1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cần thêm tiện ích gì để người dân TPHCM thích đi cầu bộ hành?

Tâm Linh

(Dân trí) - Theo chuyên gia quy hoạch kiến trúc, cầu bộ hành trong thành phố không chỉ có mỗi chức năng đáp ứng nhu cầu đi bộ của người dân mà còn phải có yếu tố thẩm mỹ.

"Cầu bộ hành nên được xây ở những nơi mà người dân có nhu cầu qua lại thường xuyên giữa hai bên đường và tại không gian công cộng của đô thị", TS Hoàng Ngọc Lan, kiến trúc sư (KTS), giảng viên Khoa Quy hoạch - Trường Đại học Kiến trúc TPHCM - nói về sự cần thiết của loại công trình này.

Phải chen chúc với xe cộ để qua đường, người dân TPHCM cho rằng xây cầu bộ hành là cần thiết (Video: Cao Bách).

Để cầu bộ hành thân thiện với người đi bộ

Trao đổi với phóng viên Dân trí, KTS Hoàng Ngọc Lan cho rằng, đầu tiên cần hiện hữu và đáp ứng được nhu cầu đi bộ tại các không gian công cộng tập trung đông người, để giao thông được tiếp nối liên tục. Cụ thể, người đi bộ và xe cộ không phải dừng đèn đỏ chờ nhau hay xen kẽ nhau qua đường.

Lấy ví dụ tại đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7) rộng 150m khiến người đi bộ phải chờ hai lượt đèn đỏ mới sang hết đường, KTS chỉ ra một vị trí thích hợp nhất để làm cầu bộ hành, là đoạn tọa lạc khu trung tâm thương mại Crescent Mall (tổ hợp tòa nhà văn phòng, mua sắm, giải trí...), đối diện bên kia đại lộ là cụm công trình công cộng gồm bệnh viện, trường học, nhà văn hóa, chợ, chung cư, hàng quán… 

Ngoài ra, nữ KTS cũng nói đến vị trí nên xây cầu bộ hành tại những trục đường lớn có nhiều phương tiện lưu thông tốc độ cao, mà không có hệ thống giao thông cho người đi bộ như vạch ngựa vằn, đèn tín hiệu bấm xin nhường đường.

"Để người dân thích sử dụng thì phải thêm tiện ích thuận lợi cho nó", nữ KTS nhận định.

Theo trải nghiệm và quan sát của bà Lan, cầu bộ hành ở nhiều quốc gia trên thế giới thường có thang máy hoặc thang cuốn dành cho người tàn tật, người cao tuổi sức yếu.

Ở Thái Lan, phần lớn cầu bộ hành ở trung tâm thủ đô Bangkok kết nối các trung tâm thương mại thông nhau, do đó người đi bộ hoàn toàn có thể tận dụng lên xuống bằng thang máy của tòa nhà nếu cầu đó chỉ có bậc thang bộ.

Cần thêm tiện ích gì để người dân TPHCM thích đi cầu bộ hành? - 1

Cầu bộ hành nằm dưới đường đi của hệ thống tàu điện trên cao BTS ở trung tâm thủ đô Bangkok, Thái Lan, đồng thời kết nối vào các tòa nhà hai bên đường, hồi năm 2015 (Ảnh: Tâm Linh).

Bên cạnh đó, nếu sau này tính đến việc khuyến khích người dân đi xe đạp thì cầu bộ hành cần có thêm ram dốc để người dân có thể dắt xe lên di chuyển sang bên kia đường.

Công tác trong lĩnh vực giảng dạy kiến trúc, TS Hoàng Ngọc Lan đặc biệt nhấn mạnh về "cái đẹp". "Bất kỳ công trình nào đặt trong thành phố đều phải có yếu tố thẩm mỹ", nữ giảng viên kiến trúc nói.

Theo KTS Ngọc Lan, nếu đặt trong không gian công cộng, thì cầu bộ hành chính là điểm nhấn cảnh quan góp phần tạo nên diện mạo khu vực đó, nhất là khu phố đi bộ Nguyễn Huệ - Công viên bến Bạch Đằng sẽ được xây dựng trong tương lai.

"Không chỉ đáp ứng nhu cầu đi bộ, công trình cầu bộ hành đẹp còn thu hút người ta đi lên để ngắm cảnh, chụp ảnh check-in…", bà Lan đánh giá.

Tựu chung lại, để có được công trình cầu bộ hành đảm bảo cả công năng lẫn mỹ năng, các chuyên gia và giảng viên lĩnh vực kiến trúc nêu quan điểm rằng, cần phải tổ chức thi thiết kế để thu thập nhiều ý tưởng, từ đó lựa chọn ra bản vẽ tốt nhất. 

"Tuy nhiên, quan trọng là thành phố sẽ duyệt về bản thiết kế và bỏ ra chi phí đầu tư ra sao", vị chuyên gia về kiến trúc kết luận.

Cần thêm tiện ích gì để người dân TPHCM thích đi cầu bộ hành? - 2

Một cây cầu bộ hành giữa trung tâm thủ đô Jakarta, Indonesia được cải tạo với thiết kế hình con tàu phinisi truyền thống của đất nước này (Ảnh: AFP/Bay Ismoyo).

Một cán bộ lĩnh vực quy hoạch đến từ Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM chia sẻ với phóng viên, từng công trình của thành phố đều được các cơ quan làm quy hoạch đô thị quan tâm. Cầu bộ hành chỉ là chi tiết nhỏ trong tổng thể bức tranh quy hoạch thành phố.

