Cận cảnh những núi rác "cao hơn ngôi nhà 4 tầng" tại TP biển Sầm Sơn
(Dân trí) - Đã gần 10 năm qua, người dân sống quanh khu vực bãi rác khổng lồ của TP biển Sầm Sơn "kêu cứu" nhưng bất thành. Nhiều gia đình phải bỏ xứ để đi nơi khác sinh sống, những gia đình không có điều kiện thì đành chấp nhận sống chung với ô nhiễm, hôi thối năm này qua năm khác.
Do bãi rác này đã quá tải và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nên từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã xếp bãi rác Sầm Sơn là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần đóng cửa.
Bãi rác TP Sầm Sơn có 3 hố chôn lấp. Đến nay, rác của cả 3 hố chất cao như núi. Độ cao từ mặt đường lên đỉnh của “ngọn núi” rác này khoảng hơn 15m, cao hơn ngôi nhà 4 tầng.
Công nhân môi trường cố gắng dùng bạt phủ, dùng chế phẩm sinh học ngăn mùi và ruồi nhưng như muối bỏ biển.
Tháng 3/2018, khi cả 3 ô chôn lấp đã đầy thành 3 núi rác, Công ty CP Môi trường đô thị dịch vụ du lịch Sầm Sơn báo cáo không còn có thể chất cao hơn nữa, UBND TP biển Sầm Sơn chỉ đạo đổ rác vào đường đi nội bộ. Và đến nay, đường đi nội bộ không còn, cả bãi rác là một "núi" rác khổng lồ.
Bằng mắt thường có thể nhận thấy "thành phần" chính trong bãi rác thải là túi nilon - loại rác thải mà phải mất 500 năm mới có thể phân hủy hết.
Ông Nguyễn Hữu Hào, người dân phường Bắc Sơn cho biết: “Hơn chục năm nay môi trường ở đây bị “đầu độc” nghiêm trọng. Rác thải của cả thị xã tập trung về bãi chứa rác của phường, qua thời gian thẩm thấu xuống đất, chảy ra sông Đơ, khiến cho cả con sông dài hàng chục cấy số đen ngòm, chẳng ai còn dám lội xuống nữa. Thậm chí, hôm nào trở trời cá lại chết nổi trắng sông”
Bãi rác nằm cạnh sông Đơ, phía nam thông ra biển ở phường Trường Sơn, phía Bắc nối với sông Mã và cũng thông ra biển Sầm Sơn ở Lạch Hới (phường Quảng Tiến). Nước thải đổ ra sông Đơ sẽ tấn công bãi biển Sầm Sơn, đe dọa trực tiếp tới du khách khi về đây tắm biển.
Anh Nguyễn Hữu Cường, phường Bắc Sơn bức xúc: “Dân chúng tôi gần 10 năm nay “kêu cứu” cơ quan chức năng nhưng không được,. Cực chẳng đã, vợ chồng phải thuê lên khu vực trên để ở. Thế nhưng, mùi cũng không đỡ đi là bao. Hiện bố mẹ tôi vẫn phải ở đây vì không có điều kiện đi nơi khác. Ô nhiễm không khí, nguồn nước, cuộc sống khốn khổ vô cùng nhưng biết làm sao được, chấp nhận “sống chung với lũ” mà thôi”. (Ảnh: Những căn nhà hoang bên cạnh bãi rác).
Bình Minh