1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp

Cần làm rõ nội dung phản biện xã hội của Mặt trận

(Dân trí) - Mặt trận Tổ quốc cần được khẳng định vai trò, vị trí xứng đáng để động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình... Cùng đó, cần làm rõ nội dung giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc.

Ngày 8/3, UB TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị để lãnh đạo MTTQ các tỉnh thành góp ý kiến sửa Hiến pháp.

Dù còn băn khoăn về đôi câu chữ, song các ý kiến đều nhất trí cần giữ quy định trong hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đa số các ý kiến thống nhất cao về việc giữ lại nguyên vẹn điều 4 không cần sửa đổi, bổ sung. Chỉ có một ý kiến của Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Kon Tum, ông Trần Bình Trọng đề nghị bổ sung khoản 1 như sau: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong... và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng. Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo duy nhất Nhà nước và xã hội”.
 
Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Hải Dương Lương Anh Tế cho rằng, việc quy định rõ một điều trong Hiến pháp về một Đảng chính trị có lẽ là đặc trưng riêng của Việt Nam, đó là sự cần thiết và đương nhiên.
 
Chủ tịch MTTQ tỉnh Phú Thọ Trần Phù Tiêu tham gia ý kiến tại hội nghị.
Chủ tịch MTTQ tỉnh Phú Thọ Trần Phù Tiêu tham gia ý kiến tại hội nghị.

“Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành độc lập dân tộc, lập ra Nhà nước. Trong lịch sử dân tộc, Đảng luôn là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Thành quả cách mạng có được ngày hôm nay là sự kết hợp sức mạnh dân tộc, truyền thống đoàn kết, sự tự lực tự cường của nhân dân và sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta. Đó là điều không thể phủ nhận” – ông Tế khẳng định dù vẫn thẳng thắn nhìn nhận, Đảng cũng có lúc sai lầm về phương pháp, thiếu sót trong tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách.

Theo đại biểu, Đảng đã nhận thức được các vấn đề, hạn chế và sửa chữa để tự hoàn thiện hơn. Thời điểm này, Đảng đang thực hiện chủ trương chỉnh đốn, làm trong sạch đội ngũ để tiếp tục lãnh đạo đất nước trong giai đoạn cách mạng mới. Hướng ý kiến đề nghị bỏ Điều 4, theo ông Tế là cách nhìn thiếu biện chứng.

Nhất trí thêm quan điểm quy định lực lượng vũ trang nhân dân phải trung thành với Đảng, song ông Võ Lê Tuấn, Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Long An đề nghị sửa lại điều 70, để “lực lượng vũ trang trước hết phải trung thành với Tổ quốc, nhân dân, sau đó mới đến trung thành với Đảng”.

Cho rằng cần giữ nguyên điều 70, Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Hải Dương Lương Anh Tế lập luận, khi khẳng định sự lãnh đạo của Đảng với nhà nước và xã hội, cũng là khẳng định lực lượng vũ trang trước hết trung thành với Đảng, bảo vệ Đảng.

Liên quan đến quy định tại Điều 6, các đại biểu cho rằng Dự thảo đã làm rõ, đầy đủ hơn các phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước, không chỉ dừng ở nhóm cơ quan dân cử như quy định hiện hành.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị, cần bổ sung quyền đại diện của MTTQ và các đoàn thể nhân dân vì vai trò đại diện nhân dân thực hiện các quyền dân chủ của MTTQ là rất quan trọng.

Ông Lương Anh Tế lập luận, tuy không do nhân dân bầu ra nhưng nói đến MTTQ là nói đến liên minh chính trị của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội. Đó là sự tập hợp tự nguyện của các tầng lớp nhân dân và cũng chính là đại diện cho nhân dân.

Chủ tịch MTTQ tỉnh Phú Thọ Trần Phù Tiêu cũng cho rằng cách ghi chung chung là “các cơ quan nhà nước” thiếu cụ thể trong khi vai trò đại diện của MTTQ đã được thừa nhận tại văn kiện Đảng.

Vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị và trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội là nội dung được nhiều đại biểu tập trung góp ý với mong muốn khẳng định và thể hiện rõ hơn nữa tư tưởng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đại đoàn kết toàn dân là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để xây dựng, phát triển đất nước.

Mặt trận Tổ quốc cần được khẳng định vai trò, vị trí xứng đáng để động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi ích thành viên, thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội.

Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Thanh Hóa Trịnh Ngọc Giao nêu lý lẽ, nội dung này đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng XI và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011). MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, thể hiện sự tôn trọng và bình đẳng giữa các thành viên trong hệ thống chính trị.

Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Quảng Nam Lê Văn Lai cho rằng phải giữ cho được vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Có như vậy, MTTQ mới có vị trí thực tế trong xã hội, là bộ phận trong hệ thống chính trị. Hiến pháp cần có những định chế mạnh mẽ hơn về giám sát và phản biện xã hội; đi liền theo đó là các văn bản dưới luật quy định ngay từ đầu.

Về vai trò giám sát của MTTQ, các đại biểu cho rằng cần làm rõ nội dung giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc vì giám sát và phản biện xã hội có phạm vi, lĩnh vực và đối tượng khác nhau, nên cần tách riêng mà không gộp chung một khoản như trong dự thảo.

Ông Tuấn đề nghị tách hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ theo hướng “giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện phản biện xã hội theo quy định của pháp luật.”

P.Thảo