1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cần có chế tài xử lý nghiêm báo cháy và cứu nạn, cứu hộ giả

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Thảo luận về Luật PCCC&CNCH, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Yên đề nghị có chế tài xử lý nghiêm đối với trường hợp báo cháy và cứu nạn, cứu hộ giả.

Tại phiên họp đầu tháng 11, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Đỗ Văn Yên (Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá, dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quy định nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là phù hợp, tạo khung pháp lý để các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thực hiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Song ông Yên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung nguyên tắc ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để các cơ quan, tổ chức chú trọng hơn đến việc đầu tư công nghệ mới trong phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, đồng thời bảo đảm thống nhất với Điều 52 dự thảo luật về hoạt động khoa học - công nghệ và hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cũng như truyền tin về báo cháy.

Theo ông Yên, mặc dù tại khoản 6 Điều 13 dự thảo luật có quy định nghiêm cấm hành vi báo cháy giả, báo tình huống cứu nạn, cứu hộ giả, nhưng tại Điều 6 quy định về báo cháy, tình huống cần phải cứu nạn, cứu hộ không có quy định cách thức xử lý báo cháy, tình huống cần phải cứu nạn, cứu hộ giả như thế nào.

Cần có chế tài xử lý nghiêm báo cháy và cứu nạn, cứu hộ giả - 1

 Đại biểu Vũ Hồng Luyến (Hưng Yên) (Ảnh: Media Quốc hội).

Ông Yên nêu, trong thực tiễn, khi xảy ra vấn đề này sẽ gây mất rất nhiều về thời gian và nguồn lực. Vì vậy, ông đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc, bổ sung cách thức xử lý vấn đề này và có chế tài nghiêm đối với trường hợp báo cháy và cứu nạn, cứu hộ giả.

Còn đại biểu Vũ Hồng Luyến, (Hưng Yên) thống nhất cao với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Theo bà Luyến, dự thảo luật lần này đã tiếp thu tối đa các ý kiến hợp lý của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Để hoàn thiện dự thảo luật, bà Luyến đưa ra ý kiến: Trong dự thảo Luật trình tại kỳ họp này có quy định cụ thể về việc phòng cháy đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh quy định tại Điều 19 và Điều 20.

Do đó, bà Luyến đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm quy định về phòng cháy đối với chung cư cao tầng bởi đây là những khu vực tập trung đông dân cư sinh sống, nguy cơ cháy nổ cao, nhiều chung cư cao tầng xây dựng từ lâu, trong quá trình sử dụng gây hư hỏng hoặc sửa chữa hệ thống kỹ thuật dẫn đến công tác ngăn cháy, chống cháy, cứu nạn, cứu hộ không còn đảm bảo.

Bên cạnh đó, cần phải có các quy định về hệ thống đường giao thông dẫn vào các tòa nhà chung cư cao tầng, phải đảm bảo tối thiểu cho xe phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng có thể tiếp cận được hiện trường khi cháy nổ xảy ra để giảm thiểu thiệt hại thấp nhất về người và tài sản của nhân dân.

Ngoài ra, kỹ năng thoát nạn là một kỹ năng cơ bản đặc biệt quan trọng đối với người dân trong bất kỳ một vụ cháy nào xảy ra để có thể bảo vệ bản thân, người xung quanh và giúp bớt thương vong cũng như làm tốt công tác phối hợp với lực lượng cứu nạn, cứu hộ khi có cháy nổ xảy ra.

Bà đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định chi tiết và cụ thể hơn nữa về kỹ năng thoát nạn, trách nhiệm của các đối tượng được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ quy định tại khoản 1 Điều 45 dự thảo luật.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm