1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Căn cứ của lòng dân

(Dân trí) - Chuyện xưa kể rằng: Vào thời nhà Lê có một vị Tiến sĩ là tướng chỉ huy thủy quân trên vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng, ông chọn ấp Nước Mặn ở vùng ngã ba sông Hàn và sông Cẩm Lệ để làm căn cứ đóng quân.

Trường trải trận mạc, giữ vững vùng biên viễn phía Nam của tổ quốc, vị Tiến sĩ đó đã trở thành một vị tướng anh hùng.

 

Sau một cuộc dẻo dai chống giặc, quân lương cạn, chiến hạm hư nát, binh sĩ hao tổn. Trong lúc thế giặc mạnh lại vây hãm ở cả hai đầu sông Hàn ông đã ra lệnh cho các binh sĩ phải rời thuyền lên bờ trở về quê quán còn ông sẽ ở lại để tuẫn tiết theo thuyền.

 

Một số binh sĩ đã tình nguyện ở lại cùng ông, họ cùng buộc mình vào soái hạm và đã anh dũng hy sinh. Dân làng Khuê Bắc lập miếu thờ vị tiến sĩ đó ở ấp Nước Mặn, tục gọi là Miếu Một và vào ngày 16 tháng 3 âm lịch hàng năm dân làng đã làm lễ cúng tế dâng hương tưởng nhớ ông và các nghĩa sĩ đã chết theo thuyền năm xưa.

 

Vị Tiến sĩ đó là ai, một nhân vật lịch sử hay truyện kể dân gian? Song dù đó là ai thì đấy là một truyền thuyết đẹp, một cảm hứng của lịch sử và dự báo về một mảnh đất kiên trung bất khuất sau này: K20 hay căn cứ K20. Nay căn cứ này thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.

 

Bây giờ những “chứng nhân lịch sử” khu căn cứ này trong thời kỳ chống Mỹ chỉ còn lại ông Huỳnh Trưng, năm nay ông đã 76 tuổi trí nhớ giảm sút nhiều. Vợ ông Bà Huỳnh Thị Hữu năm nay cũng đã 71 tuổi quanh quẩn với mảnh ruộng gần nhà cho vui tuổi già. Câu chuyện về căn cứ này qua lời kể của ông Trưng cho thấy sự khốc liệt của chiến tranh mà nhân dân ta đã đổ biết bao xương máu mới dành được hòa bình như ngày hôm nay.
 

Căn cứ của lòng dân  - 1

Đây là cánh cửa vào căn hầm bí mật của nhà ông Huỳnh Trưng, cánh cửa được ngụy trang khéo léo ngay bàn thờ tổ tiên nên địch rất khó phát hiện. Bên dưới có thể trú ẩn hàng chục cán bộ, du kích… khi có địch.

Đa Mặn là vùng giáp ranh giữa huyện Hòa Vang và TP Đà Nẵng, là cửa ngõ ra vào thành phố, vì vậy Đa Mặn có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Sau hiệp định Giơnevơ (1954), đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đã cho xây nhiều đồn bốt quanh căn cứ Đa Mặn làm thành một vành đai quân sự khép kín với bộ máy chính quyền tay sai ác ôn để kìm kẹp nhân dân và ngăn cản lực lượng cách mạng từ bên ngoài vào thành phố.

 

Sau những ngày đen tối của luật 10/59 mà đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã đề ra nhằm tiêu diệt phong trào cách mạng miền Nam, đầu năm 1960 với Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (khóa II) ra đời soi sáng cho đường lối đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam, từ đó phong trào cách mạng ở Đa Mặn cũng hồi sinh.

 

Đầu năm 1961, Thành ủy Đà Nẵng cử cán bộ lãnh đạo nòng cốt về Đa Mặn bắt liên lạc,  xây dựng cơ sở và thành lập Ban cán sự thôn Đa Mặn đồng thời cử đồng chí Nguyễn Thị Được làm Bí thư lãnh đạo quần chúng đấu tranh.

