1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục:

“Cần chương trình giáo dục đặc biệt cho những thần đồng”

(Dân trí) - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Hồng Quân nói: "Những trường hợp có trí tuyện phát triển sớm trước tuổi, có chỉ số thông minh cao là một thứ búp non yếu cần phải được xã hội quan tâm, bảo vệ và phải có chương trình giáo dục đặc biệt".


Để làm rõ hơn về vấn đề bồi dưỡng và phát triển những em bé được cho là “thần đồng”, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với nguyên Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục - Trần Hồng Quân.

Ông có đánh giá gì về trường hợp cháu bé Phạm Tuấn Minh, mới 4 tuổi có khả năng tính toán được nhiều chuyên gia đánh giá là phi thường?

Phải nói rằng đây là một trường hợp rất đặc biệt.

Trên thực tế, những thiên tài có khả năng đặc biệt về lĩnh vực nào đó thì trên thế giới này cũng có nhiều. Về mặt khoa học, người ta chia ra làm 8 loại các năng khiếu khác nhau, ví dụ có em thông minh về mặt logic, có em thông minh về toán học hoặc là âm nhạc nghệ thuật. Tôi được biết có một trường hợp về một em học sinh tuy học rất kém toán nhưng lại vẽ cực kỳ giỏi, nhìn thấy bất cứ cái gì là em có thể vẽ lại ngay như thế. Đó cũng là một loại thông minh, mầm mống của thiên tài.

Hệ thống giáo dục tại các nước phát triển áp dụng phương pháp giáo dục gì với những trường hợp đặc biệt như ông vừa nhắc đến, thưa ông?

Trên thế giới với những trường hợp đặc biệt như thế này thì họ có cách giáo dục đặc biệt và mất rất nhiều công phu để tìm hiểu về khả năng này. Người ta thành lập những hội đồng đánh giá và cử chuyên gia về lĩnh vực đó theo dõi, nâng đỡ giúp tài năng của em được phát triển trong một môi trường tốt nhất. Quá trình này họ thực hiện rất công phu, tỉ mỉ bởi họ coi đây là những vốn quý.

Vậy với nền giáo dục nước nhà, chúng ta đã có quy chế nào dành riêng cho những em có khả năng đặc biệt chưa thưa ông? Và theo ông, chúng ta có nên thành lập những trung tâm giáo dục dành riêng cho đối tượng này không?

Ở Việt Nam theo tôi được biết thì hiện chưa có một quy chế chung nào dành riêng cho những em có khả năng đặc biệt. Tuy nhiên, theo tôi với những trường hợp đặc biệt thì cần áp dụng theo cách đặc biệt và không nên đưa ra quy chế chung cho tất cả các em bé thông minh đó. Bởi vì mỗi em có một khả năng về một lĩnh vực riêng.

Nếu có những em bé như vậy thì đó là cá biệt, đặc thù và cần có phương pháp giáo dục cá biệt. Chúng ta cần phải khảo sát cụ thể và có một tập thể các nhà khoa học đánh giá, theo dõi để đề xuất những phương pháp giáo dục giúp các em phát huy khả năng của mình.

“Cần chương trình giáo dục đặc biệt cho những thần đồng”

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Hồng Quân: "Với những em bé đặc biệt, cần có phương pháp giáo dục đặc biệt"

Thưa ông, nhiều người cho rằng ngành giáo dục nên áp dụng cách học vượt cấp đối với những em đặc biệt này?

Chúng ta không thể nói là nên hay không nên bởi mỗi em cần có những phương pháp giáo dục riêng, tùy vào khả năng của mỗi người. Cho học vượt cấp có khi là rất hại bởi bản thân cái đặc biệt của các em chỉ là một mặt nào đó thôi nhưng phương châm của giáo dục cần phải hình thành một con người với đầy đủ các khả năng, thích nghi cuộc sống để dần dần trưởng thành theo đúng lứa tuổi của các em, đó mới là khoa học.

