1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Trị:

Cân đối nguồn nước tưới, chuyển đổi cây trồng để ứng phó với khô hạn

(Dân trí) - Trước diễn biến phức tạp của hạn hán có thể làm tăng nguy cơ thiếu nước sản xuất và sinh hoạt, tỉnh Quảng Trị đã chủ động đưa ra nhiều biện pháp chống hạn, như: Sử dụng tiết kiệm nguồn nước; Chuyển đổi hơn 1.000 ha trồng hoa màu nhằm giảm thiểu thiệt hại do khô hạn gây ra...

Trong ngày 8/4, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã có chuyến khảo sát về tình hình sản xuất nông nghiệp, công tác ứng phó với hạn hán tại tỉnh Quảng Trị. Đoàn đã đi thăm các dự án chuyển đổi cây trồng chống hạn, một số hồ chứa nước, các vùng bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở các huyện Gio Linh, Cam Lộ, thị xã Quảng Trị…


Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và đoàn công tác đi kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và đoàn công tác đi kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp

Mặc dù chưa đến “đỉnh điểm” của mùa khô hạn, nhưng lượng nước tích trữ được tại các hồ, đập thủy lợi tại địa bàn đã có dấu hiệu xuống thấp, nguy cơ thiếu nước cho sản xuất có thể gây ảnh hưởng đến việc canh tác của bà con nông dân. Trong khi tại tỉnh Quảng Trị, cuộc sống của đại đa số người dân dựa vào sản xuất lúa và hoa màu.

Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện lượng nước tại nhiều hồ thủy lợi trên địa bàn chỉ đạt 60-70% dung tích, lượng mưa năm 2015 đạt 78% so cùng kỳ.

Ông Hưng nói: “Hạn hán đang diễn biến trầm trọng, gây thiếu nước sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân, ảnh hưởng đáng kể đến năng suất, sản lượng các loại cây trồng. Đặc biệt, tại 2 huyện miền núi Đăkrông và Hướng Hóa có 5.000 ha cà phê đang ra hoa, cùng 2.000 ha sắn, 1.000 ha chuối bị ảnh hưởng khô hạn, ảnh hưởng năng suất, chất lượng”.

Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, ngay trong vụ Đông Xuân, tỉnh Quảng Trị thực hiện nhiều giải pháp như: tưới tiết kiệm, chuyển đổi cây trồng, thường xuyên nạo vét kênh mương…

Tuy nhiên, các cơ quan chuyên môn dự báo, sang vụ Hè - Thu sẽ chỉ còn 50% lượng nước ở các hồ thủy lợi nên sẽ gây hạn nặng, thiếu nước sinh hoạt cho người dân và gia súc, gia cầm, cháy rừng ở nguy cơ cao…

Trao đổi với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp, ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, toàn tỉnh có 70% dân sống bằng nông nghiệp, đóng góp 20% cơ cấu kinh tế. Vụ Hè -Thu sắp đến có thể sẽ bị hạn nặng.

“Địa phương đã chủ động đưa ra nhiều biện pháp ứng phó với hạn hán, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho bà con nhân dân. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, nếu không đủ nước để tưới tiêu thì rất khó để sản xuất. Đề nghị Bộ NN-PTNT quan tâm, cấp kinh phí để chống hạn, nạo vét hệ thống kênh, mương thủy lợi, khôi phục các trạm bơm…”, ông Chính đề xuất.


Buổi làm việc với tỉnh Quảng Trị và các cơ quan liên quan chiều 8/4

Buổi làm việc với tỉnh Quảng Trị và các cơ quan liên quan chiều 8/4

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, những nỗ lực của tỉnh Quảng Trị và các cơ quan liên quan trong việc chủ động ứng phó với diễn biến xấu của thời tiết, tình hình hạn hán nghiêm trọng hiện nay rất đáng hoan nghênh. Ngành nông nghiệp của tỉnh đã có phương án cân đối nguồn nước tưới để sản xuất, song cũng cần phải ưu tiên sử dụng nước cho sinh hoạt và gia súc.


Ông Doanh nhấn mạnh: Phải ưu tiên đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân, nước uống cho gia súc, gia cầm và cây trồng

Ông Doanh nhấn mạnh: "Phải ưu tiên đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân, nước uống cho gia súc, gia cầm và cây trồng"

Ông Doanh đề nghị tỉnh Quảng Trị nên đưa đưa ra các biện pháp khả thi để đối phó với tình hình hạn hán, nhằm chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho vụ Hè Thu sắp tới. Trong điều kiện diện tích sản xuất lớn và hạ tầng chưa đồng bộ. Dự báo năm nay sẽ hạn rất nặng, ảnh hưởng đến sản xuất lúa, đặc biệt là sản xuất hè thu. Bởi vậy, việc chỉ đạo sản xuất hè thu rất quan trọng, nhất là thời vụ để chạy đua với thời tiết và lũ lụt.

Bên cạnh đó, địa phương nên có kế hoạch gieo cấy đồng loạt để đảm bảo tiết kiệm nước, đẩy sớm thời vụ gieo trồng. Đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích cấy trồng chống hạn, phòng chống sâu bệnh, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn, cũng như chuẩn bị điều kiện ứng phó cho cả mùa mưa lũ sau đó. Trong kế hoạch trống hạn, việc trước mắt phải ưu tiên nước cho sinh hoạt, gia súc và trồng trọt. Đẩy nhanh việc thực hiện các hạng mục còn lại của Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới (WB 7). Cần phải có đề án riêng trong việc phát triển các loại cây công nghiệp tại địa phương, nhằm nâng cao năng suất, bảo đảm mùa vụ trong tình hình thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay.

Đăng Đức

Cân đối nguồn nước tưới, chuyển đổi cây trồng để ứng phó với khô hạn - 4