lạt, Nha Trang theo dạng bao chuyến.

Các tuyến đường bay quốc tế đi Đài Bắc chỉ bay trong dịp Tết Nguyên đán hàng năm, riêng đường bay Cần Thơ - Bangkok (khai thác vào tháng 7/2015) đang tổ chức bay theo dạng Charter flight (thuê bao trọn gói chuyến bay), chỉ phục vụ kinh doanh dịp hè.

Theo số liệu thống kê trên và dự báo trong năm 2017 thì nhu cầu đi tham quan, du lịch của người dân TP Cần Thơ đến những nơi có di sản văn hóa thế giới như: Đà Lạt, Nha Trang, Huế, Buôn Ma Thuột, Vinh, Hải Phòng, Quảng Bình và du lịch nước ngoài như Thái Lan, Hồng Công, Singapore,... và chiều ngược lại là rất lớn.

Tuy nhiên, hiện nay, việc đi đến các địa phương và các nước nêu trên chủ yếu bằng đường bộ, nếu đi bằng đường hàng không thì phải đến Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. Phương thức vận chuyển này gây tốn kém chi phí và mất thời gian cho người dân.

Tuy vậy, từ năm 2013 nhưng đến nay các hãng hàng không như Việt Nam Airlines, VietJet, Jetstar Pacific,... chưa thể mở thêm các đường bay mới đến Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ do trong năm đầu khai thác, khả năng lỗ về tài chính là rất lớn do người dân TP Cần Thơ nói riêng và người dân vùng ĐBSCL nói chung chưa biết nhiều về đường bay mới, việc quảng bá cho đường bay mới phải có thời gian và phải thực hiện liên tục.

Vì vậy, Cần Thơ ban hành chính sách hỗ trợ các hãng hàng không mở đường bay mới đi và đến Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ nhằm thu hút các hãng hàng không khai thác các đường bay mới trong nước và quốc tế để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thành phố Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, kinh tế - xã hội, thương mại, dịch vụ,... góp phần khai thác có hiệu quả Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ.

Theo tờ trình của UBND TP Cần Thơ, mức hỗ trợ bù lỗ chỉ áp dụng đối với các đường bay mới đi và đến Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ.

Theo đó, căn cứ quy mô, tần suất khai thác đường bay mới được mở, cam kết của hãng hàng không; hạch toán lãi, lỗ dựa trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của năm hạch toán được cơ quan kiểm toán độc lập kiểm toán, thành phố sẽ thực hiện hỗ trợ một phần chi phí cho các hãng hàng không khi mở đường bay mới đi và đến Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ trong trường hợp đường bay mở mới bị lỗ theo hình thức hỗ trợ một phần giá vé máy bay cho người sử dụng.

Cụ thể, chỉ thực hiện hỗ trợ cho các hãng hàng không khi đường bay mở mới bị lỗ. Các hãng hàng không được cấp phép hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định. Mỗi đường bay mới đến Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ chỉ được hỗ trợ một lần và trong năm đầu tiên khai thác đường bay. Các hãng hàng không chỉ nhận được chính sách hỗ trợ theo quy mô, tần suất bay đã cam kết. Trường hợp các hãng hàng không không duy trì được quy mô, tần suất bay theo cam kết thì phải có trách nhiệm bồi hoàn lại khoản chi phí đã hỗ trợ.

Về mức hỗ trợ, đối với đường bay nội địa, trường hợp hạch toán đường bay mở mới bị lỗ dưới 5 tỉ đồng thì TP Cần Thơ sẽ hỗ trợ theo mức lỗ được hạch toán. Trường hợp hạch toán đường bay mở mới bị lỗ trên 5 tỉ đồng thì TP sẽ hỗ trợ cho các hãng hàng không với mức tối đa không vượt quá 5 tỉ đồng.

Đối với đường bay quốc tế, trường hợp hạch toán đường bay mở mới bị lỗ dưới 8 tỉ đồng thì TP sẽ hỗ trợ theo mức lỗ được hạch toán. Trường hợp hạch toán đường bay mở mới bị lỗ trên 8 tỉ đồng thì TP sẽ hỗ trợ cho các hãng hàng không với mức tối đa không vượt quá 8 tỉ đồng. Kinh phí thực hiện việc hỗ trợ này lấy từ ngân sách nhà nước.

Phạm Tâm