 

Sau khi thành lập, hai chi bộ xóm Đồng và xóm Cát đã lãnh đạo nhân dân “diệt ác, phá kèm” đồng thời tiến hành xây dựng các công sự mật để nuôi giấu, che chở, làm chỗ đứng chân cho Thành ủy Đà Nẵng, Quận ủy Quận Ba và các đơn vị bộ đội, biệt động, giao liên…

 

Cuối năm 1964 đầu năm 1965, Liên khu ủy 5 quyết định tách Đà Nẵng ra khỏi tỉnh Quảng Đà và thành lập Thành ủy Đà Nẵng, dưới Thành ủy là các quận ủy Quận Nhất, Nhì, Ba và Đảng ủy Sông Đà. Ở Quận Ba vào cuối năm 1964, đồng chí Nguyễn Văn Sinh, Bí thư quận ủy Quận Ba đã bị địch bắt thủ tiêu. Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã cử đồng chí Nguyễn Hữu Nì (tức Năm Thông), Ủy viên thường vụ Thành ủy về thành lập Quận ủy Quận Ba và trực tiếp làm Bí thư Quận ủy, các đồng chí Hồ Pháp, Nguyễn Tùy, Nguyễn Thị Đừng là quận ủy viên.

 

Nhằm xây dựng căn cứ cho quận và tạo điều kiện tốt cho công tác của thành phố trong bối cảnh quân viễn chinh Mỹ sắp đổ bộ vào miền Nam nước ta. Để chuẩn bị đánh Mỹ, theo chỉ đạo của Thành ủy, Quận ủy Quận Ba quyết định xây dựng khối Đa Mặn thành một “căn cứ lõm”, lấy mật danh là K20.

 

Khu căn cứ cách mạng K20 có diện tích khoảng 3km2 gồm cả xóm Đồng và xóm Cát của khối Đa Mặn nhưng chỉ có 20 gia đình sinh sống. Ở đây chung quanh là đồng ruộng và sông lạch gần như biệt lập với các khối khác trong vùng nhưng tại xóm Đồng ta có thể dung trú được từ 50-100 cán bộ, bộ đội, du kích và ở đây ta có thể dùng ghe, thuyền theo đường thủy đi về hướng Nam - Tây Nam để đến các xã lân cận của huyện Hòa Vang, theo hướng Bắc - Tây Bắc có thể vào trung tâm TP Đà Nẵng. Lợi thế về địa chính trị và “nội bộ nhân dân thuần khiết” là các yếu tố quyết định để khối Đa Mặn được xây dựng thành căn cứ K20 dù khối Đa Mặn nằm trong vùng kiểm soát chặt chẽ, ngặt nghèo của chính quyền Sài Gòn.

 

Tháng 2/1965, khi quân viễn chinh Mỹ sắp đổ bộ vào Đà Nẵng, Quận ủy Quận Ba quyết định tách Chi bộ Đa Mặn thành 2 chi bộ: Chi bộ Đa Mặn (mật danh A2) và Chi bộ Đa Phước (mật danh A4) nhằm tăng cường công tác lãnh đạo và chỉ đạo xây dựng lực lượng cách mạng tại K20. Từ đây cho đến lúc kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có lúc thật khó khăn, có lúc thuận lợi song K20 vẫn đứng vững, bảo đảm là “lõm chính trị” vững chắc, một căn cứ cách mạng ngay trong lòng địch và sát nách căn cứ sân bay Nước Mặn của quân viễn chinh Mỹ.

 

Có thể nói một biểu tượng lòng dân của K20 là những căn hầm bí mật. Tính từ năm 1964 đến 1975, người dân Đa Mặn đã đào được 124 căn hầm bí mật trong tổng số 175 hầm trên địa bàn phường Bắc Mỹ An lúc bấy giờ. Nhiều gia đình cơ sở ở Đa Mặn đã được vận động đào hầm bí mật ngay trong nhà để nuôi giấu cán bộ. Do có nhiều hầm nên các đồng chí cán bộ lãnh đạo đã thay đổi liên tục chổ ở nên địch rất khó phát hiện.

 

Hầm bí mật của nhà bà Nguyễn Thị Hải được đào nối liền từ nhà bếp đến nhà dưới để ngụy trang. Các đồng chí Hồ Như, Nguyễn Thị Được và Mai Đăng Phô đã trực tiếp làm căn hầm này. Căn hầm này tuy chỉ tồn tại một thời gian ngắn (từ tháng 2/1962 đến tháng 10/1964) nhưng đây là căn hầm đầu tiên được đào tại Đa Mặn trong thời kỳ chống Mỹ, khởi đầu cho cả phong trào làm hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích ở Đa Mặn nói riêng và cả TP Đà Nẵng nói chung.

