Cần phòng ngừa việc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để gây mất đoàn kết

Lê Hoa

(Dân trí) - Cần phòng ngừa trường hợp lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây mất đoàn kết nội bộ, theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa.

Đề nghị bổ sung việc nghiêm cấm biếu, tặng quà để vận động, lôi kéo

Góp ý dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) chiều 9/6, nhiều đại biểu chú ý đến quy định cấm trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng khoản 2 Điều 8 quy định "Nghiêm cấm sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để vận động, lôi kéo, mua chuộc tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm" là chưa đầy đủ.

Do vậy, bà đề nghị bổ sung vào khoản này cụm từ "hoặc lợi ích phi vật chất" để bao quát hơn.

Bà Hoa lý giải, tham khảo Nghị quyết số 03 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự thì "lợi ích phi vật chất" là những lợi ích không phải lợi ích vật chất, ví dụ như: tặng thưởng, đề xuất tặng thưởng các danh hiệu, giải thưởng; bầu cử, bổ nhiệm chức vụ; nâng điểm thi; hứa hẹn cho đi học...

Cần phòng ngừa việc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để gây mất đoàn kết - 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành và gợi ý nội dung thảo luận (ảnh: quochoi.vn).

Ngoài ra, vì "tiền và tài sản" cũng chính là lợi ích vật chất, nên để thể hiện cho chính xác hơn, bà đề nghị bổ sung cụm từ "lợi ích vật chất khác".

Như vậy, bà đề nghị sửa đoạn này như sau: "Nghiêm cấm sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất để vận động, lôi kéo, mua chuộc tác động …".

Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, bà Hoa cho biết, theo báo cáo tổng kết năm 2018, ở Hội đồng nhân dân cấp xã cả nước có tổng số 84.234 người được lấy phiếu tín nhiệm; trong đó, 186 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp.

Báo cáo cũng không ghi nhận trường hợp nào lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây mất đoàn kết nội bộ.

Tuy nhiên, đại biểu này cho rằng cần phòng ngừa trường hợp để xảy ra hiện tượng mất đoàn kết nội bộ, nhất là ở Hội đồng nhân dân cấp xã tại một số ít địa phương. Bởi, tính chất dòng họ, làng xã tương đối "đậm đặc".

"Chỉ cần một người hoặc một nhóm người của dòng họ chiếm số đông trong xã chi phối hoặc thao túng số phiếu có thể lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm làm giảm uy tín của người khác, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ", nữ đại biểu nói.

Làm rõ nhóm đối tượng quan hệ gia đình với người lấy phiếu tín nhiệm

Cho ý kiến về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng cần rà soát và có thể làm rõ hơn nhóm đối tượng có quan hệ gia đình, gần gũi với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Cần phòng ngừa việc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để gây mất đoàn kết - 2

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Ảnh: quochoi.vn).

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, việc xác định quan hệ cha mẹ con có các trường hợp con đẻ, con nuôi, con trước thời kỳ hôn nhân nhưng được thừa nhận, trường hợp con chưa thành niên, con đủ 18 tuổi… các trường hợp này đều có những hệ quả pháp lý khác nhau trong những quy định cụ thể.

"Bên cạnh đó, nên làm rõ tiêu chí sự gương mẫu của vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật làm căn cứ đánh giá cần có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm", bà Nga nêu.

Giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu nêu, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, 3 lần lấy phiếu tín nhiệm góp phần quan trọng trong nâng cao vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cũng như nâng cao năng lực hiệu quả, tinh thần trách nhiệm của người lấy phiếu tín nhiệm.

Tất cả ý kiến phát biểu tại tổ và thảo luận hội trường hôm nay thể hiện sự quan tâm xác đáng, trách nhiệm cao, bao quát toàn bộ vấn đề dự thảo nghị quyết.

Về ý kiến của các đại biểu, bà Thanh cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến bổ sung thêm các tiêu chí về căn cứ để đánh giá tín nhiệm, như là sự gương mẫu của người thân, các mối quan hệ trong gia đình, những tác động phi vật chất trong việc có thể ảnh hưởng đến kết quả của phiếu...