Vị này nhấn mạnh, không phải cơ quan quy hoạch thấy nhỏ mà bỏ qua. Cần phải tính toán kỹ lưỡng sự phù hợp về công năng, mỹ năng, chi phí đầu tư và sự đồng bộ với các công trình xung quanh, không phải chỗ nào cần thì cứ xây lên là xong. 

Cần nhìn lại thói quen và ý thức người đi bộ

"Việc đầu tư xây và chỉnh trang cầu bộ hành là cần thiết, nhưng còn phải xét đến yếu tố có nhiều người cần hay không, kẻo lãng phí", một cán bộ Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM nêu quan điểm. 

Trong cuộc nói chuyện, vị cán bộ đánh giá người dân TPHCM còn phụ thuộc quá nhiều vào xe máy trong đời sống, lượng phương tiện hai bánh quá nhiều, khiến thói quen đi bộ hầu như không có.

Một năm trước, cầu Ba Son (Thủ Thiêm 2) dài gần 1,5km được đưa vào hoạt động, có thiết kế cầu thang bộ và phần lề đường dành riêng cho đi bộ để người dân có thể đi dạo hóng gió, ngắm cảnh, chụp ảnh... 

Song, đến nay, điều ai cũng có thể nhìn thấy ở cây cầu này là xe máy của những người tham quan dựng chồng chồng lớp lớp bên lề, vì thói quen tiện đâu dừng đó của người điều khiển xe máy.

Lực lượng CSGT địa phương cũng thường xuyên ra quân xử lý tình trạng tụ tập, dừng đỗ phương tiện trên cầu Thủ Thiêm, cầu Ba Son..., nhưng không xuể.

So sánh tương tự cầu Ba Son, cầu Sông Hàn ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) là tuyến đường có nhiều người đi bộ, dài hơn 4km tương đương 6.000 bước chân, độ cao tăng dần khoảng 34m, được người địa phương đánh giá là dễ đi.

Còn các cầu bộ hành ở TPHCM có độ cao 5m với bậc thang, người dân địa phương chưa có thói quen đi bộ nên nhiều lúc cảm thấy lười và đuối khi bước lên. Với tâm lý đó, số đông vẫn chọn cách đi tắt ngang mặt đường bất chấp vi phạm luật giao thông và nguy cơ tai nạn.

Cần thêm tiện ích gì để người dân TPHCM thích đi cầu bộ hành? - 3

Người đi bộ sai quy định từ phố đi bộ Nguyễn Huệ sang công viên bến Bạch Đằng ở quận 1, TPHCM (Ảnh: Hải Long).

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), về việc kiểm soát tốc độ phương tiện cơ giới tại nơi có người bộ hành đi qua, nếu xảy ra va chạm với xe chạy với tốc độ 30km/h thì cơ hội sống của người bộ hành là 80%, nhưng nếu tốc độ tăng lên 60km/h, cơ hội sống của họ giảm còn 20%.

Cũng theo số liệu từ WHO, trung bình 1 phút 41 giây lại có một người đi bộ chết do va chạm giao thông, số người đi bộ tử vong chiếm 25% tổng số người tử vong khi tham gia giao thông.

Trong năm 2022 đã có hơn 311.600 người đi bộ tử vong vì tai nạn giao thông. Tính riêng tháng 2 vừa qua có gần 23.600 người, nâng tổng số người đi bộ tử vong trong quý I năm nay lên gần 51.000 người.

Về số liệu này từ Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), năm 2022, cả nước xảy ra hơn 1.000 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ, chiếm 1,92% tổng số vụ tai nạn giao thông, trong đó có 580 người chết và trên 700 người bị thương.

Những con số trên cho thấy, người đi bộ là đối tượng chịu rủi ro khá cao khi tham gia giao thông cùng các phương tiện cơ giới, từ đó nêu bật vai trò của cầu bộ hành và nâng cao ý thức người đi bộ.

"Tuy thế, ở nhiều đô thị lớn trên thế giới, giao lộ của họ to hơn phố đi bộ Nguyễn Huệ ở TPHCM, trên đường dày đặc vạch kẻ cho người đi bộ cùng hệ thống đèn xanh đỏ, không cần đến cầu bộ hành vì người dân gồm người đi bộ và xe tuân thủ nghiêm ngặt", TS Hoàng Ngọc Lan đề cập đến vấn đề ý thức người tham gia giao thông.

Ở TPHCM, tháng 2 vừa qua, Cục Cảnh sát giao thông cung cấp thông tin từng có 3 người đi bộ bị Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt - Công an TPHCM xử phạt do qua đường không đúng quy định. Con số này không là gì so với tình trạng vi phạm mỗi ngày ở thành phố. 

Trao đổi với phóng viên, một CSGT trực ở một số giao lộ trung tâm quận 1 cho biết, người đi bộ sai quy định rất nhiều nhưng công an khó bao quát xử lý hết, hầu như chỉ dừng lại ở nhắc nhở.

"Muốn xử phạt cũng khó, người vi phạm là người dân đi dạo cởi trần không mang bất kỳ giấy tờ tùy thân thì không thể lập biên bản", một CSGT cho hay.

Ý tưởng lắp camera ở cầu bộ hành với mục đích phát hiện để xử phạt người đi bộ dưới lòng đường sai quy định, hiện nay vẫn là một phương án bỏ ngỏ vì hiện trạng mà CSGT nêu.

Theo Điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, 60.000-100.000 đồng là mức phạt đối với các hành vi người đi bộ không đi đúng phần đường quy định, vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không đảm bảo an toàn...