1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cần có chế tài với người tiếp công dân không hoàn thành nhiệm vụ

(Dân trí) - Thảo luận về dự luật Tiếp công dân, các ĐBQH đề xuất quy định người đứng đầu không được ủy quyền cho cấp dưới làm thay việc tiếp dân, tăng ràng buộc để nâng cao trách nhiệm, hạn chế việc ủy quyền quá 30% thời gian tiếp dân của 1 năm.

Chiều 28/10, tiếp tục kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tiếp công dân. Đây là một trong những luật dự kiến được thông qua tại kỳ họp này.

Báo cáo tiếp thu, giải trình khi đưa ra Quốc hội lần này nêu rõ, làm tốt công tác tiếp công dân sẽ là cơ sở để làm tốt công tác giải quyết khiếu nại tố cáo. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật lần này đã nhấn mạnh trách nhiệm tiếp công dân của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhất là người đứng đầu. Luật có 1 chương quy định trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu các cơ quan Nhà nước, các đơn vị tiếp công dân theo định kỳ và cả đột xuất. Luật cũng đã tập trung quy định cách thức tổ chức tiếp công dân của các tổ chức chính trị, xã hội.

Chính phủ sẽ quy định việc tổ chức tiếp công dân của các cơ quan Chính phủ, đơn vị hành chính sự nghiệp. Công tác tiếp công dân sẽ được tổ chức thường xuyên tại trụ sở tiếp công dân, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại của công dân, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại của các tổ chức, cơ quan. Quy trình tiếp công dân đòi hỏi phải cụ thể từ tiếp nhận đến theo dõi kết quả giải quyết.
 
Đại biểu góp ý kiến về Luật Tiếp công dân
Đại biểu góp ý kiến về Luật Tiếp công dân

Các ý kiến thảo luận nghiêng về hướng đề nghị quy định người đứng đầu không được ủy quyền cho cấp dưới trong việc tiếp công dân. Yêu cầu đối với các quy định là cần phân loại rõ ràng hơn theo hướng ràng buộc cao hơn trách nhiệm của người đứng đầu, hạn chế việc quy định ủy quyền cho cấp dưới, cấp phó hoặc thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị ủy quyền cho cấp phó không quá 30% thời gian tiếp công dân của 1 năm.

Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) nêu ý kiến cần có những quy định để nâng cao được ý thức trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cũng như của cán bộ công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân. Một khi ý thức trách nhiệm được nâng cao thì việc tiếp dân mới đạt được mục tiêu đích thực mà không pháp luật nào có thể điều chỉnh được.

Đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) cũng cho rằng cần quy định rõ người đứng đầu nếu không tiếp công dân được vì vướng công tác khác thì có thể giao cho cấp phó, có thông báo lịch tiếp công khai. Cần có chế tài đối với người tiếp công dân không hoàn thành nhiệm vụ.

Ngoài ra, ông Lâm đề nghị bổ sung thêm 3 hành vi cấm như cán bộ giải quyết khiếu nại tố cáo không được đùn đẩy trách nhiệm; cán bộ tiếp công dân không được xúi giục người dân sử dụng tài liệu, hành vi giả; không cho công dân mang chất cháy nổ đến chỗ tiếp công dân. Cần quy định rõ trách nhiệm của những người liên quan đến tiếp công dân, xử lý khiếu nại của công dân. UBND xã cần có phòng tiếp công dân, cũng như quy định về trách nhiệm tiếp công dân của Chủ tịch xã.

Đại biểu Trương Minh Hoàng, Cà Mau cũng khẳng định, việc tiếp dân không nên cứng nhắc theo luật, mà làm sao phải tạo nên sự gắn bó giữa người tiếp dân, cơ quan tiếp dân với nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) lập luận, điều quan trọng không phải là trụ sở tiếp dân có khang trang, đẹp đẽ hay không, mà ở thái độ của người cán bộ tiếp dân, để pháp luật được thượng tôn.

Bà Thúy phân tích thêm, tiếp công dân nếu làm tốt sẽ giảm được đơn thư và khiếu nại tố cáo vượt cấp, nhưng luật chưa làm rõ được mối quan hệ giữa tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo giữa TƯ và địa phương. Có trường hợp địa phương giải quyết thấu đáo rồi nhưng công dân lên Trung ương, TƯ lại chuyển về cho địa phương giải quyết.

Đại biểu Thúy cũng cảnh báo, quy định hiện hành của Luật tố cáo không buộc người tố cáo đến đúng địa chỉ để tránh trù dập, vì thế Luật Tiếp công dân cũng phải thống nhất điều này. 

P.Thảo