 

Ngoài ra, hầm bí mật nhà thờ Bà Nhiêu cũng được xây dựng năm 1962, đây là một cơ sở vững chắc nhất ở K20, không bị lộ, biểu tượng của lòng kiên trung, sự bảo bọc che chở chắc chắn cán bộ, chiến sĩ của nhân dân Đa Mặn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng.

 

Cùng với công sự mật, lòng dân Đa Mặn là những công sự kiên cố mà kẻ thù biết vẫn không thể nào xăm thủng. Mờ sáng ngày 26/10/1965 địch càn vào Đa Mặn lùng sục khắp làng hòng phát hiện tiêu diệt lực lượng của ta. Chúng vào nhà mẹ Phạm Thị Mùa hỏi mẹ: “Việt Cộng đâu?” Mẹ Mùa bảo: “Tôi đi làm rau muống miết ngoài đồng không biết Việt Cộng ở đâu. Nếu các ông tìm có Việt Cộng thì tôi chịu đứt đầu”.

 

Lúc này trong nhà mẹ Mùa có 3 hầm bí mật và một hầm ở ngoài vườn, trên gác có khá nhiều bộ đội trong mũi chủ công đánh sân bay Nước Mặn do đồng chí Nguyễn Xuân Hồng làm mũi trưởng (vừa mới từ căn cứ về) đang ở. Bọn địch dùng các thanh sắt nhọn xăm hầm, nhìn lên gác không thấy gì chúng chuyển qua nhà khác. Chúng dồn dân Đa Mặn ra Miếu Một ở sát sông Hàn đến 3 giờ chiều mới cho về. Vừa về lại nhà lực lượng thanh thiếu niên tổ chức cảnh giới, các mẹ các chị nấu cơm cho bộ đội ăn, đi hái lá rau lang, lấy soong nồi cạo lọ nghẹ trộn với dầu phụng để bộ đội bôi lên người ngụy trang và tối hôm đó các anh đã tiến công sân bay Nước Mặn của giặc Mỹ.
 
Căn cứ của lòng dân  - 2

Cửa hầm thoát ra ngoài, trước đây chỗ này được ngụy trang bằng cách trồng hàng chè tàu ngay miệng hầm. Từ trong hầm cán bộ và bộ đội theo cửa này để ra sông Hàn tỏa đi các nơi.

 

Một điều mà đến bây giờ vẫn làm ông Huỳnh Trưng nhớ nhất và xúc động nhất đó là khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Ngày 3/9/1969, qua làn sóng của Đài tiếng nói Việt Nam, cán bộ chiến sĩ cơ sở cách mạng K20 nghe tin Bác qua đời, hôm đó trời mưa không gian ảm đạm và người dân K20 lặng đi trước cái tang lớn của cả dân tộc. Với lòng kính yêu Bác, ngày 8/9/1969, nhân dân K20 đã tổ chức lễ truy điệu và lễ dâng hương Người tại chùa Khuê Bắc. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm và đầy xúc động, có cờ mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, vòng hoa và băng rôn với khoảng 200 người ở hai khối Nước Mặn và Đa Phước tham dự.

 

Đáng nói là lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ cách đồn Mỹ đóng quân trên dưới 10m mà quân Mỹ chẳng hay biết gì.

 

Một sự kiện tưng bừng hoan hỉ nhất của nhân dân K20 trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc là sự kiện tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975, khi lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên căn cứ sân bay Nước Mặn của địch, khi đồng chí Bí thư chi bộ K20 báo cáo với đồng chí Bí thư Quận ủy Quận Ba rằng: “K20 đã phát lệnh khởi nghĩa sớm và đã thắng lợi hoàn toàn”.

 

Ngày nay, khi chúng ta đến thăm lại căn cứ cách mạng K20 năm xưa chúng ta sẽ thăm lại ngôi nhà thờ Bà Nhiêu với căn cứ hầm bí mật trước sân và những căn hầm bí mật khác ở nhà bà Nguyễn Thị Hải, ông Huỳnh Trưng… mà nhân dân Đa Mặn đã trân trọng giữ gìn, ngành văn hóa thông tin địa phương đã sửa chữa tôn tạo. Đặc biệt là ngôi nhà truyền thống K20 nơi lưu giữ và trưng bày một số lượng lớn hiện vật, bút tích của cán bộ và nhân dân Đa Mặn đã dùng sinh hoạt và chiến đấu trong suốt một giai đoạn đấu tranh cam go mà anh dũng hào hùng.

 

Công Bính