Theo tôi, chúng ta có thể giao các trường hợp đặc biệt như em Phạm Tuấn Minh cho một hoặc một nhóm các nhà khoa học theo dõi, đánh giá để đưa ra những phương pháp giáo dục đặc biệt phù hợp với khả năng của các em. Đặc biệt, chúng ta cũng nên có những điều tra thống kê về quá trình phát triển của các em bé được cho là thần đồng để đánh giá cái phương pháp giáo dục đưa ra đã thành công hay chưa?

Tôi lấy ví dụ những em bé thi Olympic được huy chương vàng thì cần phải có một cuộc khảo sát xem sau này em ấy phát triển, trưởng thành ra sao? Có phát triển được tài năng của mình hay không? Điều này chúng ta chưa làm được và đây cũng là một thiếu sót lớn.

Trao đổi với phóng viên về trường hợp cháu bé Phạm Tuấn Minh, nhiều chuyên gia đau đáu với nỗi niềm: “Tìm kiếm được nhân tài đã khó nhưng việc sử dụng nhân tài còn khó hơn”. Là người từng nhiều năm đứng đầu ngành giáo dục nước nhà, ông có chia sẻ gì về điều này thưa ông?

Nhiều xã hội văn minh từ lâu đã chú ý tới những người có trí tuệ phát triển trên mức bình thường, nhất là các thần đồng. Các nhà tâm lý học thường xếp trẻ có IQ cao vào loại cần phải chăm sóc đặc biệt.

Hiện nay hệ thống giáo dục của nước ta được thiết kế nhằm phục vụ quần thể phổ thông của đa số dân, vì thế rất khó đáp ứng nhu cầu phát triển của một số trẻ có tiềm lực phát triển riêng. Chúng ta mới chỉ có hệ thống các trường chuyên lớp chọn, để đào tạo, bồi dưỡng những em học sinh giỏi. Riêng đối với những trường hợp đặc biệt cần có cách giáo dục đặc biệt.

Những trẻ em có trí tuệ phát triển sớm trước tuổi, có chỉ số thông minh cao là một thứ búp non yếu cần phải được xã hội quan tâm, bảo vệ.

Ở đây cần phải nhấn mạnh, việc quan trọng là cách giáo dục để phát triển các em đó thành nhân tài như thế nào? Lâu nay chúng ta vẫn mắc một sai lầm là tách các em đặc biệt ra khỏi môi trường phát triển đúng lứa tuổi. Việc bồi dưỡng nhân tài là một việc khoa học và cần phải cân nhắc nhiều mặt, cần phải có sự quan tâm kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Chúng ta nhiều khi không cần phải thành lập một hội đồng to tát mà chỉ cần một vài nhà khoa học có chuyên môn theo dõi, đánh giá để kịp thời đưa ra những đề xuất phù hợp với tài năng của các em.

Có một thực tế, rất nhiều phụ huynh có con sở hữu những khả năng đặc biệt lại e ngại và không muốn con mình tiếp xúc với báo chí bởi e ngại những tác động tiêu cực từ dư luận, truyền thông. Ông đánh giá gì về điều này? Và dư luận nên có cách phản ứng như thế nào đối với những thần đồng như thế này?

Việc thận trọng trước truyền thông theo tôi là cần thiết bởi sự quan tâm thái quá của báo chí đôi khi sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của các em bé đó. Nhiều trường hợp, các bà mẹ thường ngộ nhận con mình thông minh nhưng thực tế thì không phải như vậy. Trước hết, những phụ huynh này cần liên hệ với các nhà khoa học có chuyên môn để kiểm tra, đánh giá khả năng của con mình. Và việc giữ kín thông tin chính là cách tốt nhất bảo vệ những tài năng mới chớm nở.

Về phía chúng ta, nếu có phát hiện những trường hợp đặc biệt cũng không nên làm rùm beng và tung hô một cách thái quá. Hãy nên tôn trọng sự yên bình của các cháu. Một xã hội văn minh phải biết hết sức nâng niu trẻ em, tôn trọng sự yên bình của chúng, nhất là những trẻ thông minh hơn người.

Hà Trang – Xuân Ngọc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm